Việc Trung Quốc thông qua luật hải cảnh mới cho phép hải cảnh nổ súng vào các tàu nước ngoài là đòn nắn gân chính quyền Biden

Trung Quốc thông qua luật hải cảnh là đòn nắn gân chính quyền Biden

Anh Tú | 23/01/2021, 11:34

Việc Trung Quốc thông qua luật hải cảnh mới cho phép hải cảnh nổ súng vào các tàu nước ngoài là đòn nắn gân chính quyền Biden

Trung Quốc đã lần đầu tiên thông qua luật cho phép lực lượng bảo vệ bờ biển nổ súng vào các tàu nước ngoài. Đây là một động thái có thể khiến tình hình Biển Đông và các vùng biển lân cận trở nên phức tạp hơn.

Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền trên biển với Nhật Bản ở biển Hoa Đông và với một số nước Đông Nam Á ở Biển Đông. Bắc Kinh thường xuyên cử lực lượng bảo vệ bờ biển đi xua đuổi tàu cá của các quốc gia khác, đôi khi đánh chìm các tàu này nhưng trước đây họ chỉ dùng chiêu húc trên biển hay cùng lắm là mở tấm bạt khoe súng ống mà thôi.

Còn lần này thì khác. Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc, ủy ban thường vụ Đại hội Nhân dân Trung quốc, đã thông qua Luật Cảnh sát biển hay luật Hải cảnh vào thứ sáu hôm qua.

Theo nội dung dự luật được công bố trước đó, lực lượng bảo vệ bờ biển được phép sử dụng "tất cả các phương tiện cần thiết" để ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài. Dự luật nêu rõ các trường hợp có thể sử dụng các loại vũ khí khác nhau: vũ khí cá nhân, vũ khí trang bị trên tàu hoặc kể cả từ trên không.

Dự luật cho phép nhân viên tuần duyên phá dỡ công trình của các quốc gia khác được xây dựng trên các bãi đá ngầm mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, lên tàu và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền. Đây là điều rất phách lối vì những vùng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền chưa chắc đã được quốc tế thừa nhận. Nói cách khác, Trung Quốc đã đặt quyền của họ lên trên quyền quốc tế.

Dự luật cũng trao quyền cho lực lượng tuần duyên tạo ra các khu vực cấm tạm thời "khi cần thiết" để ngăn các tàu và nhân viên khác đi vào.

Luật này được đưa ra sau khi Trung Quốc đã hợp nhất một số cơ quan thực thi pháp luật dân sự trên biển thành Cục cảnh sát biển cách đây 7 năm.

Động thái mới nhất của Trung Quốc đặc biệt làm phức tạp thêm mối quan hệ của họ với Mỹ, quốc gia duy trì các liên minh chiến lược với một số quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, gồm Nhật Bản và một vài nước Đông Nam Á giáp Biển Đông, những nước có tranh chấp chủ quyền trên biển với Bắc Kinh.

Việc Trung Quốc thông qua luật Cảnh sát biển mới này cũng không có gì bất ngờ với các nước láng giềng. Trong tuần qua, Phái đoàn thường trực Nhật Bản tại Liên Hợp quốc gửi công hàm đến Tổng thư ký Liên Hợp quốc nhằm phản đối công hàm số CML63/2020 của Trung Quốc về việc vẽ đường cơ sở thẳng bao quanh các cấu trúc trên Biển Đông.

Công hàm khẳng định rằng Nhật Bản, với tư cách một quốc gia thành viên của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) 1982, phản đối quan điểm của Trung Quốc rằng việc “vẽ đường cơ sở của Trung Quốc quanh các đảo và đá trên Biển Đông là việc phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế nói chung”.

Nhật Bản không có tranh chấp ở Biển Đông nhưng việc họ đưa công hàm lên LHQ giống như gióng hồi chuông cảnh báo tham vọng của Trung Quốc trong bối cảnh nhạy cảm hiện giờ. Nhật Bản ý thức rằng cần phải có sự hợp tác chặt chẽ thì Trung Quốc mới không manh động trên các vùng biển tranh chấp, không chỉ Biển Đông mà cả Hoa Đông. Nhưng phản ứng của Nhật có lẽ chưa đủ sức mạnh mà cần thái độ từ Mỹ.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội, Christian Le Miere, nhà phân tích ngoại giao trên biển và là người sáng lập nhóm Arcipel có trụ sở tại London và The Hague, cho biết luật mới “đánh vào trọng tâm” chính sách tự do hàng hải của Mỹ ở Biển Đông.

Nên nhớ từ năm ngoái, Trung Quốc đã rục rịch đòi đưa ra luật này nhưng đến nay họ mới chính thức thông qua. Và thời điểm đưa ra cũng khá nhạy cảm khi Mỹ vừa có sự chuyển giao chính quyền.

Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ thực hiện chính sách cứng rắn với Trung Quốc ở Biển Đông khi Bộ Ngoại giao chính thức bác bỏ tuyên bố chủ quyền đối với đường 9 đoạn của Bắc Kinh. Đồng thời, Mỹ đã liên tục thực hiện các cuộc tâp trận cũng như điều tàu chiến vào Biển Đông thực hiện quyền tự do hàng hải ngay sát những cơ sở mà quân đội Trung Quốc đốn trú trái phép trên Biển Đông.

Đây là lúc mà dư luận quốc tế và đặc biệt là trong khu vực đang chờ xem từ phản ứng của chính quyền Joe Biden.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
2 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc thông qua luật hải cảnh là đòn nắn gân chính quyền Biden