Ưu thế về công nghệ và sáng tạo của Hàn Quốc đang bị thu hẹp đáng kể bởi đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Nếu bị nước láng giềng khổng lồ vượt qua và chiếm mất thị phần tại những lĩnh vực công nghệ chủ chốt thì chắc chắn kinh tế Hàn Quốc sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

Trung Quốc thu hẹp khoảng cách công nghệ cao với Hàn Quốc

Nhàn Đàm | 06/04/2017, 11:01

Ưu thế về công nghệ và sáng tạo của Hàn Quốc đang bị thu hẹp đáng kể bởi đối thủ cạnh tranh Trung Quốc. Nếu bị nước láng giềng khổng lồ vượt qua và chiếm mất thị phần tại những lĩnh vực công nghệ chủ chốt thì chắc chắn kinh tế Hàn Quốc sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

Ở thời điểm hiện tại, Hàn Quốc được xem là một trong những nền kinh tế công nghệ cao hàng đầu trên thế giới: từ các sản phẩm công nghệ thuộc top đầu như điện thoại thông minh của Samsung cho đến tốc độ kết nối Internet thuộc diện nhanh nhất trên thế giới. Và mới đây trong bảng kết quả khảo sát các nền kinh tế sáng tạo nhất, có tốc độ đổi mới nhanh nhất trên toàn cầu, thì Hàn Quốc đứng ở vị trí dẫn đầu.

Ưu thế về sự vượt trội công nghệ này của nền kinh tế Hàn Quốc tiếp tục được đảm bảo và thúc đẩy, kể cả khi nước này đang trong tình trạng bất ổn về chính trị liên quan đến việc tổng thống Park Geun-hye bị luận tội: các ứng cử viên tổng thống kế nhiệm sắp tới đang thiết lập những kế hoạch phát triển công nghệ mới để thúc đẩy nền kinh tế trong giai đoạn 5 năm sắp tới. Nền kinh tế Hàn Quốc trên thực tế đã chững lại về tăng trưởng trong một vài năm trở lại đây, và đổi mới công nghệ là giải pháp duy nhất đưa nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á tăng trưởng mạnh mẽ trở lại. Ngoài ra, nó cũng còn là để đối phó với một vấn đề khác: ưu thế về công nghệ của Hàn Quốc đang bị thu hẹp đáng kể bởi đối thủ cạnh tranh Trung Quốc, và nếu bị Trung Quốc vượt qua và chiếm mất thị phần tại những lĩnh vực công nghệ chủ chốt thì chắc chắn kinh tế Hàn Quốc sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng.

Theo báo cáo mới nhất của Trung tâm nghiên cứu Kinh tế &Thương mại quốc gia Hàn Quốc, trong vòng 5 năm tới sự khác biệt về công nghệ giữa các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ gần như không đáng kể. Trình độ phát triển công nghệ ở những sản phẩm chủ chốt và quan trọng nhất giữa doanh nghiệp của hai nước sẽ gần như tương đương nhau, từ các smartphone cao cấp, thiết bị nghe nhìn, chip điện tử và các sản phẩm điện tử thông minh. Kim Hyeon-wook, nhà kinh tế tại Viện nghiên cứu SK có trụ sở tại Seoul, cho biết: “Trong số các lĩnh vực công nghệ chính, có vẻ như Hàn Quốc sẽ chỉ còn lợi thế cạnh tranh ở thị trường Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn và hiển thị mà thôi. Để thay đổi tình hình, chính phủ Hàn Quốc cần đưa ra một kế hoạch tổng thể và chi tiết để thực hiện những cải cách cần thiết thúc đẩy phát triển nền công nghệ nhanh hơn trước khi bị đối thủ bắt kịp”.

Trong khi Hàn Quốc vẫn đang mắc kẹt trong những bất ổn chính trị của mình và chưa thể đưa ra một chiến lược phát triển công nghệ tổng thể cho tương lai, thì Trung Quốc đã hoạch định xong từ lâu. Chiến lược “Sản xuất Trung Quốc 2025” được chính phủ nước này công bố mới đây là một kế hoạch tổng thể có quy mô chưa từng thấy để thúc đẩy các ngành sản xuất công nghệ cao của mình với tầm nhìn đến năm 2025. Nó tập trung vào việc chuyển đổi nhiều bộ phận lao động sang các lĩnh vực công nghệ phức tạp, từ việc tăng cường sử dụng robot trong sản xuất cho đến công nghệ không gian. Một nguồn lực tài chính lớn cũng sẽ được Bắc Kinh phân bổ vào chương trình phát triển công nghệ đầy tham vọng này, với mục tiêu không chỉ thách thức Hàn Quốc mà cả những nền kinh tế công nghệ hàng đầu thế giới như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu.

Trên thực tế, việc một số lĩnh vực của Trung Quốc đã bắt kịp và chiếm mất thị phần của các doanh nghiệp Hàn Quốc đã xảy ra từ lâu, điển hình là các ngành sản xuất truyền thống như đóng tàu: sự trỗi dậy của một loạt trung tâm đóng tàu lớn ở các cảng biển phía Đông Trung Quốc đã khiến ngành công nghiệp này ở Hàn Quốc sụt giảm nghiêm trọng. Dù Hàn Quốc vẫn đang duy trì ưu thế đáng kể ở những lĩnh vực công nghệ cao như smartphone hay các thiết bị điện tử thông minh, thì khoảng cách cũng đang bị thu hẹp đáng kể: giai đoạn 2010-2014 các mẫu smartphone của Samsung chiếm khoảng 20-30% thị phần tại thị trường Trung Quốc và chỉ xếp sau Apple, nhưng giờ đây nó chỉ còn lại khoảng một nửa do sự cạnh tranh quyết liệt từ các nhà sản xuất trong nước như Xiaomi hay Oppo.

Theo báo cáo mới nhất của Viện đánh giá kỹ thuật công nghiệp Hàn Quốc, thì thời gian cần thiết để Trung Quốc bắt kịp trong các lĩnh vực công nghệ chủ chốt dường như ngắn nhiều hơn so với dự kiến của Seoul. Theo đó, khoảng cách về công nghệ trong 24 ngành công nghệ chủ chốt (như công nghệ sinh học, hiển thị,…) giữa Hàn Quốc và Trung Quốc hiện chỉ còn trung bình là 0,9 năm. Đây là một khoảng cách rất ngắn, và hoàn toàn có thể bị san bằng bất cứ lúc nào.

Ông Chou Chuel, giám đốc chương trình nghiên cứu công nghiệp Trung Quốc tại Viện nghiên cứu Kinh tế &Thương mại quốc gia Hàn Quốc, cho biết: “Sự phát triển vượt bậc của các ngành công nghệ Trung Quốc đang thay đổi đáng kể cấu trúc của chuỗi giá trị giữa nước này với Hàn Quốc”. Thay vì cấu trúc theo chiều dọc và chọn lựa sản xuất sản phẩm trong các lĩnh vực mà Hàn Quốc không có ưu thế, thì Trung Quốc lại đang tấn công trực diện vào những sản phẩm thế mạnh nhất của đối thủ cạnh tranh là những sản phẩm công nghệ cao có vị trí cao nhất trong chuỗi giá trị. Điều này đang buộc Hàn Quốc phải đầu tư nhiều hơn nữa cho một cuộc chạy đua công nghệ khốc liệt sắp tới.

Lim Hyun-seo, CEO của startup Tankerfund ở Hàn Quốc, cho biết: “Hàn Quốc vẫn có ưu thế ở những ngành công nghệ tinh vi do có nền tảng được xây dựng vững chắc từ lâu, đây là điều Trung Quốc không có. Tuy nhiên cần có các chính sách mới có thể thay đổi cơ bản cấu trúc công nghệ của Hàn Quốc”. Các ứng cử viên kế nhiệm tổng thống Park Geun-hye được cho là đang tìm cách thúc đẩy mạnh mẽ nền công nghệ Hàn Quốc, từ trí thông minh nhân tạo, internet và robot. Tuy nhiên, sự bất ổn về chính trị là một nhược điểm cố hữu của những nỗ lực cải cách này: các chính phủ trước của Hàn Quốc cũng đã đưa ra những chiến lược phát triển và thúc đẩy năng lực cạnh tranh của ngành công nghệ, như sáng kiến nền kinh tế sáng tạo của tổng thống Park Geun-hye hay chương trình tăng trưởng xanh của tổng thống Lee Myung-bak. Nhưng tất cả các kế hoạch dài hạn này đều chấm dứt ngay sau khi các nhà lãnh đạo này rời nhiệm sở.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc thu hẹp khoảng cách công nghệ cao với Hàn Quốc