Chính quyền Trung Quốc mới đây cho biết Ban Thiền Lạt Ma "mất tích" 25 năm trước, hiện đã có công việc ổn định và được hưởng chế độ giáo dục miễn phí, tuy vậy không cung cấp chi tiết nơi ở hoặc hình ảnh. Thông tin này được đưa ra 1 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo yêu cầu Trung Quốc tiết lộ "ngay lập tức" nơi ở của Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 bị mất tích từ năm 1995 khi mới 6 tuổi.

Trung Quốc tiết lộ Ban Thiền Lạt Ma mất tích 'đang có việc làm ổn định’

21/05/2020, 17:49

Chính quyền Trung Quốc mới đây cho biết Ban Thiền Lạt Ma "mất tích" 25 năm trước, hiện đã có công việc ổn định và được hưởng chế độ giáo dục miễn phí, tuy vậy không cung cấp chi tiết nơi ở hoặc hình ảnh. Thông tin này được đưa ra 1 ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo yêu cầu Trung Quốc tiết lộ "ngay lập tức" nơi ở của Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 bị mất tích từ năm 1995 khi mới 6 tuổi.

Hình ảnh lúc nhỏ của Gedhun Choekyi Nyima, Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 bị mất tích - Ảnh: CNN

Theo CNN, phát biểu trong cuộc họp báo ngày 19.5 tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho biết Gendun Choeki Nyima, người được chọn làm Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, nhân vật quan trọng thứ 2 trong Phật giáo Tây Tạng, đã được hưởng chế độ giáo dục bắt buộc nhưng miễn phí của Trung Quốc từ nhỏ. Anh lớn lên, thi đậu đại học và hiện có một công việc ổn định.

Ông Triệu khẳng định Gedhun Choekyi Nyima và gia đình không muốn "cuộc sống bình thường hiện tại" của họ bị xáo trộn. Tuy nhiên, các chi tiết như nơi ở, công việc hiện tại và hình ảnh của Ban Thiền Lạt Ma mất tích này không được tiết lộ.

Trước đó vào năm 2015, trong một lần hiếm hoi trả lời truyền thông liên quan đến vụ việc, thành viên Ban Mặt trận thống nhất của Khu tự trị Tây Tạng ở Trung Quốc, ông Norbu Dunzhub cho biết cậu bé Tây Tạng “mất tích” 20 năm trước đây, tức Ban Thiền Lạt Ma thật, hiện sống “cuộc đời bình thường” và “không muốn bị quấy rầy”.

Tuyên bố mới đây của đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi “chính phủ Trung Quốc lập tức công khai nơi ở của Ban Thiền Lạt Ma và thượng tôn hiến pháp, các cam kết quốc tế để thúc đẩy tự do tôn giáo cho tất cả mọi người”.

“Giống như thành viên của tất cả các cộng đồng tín ngưỡng, các phật tử Tây Tạng phải có khả năng lựa chọn và tôn sùng các nhà lãnh đạo tôn giáo của họ theo truyền thống của họ và không được phép có sự can thiệp nào từ chính phủ”, ông Pompeo nói.

Được biết, cậu bé 6 tuổi Gendun Choeki Nyima và gia đình của cậu “mất tích” một cách bí ẩn từ một thị trấn xa xôi thuộc khu tự trị Tây Tạng sau khi được Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, chọn làm Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, nhân vật quan trọng thứ 2 trong Phật giáo Tây Tạng. Cậu được xác định là hóa thân của Đức Ban Thiền Lạt Ma thứ 10.

Chỉ vài tháng sau, một cậu bé khác tên là Gyaltsen Norbu được Trung Quốc “chỉ định” làm Ban Thiền Lạt Ma đời thứ 11, dù động thái này không được Đức Đạt Lai Lạt Ma và người dân Tây Tạng công nhận. Kể từ đó, “Ban Thiền Lạt Ma của Bắc Kinh” đã tham gia diễu hành vào các hoạt động hằng năm ở Tây Tạng cùng với cảnh sát, quan chức. Cho đến nay nhiều tổ chức nhân quyền nghi ngờ vị Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 đã bị chính phủ Trung Quốc bắt cóc và đang bị quản thúc.

Gyaltsen Norbu (ngoài cùng bên trái, áo đỏ), người được chính phủ Trung Quốc chỉ định là Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, trong một cuộc họp ở Bắc Kinh năm 2019 - Ảnh: CNN

Năm 2007, Ban Quản lý nhà nước về vấn đề tôn giáo Trung Quốc ban hành Các biện pháp về quản lý sự đầu thai của Phật sống, quy định sự tái sinh của một vị Phật sống "phải nộp đơn xin phê duyệt" và rằng “sự luân hồi của một Phật sống phải tuân theo các nguyên tắc bảo vệ sự thống nhất quốc gia, bảo vệ sự hòa hợp tôn giáo và xã hội và duy trì trật tự của Phật giáo Tây Tạng”.

Sam Brownback, đại sứ Mỹ vì tự do tôn giáo quốc tế, hồi tuần trước đã cảnh báo Bắc Kinh không nên lặp lại chuyện Ban Thiền Lạt Ma với Đức Đạt Lai Lạt Ma. Chính phủ Trung Quốc nhiều lần tuyên bố họ sẽ chọn người kế vị Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.

Hiện Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, Tenzin Gyatso, đang sống lưu vong ở Ấn Độ và đã bước sang tuổi 85. Trước đó, trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2019, ông nói sau khi ông qua đời, có thể ông sẽ đầu thai tại Ấn Độ, và cảnh báo bất cứ người nào được chỉ định bởi Bắc Kinh để kế tục vị trí của ông không nên được tôn trọng.

Hoàng Vũ (theo New York Times, CNN)

Bài liên quan
TP.HCM: Nhiều vi phạm trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng
Thanh tra TP.HCM đã chỉ ra nhiều vi phạm liên quan đến Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng trong quản lý đầu tư xây dựng tại Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
một giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc tiết lộ Ban Thiền Lạt Ma mất tích 'đang có việc làm ổn định’