Có vẻ như mục tiêu trở thành một nền kinh tế phát triển với trên 70% dân số sống ở các khu đô thị của Trung Quốc đã ở rất gần.

Trung Quốc trong cơn lốc đô thị hóa chóng mặt

Nhàn Đàm | 09/03/2018, 07:55

Có vẻ như mục tiêu trở thành một nền kinh tế phát triển với trên 70% dân số sống ở các khu đô thị của Trung Quốc đã ở rất gần.

Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chính thức chạm đến một mốc phát triển mới: tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc đang trở nên nhanh chóng hơn bao giờ hết. Một trong những cột mốc quan trọng trong quá trình trở thành một nền kinh tế phát triển của Trung Quốc đã thành hiện thực, khi tỉnh nông nghiệp lớn nhất của nước này là Hà Nam cũng đã có tỷ lệ đô thị hóa trên 50%. Có vẻ như mục tiêu trở thành một nền kinh tế phát triển với trên 70% dân số sống ở các khu đô thị của Trung Quốc đã ở rất gần.

Theo số liệu thống kê vừa được Chính phủ Trung Quốc công bố, Hà Nam – tỉnh nông nghiệp lớn nhất nước này với hơn 96 triệu dân, đã có tỷ lệ đô thị hóa trên 50%. Cụ thể, tính đến cuối năm 2017, đã có khoảng 50,2% dân số của Hà Nam sống trong các khu đô thị, tăng từ mức 48,5% vào cuối năm 2016. Không chỉ là tỉnh nông nghiệp lớn nhất Trung Quốc với sản lượng nông nghiệp chiếm khoảng 10% cả nước, mà Hà Nam cũng là tỉnh có mật độ dân số đứng hàng thứ 3 ở Trung Quốc.

So với mục tiêu mà Bắc Kinh đã đề ra, thì tỷ lệ đô thị hóa vượt mức 50% của Hà Nam đã đạt được sớm hơn 6 năm. Thành tựu này đang nhận được sự tán thưởng từ phía Bắc Kinh như một kết quả ấn tượng. Wei Houkai, giám đốc Viện Phát triển Nông thôn tại Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết: “Thị trường việc làm, mức độ phát triển và hệ thống phúc lợi xã hội sẽ thay đổi rất lớn khi tỷ lệ đô thị hóa ở một tỉnh đạt trên 50%”.

Việc đưa Hà Nam từ một tỉnh thuần nông và hơn nữa còn là tỉnh nông nghiệp lớn nhất cả nước trở thành một nơi có tỷ lệ đô thị hóa trên 50%, về một góc độ nhất định, có thể xem là một sự ấn tượng. Chỉ 13 năm trước, tỷ lệ đô thị hóa ở Hà Nam mới chỉ là khoảng 31%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước Trung Quốc khi đó là 43% và kém xa mức cao nhất là 61% ở Quảng Đông.

Nền kinh tế Hà Nam khi đó vẫn phụ thuộc nặng nề vào nông nghiệp vốn là một di sản từ quá khứ; với việc là tỉnh chuyên sản xuất ngũ cốc, bông, dầu ăn và thịt, Hà Nam thường được gọi là “nhà kho của Trung Quốc”. Tuy nhiên, chỉ trong vòng 13 năm đó, đã có hàng chục triệu người Hà Nam chuyển lên sinh sống và làm việc ở thành phố - một kết quả của nỗ lực phát triển kinh tế sang các lĩnh vực khác của tỉnh này. Một phần khác cũng đến từ việc chính quyền địa phương đã chuyển đổi các diện tích đất nông nghiệp cho sự phát triển đô thị hoặc công nghiệp hóa, dẫn đến việc người nông dân không còn lựa chọn nào ngoài việc vào thành phố sinh sống và tìm việc làm.

Hà Nam không phải là một ngoại lệ. Trung Quốc đang là một trong những quốc gia có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất trên thế giới. Khoảng gần 4 thập kỷ trước, tỷ lệ dân số sống ở các thành thị của nước này mới chỉ đạt gần 30%, và giờ đây theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc thì nó đã tăng lên tới 59%, ở một số tỉnh lớn như Quảng Đông tỷ lệ đô thị hóa đã đạt tới trên 70% (Quảng Đông cũng là nơi có dân số lớn nhất trong số 22 tỉnh của Trung Quốc).

Dù so với một số nền kinh tế phát triển khác thì tỷ lệ đô thị hóa của Trung Quốc vẫn thấp hơn, như Mỹ với 82% và Nga là 74%, nhưng cũng không nên quên rằng dân số của Trung Quốc lớn hơn Mỹ và Nga rất nhiều. Hiện tại, nếu so sánh với quy mô thì số dân Trung Quốc sống ở các đô thị đã cao hơn tổng số dân của cả Mỹ và Nga cộng lại. Và cứ với đà tăng này, thì chỉ cần ít năm nữa Trung Quốc sẽ có thể đạt được tỷ lệ đô thị hóa 70% - mốc được xem là một nền kinh tế phát triển (từ 70-80%).

Tỷ lệ đô thị hóa cao của Trung Quốc hiện nay là một bằng chứng cho thấy, bất chấp tốc độ tăng trưởng chung đang chậm lại và quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cũng chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc, thì nhìn chung Trung Quốc vẫn đang là một trong những quốc gia phát triển nhanh và bền vững. Khác với các công ty hay tập đoàn, sự đô thị hóa là quá trình rất khó đảo ngược kể cả khi nền kinh tế có gặp khủng hoảng đi nữa.

Dù trên thực tế đã bắt đầu xuất hiện những hiện tượng dịch chuyển ngược từ thành phố về nông thôn trong vài năm gần đây ở Trung Quốc, nhưng đó là do sự quá tải về việc làm và chỗ ở của một số thành phố lớn mà thôi. Quá trình đô thị hóa của Trung Quốc hiện nay đang là tích hợp các vùng nông thôn vào các khu đô thị, và kể cả khi một bộ phận người lao động có trở về quê sinh sống đi nữa thì nó cũng sẽ nhanh chóng trở thành các thị trấn và thành thị.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tri ân những người làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ
5 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn công tác bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - vị tướng huyền thoại, thiên tài quân sự, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Trung Quốc trong cơn lốc đô thị hóa chóng mặt