Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh do Ngân hàng thế giới mới công bố tuần qua, Việt Nam xếp thứ 99 về chỉ số môi trường kinh doanh. Đáng nói là trong khi các nước cùng hạng có mức thu nhập bình quân đầu người 7.000 USD thì người Việt Nam chỉ 1.400 USD. 

TS Nguyễn Đình Cung: Những việc cần làm để người dân thu nhập trên 7.000 USD/năm

Một Thế Giới | 01/08/2014, 11:12

Theo Báo cáo Môi trường kinh doanh do Ngân hàng thế giới mới công bố tuần qua, Việt Nam xếp thứ 99 về chỉ số môi trường kinh doanh. Đáng nói là trong khi các nước cùng hạng có mức thu nhập bình quân đầu người 7.000 USD thì người Việt Nam chỉ 1.400 USD. 

Cụ thể, chuyên gia cải thiện môi trường kinh doanh Olin McGill thuộc USAID GIG (dự án Quản trị nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Mỹ) cho rằng, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam lẽ ra phải đạt khoảng 7.545 USD, cao hơn mức thực tế hiện nay theo thống kê là 1.400 USD.
Vì sao người Việt Nam lại phải chịu thiệt thòi đó? Làm thế nào để cải thiện điều này? TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này.
Việt Nam hiện xếp thứ 99 trong xếp hạng cải thiện môi trường kinh doanh. Tại sao các nước có gần xếp hạng với ta có mức thu nhập trung bình 7.000 USD mà Việt Nam chỉ có 1.400 USD?
TS. Nguyễn Đình Cung: Khi xếp hạng, nhóm cao nhất là có môi trường kinh doanh tốt, thu nhập trung bình của họ vào khoảng 35.000 USD/năm. Mỗi bậc hạ 20%. Với mức xếp hạng 99 thì đáng lẽ Việt Nam phải có mức thu nhập 7.000 USD - 7.500 USD/năm. 
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam khoảng từ 2.000 đến gần 4.000 USD/năm tính theo sức mua tương đương.
Theo tôi, mức thu nhập trung bình của Việt Nam chỉ ở mức thấp như vậy vì chi phí của doanh nghiệp khá cao so với các nước khác, khiến giá trị gia tăng và phần thu nhập tăng thêm không bằng các nước khác. Điều này rõ ràng cần phải xem xét kĩ lưỡng.
Một trong số đó là việc thực hiện Nghị quyết 19/2014/NQ-CP của Chính phủ. Theo đó chi phí giảm rủi ro cho doanh nghiệp, thực chất là giảm chi phí xã hội, từ đó thu nhập bình quân của người dân sẽ được tăng lên.
Khi xây dựng Nghị quyết 19/2014/NQ-CP nhằm cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh, nhóm soạn thảo cũng như các cơ quan có liên quan đã cân nhắc rất kỹ thực tế yêu cầu, thông lệ quốc tế. Tại sao các nước làm được mà Việt Nam không làm được? Rất nhiều nước từ thứ hạng như Việt Nam hiện nay chỉ trong 3-4 năm đã nhảy lên thứ hạng cao về cải thiện môi trường kinh doanh.
Làm được điều này sẽ tác động rất lớn đến môi trường kinh doanh, đặc biệt là giảm thiểu rủi ro về thương mại, pháp lý, chi phí giao dịch cho doanh nghiệp, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp. Từ đó thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế.
Vậy cụ thể là Việt Nam cần cải thiện những yếu tố nào trong môi trường kinh doanh hiện nay?
Môi trường kinh doanh theo Ngân hàng Thế giới tính có 10 chỉ tiêu. Việt Nam có chỉ tiêu khởi sự doanh nghiệp, bảo vệ nhà đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phụ trách, thông quan hàng qua biên giới, nộp thuế do Bộ Tài chính phụ trách, tiếp cận điện năng, tín dụng: giải thể phá sản doanh nghiệp… Việt Nam xếp hạng tổng thể thứ 99/198 nước.
Với chỉ tiêu khởi sự doanh nghiệp: Việt Nam đứng thứ 109 trong bảng xếp hạng. Nếu sửa đổi luật Doanh nghiệp như hiện nay thì theo tính toán sẽ tăng được 50 hạng.
Chỉ tiêu bảo vệ nhà đầu tư của Việt Nam đang xếp hạng khoảng 157, theo cải cách sẽ cải thiện được từ 50 đến hơn 100 bậc.
Cải cách thủ tục hành chính thuế: Việt Nam như số lần nộp thuế, hồ sơ phải nộp, số giờ phải nộp - 3 chỉ tiêu này đứng thứ 149/189 nước có nền kinh tế. Đặc biệt, số giờ nộp thuế của chúng ta hiện nay là 178 giờ, gần như đội sổ về xếp hạng. 
Các chỉ tiêu cụ thể đến cuối năm 2014 giảm thời gian thực hiện thủ tục khai thuế, nộp thuế từ mức 872 giờ hiện nay xuống còn không quá 300 giờ/năm. Và đến năm 2015 bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 (171 giờ/năm). 
Đối với hải quan, Việt Nam đang đứng thứ 65/189 nước với 21 ngày thông quan hàng xuất khẩu và 21 ngày thông quan hàng nhập khẩu. Đối với một nền kinh tế mở, con số này còn lớn so với mức trung bình của các nước ASEAN hiện nay với thông quan xuất khẩu là 14 ngày và nhập khẩu 13 ngày.
Theo yêu cầu, thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho doanh nghiệp, theo yêu cầu phải giảm bằng mức trung bình của các nước ASEAN-6, tức xuất khẩu là 14 ngày và nhập khẩu 13 ngày.
Theo chuyên gia quốc tế tính toán, nếu ta cắt giảm được 1 ngày về thủ tục thông quan, ta có thể giảm được 1% chi phí xuất nhập khẩu trong 1 năm. Hiện nay tổng kim ngạch của nước ta gần 300 tỉ USD, do vậy con số giảm được là rất lớn.
Đây là 2 chỉ số rất quan trọng tác động đến chi phí, rủi ro kinh doanh của doanh nghiệp, đòi hỏi chúng ta cần phải cải thiện ngay. 
Nếu giảm được như vậy, tất cả các chỉ số cộng lại có thể giúp năng lực cạnh tranh của Việt Nam lên được 40 bậc. Và trong ASEAN, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ đứng thứ 3, chỉ kém Singapore, Malaysia, có thể ngang ngửa hoặc hơn Thái Lan.
Đồng thời, những cải cách này cũng sẽ giúp doanh nghiệp giảm phí rất lớn, từ đó giúp giảm chi phí xã hội và thu nhập bình quân của người dân sẽ được tăng lên.
Ông có cho rằng mục tiêu mà Nghị quyết 19 đưa ra quá tham vọng không?
Không tham vọng không thể cải cách được. Và sự tham vọng này không phải là không có cơ sở. Chúng ta cũng đã nhìn thấy sự cam kết trong các bộ, các lãnh đạo và cần sự phối hợp chặt chẽ, kết nối giữa các ban ngành.
Nếu vì thu nhập thấp mà không làm thì đến bao giờ mới có thu nhập cao. Vấn đề là phải cải cách thì tốc độ tăng trưởng mới tăng cao, từ đó thu nhập mới tăng theo.
Rõ ràng phải thúc đẩy, tăng năng suất lao động thì mới có thể tăng lương. Muốn tăng năng suất thì phải thay đổi quy trình hoạt động, từ đó làm việc có hiệu quả hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế.
Theo Nhân Trí - VOV.VN

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
13 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Đình Cung: Những việc cần làm để người dân thu nhập trên 7.000 USD/năm