Theo TS. Nguyễn Văn Lạng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm vẫn tăng, song chất lượng xuất khẩu của Việt Nam đang rất có vấn đề. Đó là do chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp FDI, còn xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vốn phải là chủ lực thì lại liên tục sụt giảm.

TS Nguyễn Văn Lạng: Chất lượng xuất khẩu của VN rất có vấn đề!

Một Thế Giới | 14/10/2015, 09:15

Theo TS. Nguyễn Văn Lạng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm vẫn tăng, song chất lượng xuất khẩu của Việt Nam đang rất có vấn đề. Đó là do chúng ta đang phụ thuộc quá nhiều vào doanh nghiệp FDI, còn xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vốn phải là chủ lực thì lại liên tục sụt giảm.

Tại Hội nghị giao ban xuất nhập khẩu tháng 9 năm 2015 diễn ra ngày 12.10, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng. 
Theo đó, mặc dù kim ngạch xuất khẩu nói chung vẫn tăng 9,6%, nhưng các ngành như nông lâm thủy sản - vốn là những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam lại gặp rất nhiều khó khăn, xuất khẩu giảm mạnh.
Để làm rõ hơn những thông tin và số liệu này, Một Thế Giới đã cuộc trao đổi với TS Nguyễn Văn Lạng -  Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam, (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ).
Là một trong những chuyên gia được mời tham dự Hội nghị giao ban xuất nhập khẩu tháng 9 năm 2015 vào ngày 12.10, ông đánh giá gì về các thông tin và số liệu được Thứ trưởng Trần Tuấn Anh công bố?
Nhìn một cách tổng quát, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng vừa qua của Việt Nam vẫn tăng trưởng 9,6%, đạt 73,2% kế hoạch đã đề ra. Trong khi đó, chỉ tiêu mà Quốc hội đặt ra là năm nay phấn đấu tăng trưởng 10%. Với mức tăng 9,6% trong 9 tháng thì khả năng chúng ta sẽ hoàn thành chỉ mục tiêu này.
Chính vì vật, xét tổng thể thì xuất khẩu của Việt Nam vẫn tương đương với các nước trong khu vực. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam vẫn là nước có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt, mặc dù nhập siêu của chúng ta vẫn ở mức 3,2%, tương đương với 3,365 tỷ USD. 
Nhưng điều quan trọng không phải nằm ở những con số này mà nằm ở chất lượng xuất khẩu. Chất lượng xuất khẩu của Việt Nam đang rất có vấn đề.
Ông có thể nói rõ hơn những vấn đề mà ngành xuất khẩu của chúng ta đang gặp phải?
Chất lượng xuất khẩu của Việt Nam có vấn đề thể hiện ở một số điểm sau:
Thứ nhất, trong các đơn vị xuất khẩu chia thành 2 nhóm: nhóm các doanh nghiệp 100% vốn trong nước và nhóm doanh nghiệp FDI.
Nhóm các doanh nghiệp 100% vốn trong nước thì xuất khẩu chỉ đạt 3,549 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ. 
Đây là điều đáng ngại, bởi lẽ ra chúng ta phải dựa vào doanh nghiệp Việt để tăng trưởng, thì xuất khẩu của doanh nghiệp Việt lại giảm. 
Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp FDI với 100% vốn nước ngoài thì kim ngạch xuất khẩu đạt 85,21 tỷ USD, tăng trưởng đến 15,8%, chiếm tỷ trọng xuất khẩu 86%. Còn lại khoảng 32% tỷ trọng xuất khẩu thuộc về các doanh nghiệp còn lại.
Có thể thấy, xuất khẩu của chúng ta chủ yếu là dựa vào doanh nghiệp FDI. Mà dựa vào doanh nghiệp FDI thì khả năng nộp ngân sách không cao, thậm chí nhiều doanh nghiệp FDI đã báo cáo lỗ, rồi chuyển vốn, chuyển giá như Metro, Cocacola... liên tục báo lỗ, họ không đóng góp được nhiều cho ngân sách.
Hoặc hầu hết các doanh nghiệp FDI làm chủ về công nghệ, như tạo ra các loại điện thoại smartphone, còn chúng ta chỉ làm nhiệm vụ gia công và được trả lương, chúng ta cũng không có nền công nghệ phụ trợ phát triển. Chính vì vậy, chúng ta phải phụ thuộc vào khối doanh nghiệp này rất nhiều. Đây là vấn đề cần phải lưu ý.
Bên cạnh đó, còn có một mẫu  thuẫn xảy ra là năm nay tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tăng lên 68% so với tổng kim ngạch xuất khẩu chung. Trong khi đó năm ngoái,  tỷ trọng này chỉ chiếm 61,6%. Điều này cho thấy xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đang tăng dần lên, còn doanh nghiệp nội địa của chúng ta lại giảm đi.
Điều này thể hiện chất lượng xuất khẩu của Việt Nam có vấn đề.
Thứ hai, nhập siêu của Việt NAm vẫn tiếp tục tăng 3,2%, tương đương 3,386 tỷ USD, nghĩa là bài toán nhập siêu vẫn còn và sắp tới chắc chắn còn tiếp tục tăng.
Thứ ba, nhóm hàng mà Việt Nam có thế mạnh, thậm chí nổi tiếng thế giới là nông sản thì chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 15,14 tỷ USD, đồng thời chiếm tỷ trọng thấp. Riêng nông sản đã giảm 9,9% so với cùng kỳ và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới. 
Trong đó 8 mặt hàng quan trọng nhất của nông sản cán đích 1 tỷ USD là thủy sản, rau củ, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo, sắn, cao su... giảm cả về lượng xuất khẩu lẫn mức giá.
Chẳng hạn như cà phê, năm nay chúng ta xuất đi không phải là nhỏ, 969.000 tấn nhưng kim ngạch chỉ đạt 1,982 tỷ USD thì rõ ràng là mức giá quá thấp, chưa đầy 200 USD. 
Trong 8 mặt hàng thì chỉ có hạt tiêu là khá nhất. Mặc dù khối lượng xuất khẩu thấp hơn năm ngoái, giảm 25-30%, nhưng chúng ta lại xuất khẩu được giá cao.
Có thể nói, tất cả những sản phẩm nông sản này của chúng ta đều có thế mạnh nhưng chúng ta lại không có thế mạnh về chất lượng sản phẩm và chịu ảnh hưởng của hàng rào kỹ thuật, hàng rào thuế quan, hàng rào về công nghệ, nên bị đánh tụt về giá. Đây là điều mà chúng ta đang thua kém các nước khác rất nhiều. 
Gạo chúng ta thua Thái Lan, cà phê chúng ta thua Indonesia... chỉ có cây hạt tiêu là khá hơn vì chúng ta chiếm tỷ trọng cao trên thế giới.
Thứ tư, có một nhóm hàng khác mà lâu nay chúng ta có thế mạnh là nhiên liệu khoáng sản hay nói cách khác là tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên nhóm hàng này cũng chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 3,93 tỷ USD, giảm 45% so với cùng kỳ. 
Nguyên nhân chính là do giá dầu thô. Rõ ràng, lâu nay chúng ta kỳ vọng dầu thô đóng góp nhiều cho ngân sách, cho kim ngạch xuất khẩu, nhưng bản thân kim ngạch xuất khẩu dầu thô cũng rất thấp. 9 tháng qua xuất khẩu dầu thô cũng chỉ đạt 3,052 tỷ USD, rất thấp so với các lĩnh vực khác.
Tất nhiên chúng ta có thể có tin vui từ các nhóm công nghiệp chế biến vẫn tăng trưởng mạnh 9,2%, với kim ngạch 94,96 tỷ USD. Đây là lĩnh vực tôi nghĩ là tương đối tốt.
Chat luong xuat khau cua VN rat co van de!
 TS Nguyễn Văn Lạng
Chủ tịch Hội Thông tin Khoa học và Công nghệ Việt Nam,
 (nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)
Việt Nam vừa chính thức gia nhập TPP và theo đánh giá của nhiều chuyên gia, lĩnh vực xuất khẩu được kỳ vọng là sẽ tăng trưởng vượt bậc. Tuy nhiên, với những gì mà ông vừa phân tích thì dường như chúng ta đã quá lạc quan?
Tôi cho rằng khi Việt Nam gia nhập TPP thì cơ hội là có, nhưng không nhiều bằng thách thức. 
Trước hết phải nói rằng những mặt hàng chúng ta xuất khẩu với số lượng lớn như điện thoại, máy tính, may mặc, giày da, gỗ, máy móc phụ tùng... thì chúng ta đều có thế mạnh xuất khẩu. 
Nhưng điều quan trọng là các mặt hàng này hầu hết phụ thuộc vào FDI và chúng ta đang phải nhập khẩu linh kiện với số lượng lớn. Xét cho cùng, các mặt hàng thế mạnh này đều được chúng ta gia công chứ không nắm được công nghệ, thiết kế hay nguyên liệu. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến mức giá.
Thứ hai, các tiêu chuẩn về kỹ thuật thường không ổn định, bền vững, không chặt chẽ nên không kiểm soát được, dẫn đến hàng của chúng ta luôn bị trả về.
Thứ ba, có một số doanh nghiệp hiện nay làm ăn khá hơn trước, nhưng do cách tiếp cận, triển khai, nắm thông tin và điều hành không tốt nên chúng ta luôn bị kiện vì phá giá trên thị trường. 
Các mảng về lương thực, thực phẩm, nông sản... chúng ta hay bị làm khó bởi các quy định về ISO, về dư lượng kháng sinh hoặc xuất xứ..., vốn là những vấn đề mà trước nay chúng ta không quan tâm lắm.
Chúng ta không làm chỉ dẫn địa lý, không làm theo các tiêu chuẩn thế giới nên chúng ta không thể chủ động được điều này. Do đó khi hội nhập, chúng ta sẽ bị động và bị thua.
Cuối cùng, không chỉ riêng gì TPP mà cuối năm nay, khi chúng ta gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN thì bản thân các nước trong khu vực có thế mạnh như Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan... họ đều có thể xâm nhập thị trường Việt Nam. 
Chúng ta đã có thể thấy dấu hiệu như hàng hóa của Thái Lan, Malaysia, Singapore... đã tràn vào Việt Nam. Lúc đó, chắc chắn chúng ta phải cạnh tranh gay gắt và khả năng thành công của chúng ta không phải là lớn so với các nước này.
Vậy theo ông, ngay lúc này chúng ta phải làm gì để biến những thách thức thành cơ hội khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do?
Tôi cho rằng quan trọng nhất là phải làm sao cho mọi người trong xã hội, đặc biệt là các doanh nghiệp, công nhân, nông dân... hiểu được Hiệp định TPP, WTO... là gì. Đây là vấn đề mà không phải người nào cũng hiểu. 
Nếu đánh giá tỷ lệ % dân số Việt Nam biết về những Hiệp định này là quá ít. Biết về nó đã ít, mà biết về nội dung, yêu cầu, ý nghĩa thì càng ít hơn.
Thứ hai, bản thân các doanh nghiệp cũng đang lúng túng và gần như ở ngoài cuộc, họ chưa quan tâm nhiều. Các cơ quan quản lý Nhà nước cũng chưa thực sự vào cuộc mạnh mẽ trong lĩnh vực này. 
Có lẽ, chúng ta đã lúng túng ngay khi vừa hội nhập, nên phải mất thời gian để xử lý cái lúng túng này và phải mất thêm thời gian để tìm ra giải pháp. Khi đó, chúng ta sẽ bị chậm trễ và mất đi cơ hội.
Thứ ba, vấn đề quan trọng lúc này là phải tiến hành xây dựng các thông số như xuất xứ hàng hóa, chỉ dẫn địa lý, tiêu chuẩn sản phẩm, các tiêu chuẩn về rác thải, dư lượng kháng sinh... theo đúng tiêu chuẩn thế giới.
Phải làm điều này để khi chúng ta chấp nhận bước vào cuộc chơi thì tất cả sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn thế giới, tiêu chuẩn châu Âu, tiêu chuẩn Mỹ hay tiêu chuẩn của các nước trong ASEAN, chứ không phải là theo tiêu chuẩn của riêng ta.
Thứ tư, chúng ta phải có một cuộc cách mạng khoa học công nghệ, kỹ thuật và đặc biệt là quan tâm đến việc đổi mới công nghệ thiết bị để nâng cao năng suất lao động. 
Làm sao năng suất lao động của chúng ta phải tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực như ASEAN 4 hay tiến tới nằm trong nhóm các nước ASEAN 4.
Thứ năm, tôi cho rằng chúng ta phải quan tâm đến những vấn đề về nhân sinh, nhân quyền trong nhóm hàng xuất khẩu. Đó là vấn đề về môi trường, bình đẳng giới trong lao động, bảo hiểm... hàng loạt các vấn đề mà thế giới đang quan tâm. Sản xuất hàng hóa phải mang tính nhân văn chứ không phải sản xuất bằng mọi giá, mọi cách.
Cuối cùng, chúng ta phải tiếp tục học hỏi thêm các nước lân cận để bắt kịp họ, và tiếp tục học ở xa hơn như các châu Âu để có thể tiến bộ và phát triển. Chứ nếu giữ tình trạng này thì chúng ta đã tụt hậu rồi sẽ càng tụt hậu sâu hơn nữa, khả năng sẽ không thành công trong quá trình hội nhập.
Xin cảm ơn ông!
Duyên Duyên
Bài liên quan
Chính sách thuế của ông Trump sẽ tác động đến xuất khẩu cá tra Việt Nam
Với tôn chỉ "Nước Mỹ trên hết" hay là "Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" và tập trung vào phát triển kinh tế, các chính sách của chính quyền Trump sẽ có tác động đến Việt Nam, trong đó có ngành xuất khẩu cá tra.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Nguyễn Văn Lạng: Chất lượng xuất khẩu của VN rất có vấn đề!