“Từ đầu năm, tất cả hệ thống kinh tế vĩ mô của chúng ta đã chống chọi lại bất ổn của thế giới tương đối thành công, nhưng sắp tới liệu chống chịu như thế nào? Thách thức sắp tới rất lớn”, ông Trần Du Lịch nói.

TS Trần Du Lịch: Sắp tới kinh tế chúng ta chống chịu thế nào?

Hoài Lam | 12/09/2022, 18:50

“Từ đầu năm, tất cả hệ thống kinh tế vĩ mô của chúng ta đã chống chọi lại bất ổn của thế giới tương đối thành công, nhưng sắp tới liệu chống chịu như thế nào? Thách thức sắp tới rất lớn”, ông Trần Du Lịch nói.

Sắp tới thách thức rất lớn?

Chiều 12.9, tại hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng…, ông Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng thế giới đang trong thời kỳ bất ổn, không biết kéo dài đến bao giờ.

“Từ đầu năm, tất cả hệ thống kinh tế vĩ mô của chúng ta đã chống chọi lại bất ổn của thế giới tương đối thành công, nhưng sắp tới liệu chống chịu như thế nào? Thách thức sắp tới rất lớn”, ông Lịch nói.

Ông Lịch cho rằng dự báo tăng trưởng năm nay là 7,5% chắc chắn sẽ thành công, nhưng cái khó là năm tới sẽ như thế nào khi dựa trên nền tăng trưởng cao của năm 2022.

“Những nền tảng ổn định mà chúng ta tạo được trong năm 2022 thì năm tới sẽ như thế nào? Có nhiều ý kiến cho rằng năm 2023 thế giới là "mùa đông kinh tế 2023", những cái chúng ta tạo được trong tăng trưởng từ xuất khẩu, thu ngân sách… tất cả cái đó năm 2023 sẽ còn cỡ nào để phát triển. Tôi cho rằng bây giờ đã đến lúc chúng ta chuẩn bị kịch bản cho năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực”, ông Lịch nêu.

Ông Lịch cũng cho rằng kinh tế Việt Nam hiện nay cần vốn, nhưng cái cần hơn, cấp thiết hơn là hấp thụ vốn. Chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ phải phối hợp tốt.

“Một vấn đề đặt ra hiện nay là có cần nới tín dụng hay không, trong đó có vốn cho thị trường bất động sản? Tôi nghĩ là không cần, vấn đề quan trọng là nguồn vốn ưu tiên cho lĩnh vực bất động sản nào, tín dụng bất động sản phải ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, hạ tầng công nghiệp…”, ông Lịch nêu.

lich.jpg
Ông Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia - Ảnh: VGP

Chuyên gia này cho rằng phải phát triển cân đối thị trường chứng khoán, trái phiếu và cả thị trường tiền tệ, chứ không phải đẩy gánh nặng vốn trong trung và dài hạn cho chính sách tiền tệ.

Ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho hay ngày 21.9 này Mỹ tiếp tục tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất suy cho cùng phục vụ cho việc tăng tỷ giá và Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỉ giá. Nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá.

“Kiềm chế lạm phát chúng ta đạt được như ngày hôm nay có sự đóng góp rất thầm lặng của chính sách tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước, cùng với ổn định tỉ giá ngăn ngừa sự lan tỏa của lạm phát trên thế giới tới Việt Nam”, ông Phước nêu.

Thí điểm trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo

Về cung ứng tiền và chính sách tiền tệ, ông Phước cho rằng các quốc gia đều phải sử dụng chính sách tiền tệ trong tăng lãi suất và cung ứng tiền để kiểm soát lạm phát.

Ở Việt Nam cung ứng tiền thể hiện qua room tín dụng, là kênh gần như chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế. Vừa rồi việc Ngân hàng Nhà nước thông báo bổ sung tăng trưởng tín dụng là rất thích hợp.

Theo ông Phước, cần theo dõi chặt chẽ để có lộ trình trong tương lai chúng ta bỏ room tín dụng, một vài năm thì duy trì room tín dụng rất quan trọng. Cần tạo ra thanh khoản của thị trường thông qua nhiệm vụ bơm rút tiền qua buôn bán ngoại tệ cũng như các công cụ của thị trường mở để tạo mặt bằng lãi suất ổn định.

phuoc.jpg
Ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Vấn đề phối hợp về chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, theo ông Phước, không chỉ ở Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào sự xung đột của chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ gần như rất là phổ biến.

“Cấu trúc tài chính của thị trường Việt Nam là nguyên nhân chính tạo sự xung đột ngày càng gay gắt hơn. Có thể nói chính sách tiền tệ là định hướng của dòng chảy tín dụng thời gian vừa qua, cũng đã giúp cho yếu tố lạm phát thấp xuống. Thời gian tới, chính sách tiền tệ cần phải định hướng dòng chảy tín dụng qua các hệ số rủi ro. Việc xác định room tín dụng cho các ngân hàng cần dựa vào cơ cấu tín dụng và các hệ số rủi ro. Nếu anh cho vay với các ngành nghề rủi ro nhiều thì hệ số rủi ro cao”, ông Phước nêu.

Vê chính sách tài khóa, ông Phước cho hay thị trường vốn hiện nay vẫn còn hạn chế, nhất là thị trường trái phiếu. Do đó nên thí điểm cơ chế trái phiếu gắn với tài sản đảm bảo. Đây là cái mà hiện nay, đặc biệt là Mỹ, châu Âu đang phát triển rất nhiều, tránh tình trạng trái phiếu phát hành ra không có tài sản đảm bảo gây nên rủi ro khi hoàn trả.

“Có thể nói, một thị trường không chặt quá, không lỏng quá, không cầu toàn làm sao để giải tỏa bớt áp lực lên thị trường tiền tệ nếu không thì dòng tiền mà từ Ngân hàng Nhà nước đưa ra qua chính sách tiền tệ ảnh hưởng đến tăng trưởng, đây có thể nói vòng luẩn quẩn trong xung đột chính sách”, ông Phước nêu.

GS Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng rủi ro lớn nhất cuối năm nay và sang năm là nguy cơ về suy thoái kinh tế thế giới kéo theo tăng trưởng chậm.

Chính vì thế giai đoạn này có lẽ cần nới lỏng việc kiểm soát lạm phát và tăng cường hỗ trợ nhiều hơn cho các doanh nghiệp trong nước để tăng nguồn lực cho các doanh nghiệp này phục hồi để lấy lại đà phát triển.

Ngoài ra, cần kiên định chính sách điều hành tiền tệ linh hoạt nhưng không phải thắt chặt. Những ngân hàng có mức lãi suất cho vay bình quân thấp hơn mức bình quân chung thì tốc độ tăng trưởng phải cao hơn ngân hàng khác. Những ngân hàng duy trì được khoản chênh lệch giữa lãi suất huy động và lãi suất vay thấp thì các ngân hàng đấy cũng sẽ được tăng trưởng tín dụng cao.

Nếu chúng ta sử dụng những chỉ tiêu này thì sẽ biết được các ngân hàng thực sự quản trị tốt, có mức hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn, không xảy ra tình trạng các ngân hàng chạy đua để tăng lãi suất. Tất nhiên làm việc này vô cùng khó khăn đòi hỏi phải đầu tư nguồn lực cho ngân hàng nhà trước trong việc kiểm soát hệ thống ngân hàng thông qua hệ thống về số hóa.

Từ nay đến cuối năm, áp lực về lạm phát không phải lớn, nhưng lớn nhất có lẽ là áp lực về kiểm soát tỷ giá. Theo đó, không nên phá vỡ tỷ giá đồng tiền. Nếu chúng ta không ổn định được tỷ giá, nguy cơ dự trữ ngoại tệ của chúng ta chuyển thành dự trữ của cá nhân doanh nghiệp thì khi đó chúng ta sẽ mất khả năng chủ động về nguồn ngoại tệ.

Bài liên quan
EVNHCMC tiếp Bộ trưởng Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xúc tiến xuất khẩu Canada
Sáng ngày 28.3, ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch HĐTV; ông Luân Quốc Hưng – Phó tổng giám đốc EVNHCMC đã tiếp và làm việc với bà Mary Ng - Bộ trưởng Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xuất khẩu Canada.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
'Trùm' xe điện Trung Quốc đặt nhà máy sản xuất tại Phú Thọ
BYD, hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc chọn Phú Thọ làm nơi đặt nhà máy sản xuất với quy mô khoảng 100ha. Tuy nhiên, kế hoạch khởi công xây dựng đang bị chậm cho chiến lược và thị trường xe điện đang chững lại.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Trần Du Lịch: Sắp tới kinh tế chúng ta chống chịu thế nào?