“Nguồn lực chúng ta cũng không thiếu, kể cả làm tàu điện ngầm. Đất nước này không nghèo đâu, 100 triệu dân đủ để làm được rất nhiều việc”, TS Vũ Minh Khương nói.

TS Vũ Minh Khương: Đất nước ta không nghèo, 100 triệu dân đủ để làm rất nhiều việc

Lam Thanh | 06/10/2023, 06:50

“Nguồn lực chúng ta cũng không thiếu, kể cả làm tàu điện ngầm. Đất nước này không nghèo đâu, 100 triệu dân đủ để làm được rất nhiều việc”, TS Vũ Minh Khương nói.

Công nghiệp bán dẫn, năng lượng xanh là xu thế

Tại Toạ đàm "Kinh tế Việt Nam vượt những cơn gió ngược" do Cổng TTĐT Chính phủ tổ chức chiều 5.10, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng các doanh nghiệp (DN) Việt càng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu thì càng phải đua theo những tiêu chí mà thế giới đã đặt ra.

Chẳng hạn như quan tâm đến tiêu chí xanh, tiêu chuẩn carbon, rác thải, bảo vệ môi trường trong sản phẩm xuất khẩu của mình. “Nếu không quan tâm đến vấn đề đó, thì việc đạt được các đơn hàng trong tương lai là rất khó vì sự cạnh tranh rất khốc liệt. Do đó, để chiến thắng, họ phải quan tâm đến vấn đề này. Hiện nhiều DN đã quan tâm đến vấn đề này và Nhà nước cũng rất muốn đồng hành cùng các DN”, ông Phương nói.

Ông Phương cũng cho rằng DN cần nghĩ tới các mô hình mới vì mô hình truyền thống không phù hợp với bối cảnh hiện nay nữa.

“Chúng ta thấy rằng, chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam đã mở ra những cơ hội mới, lĩnh vực, ngành nghề mới cho nền kinh tế. Chỉ có những cái mới mới mang lại những động lực mới cho kinh tế, trong đó nhấn mạnh đến xu thế hiện nay là sản xuất bán dẫn. Đây là cơ hội rất lớn cho chúng ta hướng tới các điều kiện mà mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ được nâng cấp, thu hút các DN lớn đến Việt Nam”, ông Phương nêu.

chip-1.jpeg
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương

Tựu chung lại, ông Phương cho rằng vấn đề chuyển đổi năng lượng, hướng tới năng lượng xanh đang là một xu thế tất yếu và là điều kiện tiên quyết để chúng ta tác động đến những mô hình sản xuất, cũng như bảo đảm các tiêu chuẩn sản phẩm xuất khẩu ra thế giới.

Theo ông Phương, vấn đề năng lượng rất quan trọng. Làm sao để gió, mặt trời trở thành nguồn năng lượng khổng lồ của Việt Nam, đặc biệt là ở trên biển? Mình có tiềm năng 98 GW biển, làm sao để biến thành hydrogen cung cấp?

TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore cũng nêu quan điểm rằng khả năng phía trước của Việt Nam rất “xanh” và đang hội đủ các điều kiện để cất cánh ngoạn mục trong thời gian tới.

“Vấn đề điện là phải dồi dào và xanh. Mảng phát triển này phải cất cánh, nâng cấp chứ không phải phát triển mở rộng. Giờ tích hợp điện tái tạo vào hệ thống là một bài toán rất khó nhưng cũng rất hay. Vừa phải đầu tư vào nguồn vừa phải đầu tư vào đường dây cũng như hệ thống tích hợp. Đây là bài toán ta phải học rất nhiều”, ông Khương nêu.

TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh rằng: “Trong giai đoạn tới phát triển là học kinh nghiệm hay nhất của thế giới chứ chỉ đổi mới tư duy không đủ. Chỉ cố gắng, quyết liệt không đủ đâu, phải thấy thế giới làm thế nào chúng ta làm hay hơn mới là cái quan trọng”.

Phải thành trụ cột của khu vực và thế giới về bán dẫn

Ông Vũ Minh Khương cũng chia sẻ rằng công nghệ thông tin Việt Nam có thế mạnh rất nhiều. Việt Nam sẽ trở thành một quốc gia phát triển an ninh mạng rất mạnh, bởi vì an ninh mạng giúp bảo vệ cả thế giới và bán dịch vụ này rất có lợi.

“Còn về ngành điện tử, Việt Nam đi vào bán dẫn, tức là phải trở thành trụ cột của khu vực và thế giới. Việt Nam có thể làm được và cộng hưởng với các nhà đầu tư quốc tế gắn bó lâu dài”, ông Khương chia sẻ.

chip-2.jpeg
TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore

Tóm lại, vị chuyên gia cho rằng phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, kinh tế số và hệ thống điện tử, bán dẫn… đồng hành với Mỹ - đối tác chiến lược toàn diện thì hoàn toàn có thể làm được.

“Nếu nỗ lực đổi mới trong thời gian tới thì Việt Nam sẽ có bước đi rất ngoạn mục trong 2-5 năm tới. Tôi không lo tăng trưởng năm nay, có 5%, thậm chí 4,5% nhưng 3-5 năm tới, đến năm 2030, 7-8% là hoàn toàn có thể”, ông Khương nói.

Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cũng lưu ý là tăng trưởng của các ngành công nghệ cao như sản xuất chíp bán dẫn hay là các ngành công nghệ số, không thể xảy ra riêng lẻ, một mình Việt Nam được.

“Chúng ta phải có sự hội nhập sâu rộng với các chuỗi cung ứng của toàn cầu. Trước khi chúng ta nhảy cóc hay “đi tắt đón đầu” các ngành công nghiệp của tương lai thì cần phải đảm bảo có một hệ sinh thái được xây dựng không chỉ đối với khuôn khổ khu vực công mà còn cả khu vực DN, khu vực tư nhân”, ông Shantanu Chakraborty nói.

chip-3.jpeg
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam

Theo ông Shantanu Chakraborty, điểm đầu tiên cần phải làm liên quan đến việc cải cách.

“Chúng ta cần phải có chính sách về tín dụng cho các DN của Việt Nam. Hiện nay, phần lớn những ưu đãi chúng ta cấp hiện nay là cho các ngành như sản xuất nông hộ hay là các lĩnh vực kinh doanh nông hộ. Chúng ta cần phải có những khoản tín dụng lớn hơn cho các ngành công nghệ chế tạo, các ngành công nghiệp mới”, đại diện ADB nêu.

Ông Shantanu Chakraborty cũng chia sẻ thêm, chúng ta cũng đã nói rất nhiều về việc "xanh hóa" nền kinh tế, "xanh hóa" nguồn năng lượng. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tính đến khả năng hấp thụ nguồn năng lượng mới, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo này.

“Tóm lại, cần tập trung vào việc "xanh hóa" nguồn năng lượng và xây dựng một hệ sinh thái cho các ngành công nghệ cao; đảm bảo khả năng tiếp cận tín dụng, nguồn tín dụng lớn, linh hoạt đối với các DN để chuyển đổi theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh và bền vững”, ông Shantanu Chakraborty nhấn mạnh.

Phải nói là năng lực của người Việt Nam đến giai đoạn này có bước phát triển tương đối vượt bậc. Khi bàn về vấn đề như phát triển kinh tế xanh, kinh tế số chẳng hạn là Việt Nam có bước phát triển rất ấn tượng.

Chẳng hạn, chúng ta đi sau về vấn đề thu phí tự động nhưng khi TASCO vào, họ đưa ra phần mềm phải nói là hay hơn cả Trung Quốc. Độ nhạy của cái barrie lên nhanh hơn, chỉ mấy phần trăm tích tắc. Tức là khi mình đã quyết tâm làm, chịu làm là làm được vì mình hoàn toàn có năng lực.

TS Vũ Minh Khương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Vũ Minh Khương: Đất nước ta không nghèo, 100 triệu dân đủ để làm rất nhiều việc