TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, thành viên Tổ Tư vấn của thủ tướng, cho rằng với thiết kế như hiện nay, không có gì đảm bảo các đặc khu sẽ có tính bền vững về kinh tế và giúp tạo ra các ngoại tác tích cực như nâng cấp và chuyển đổi cơ cấu cũng như thúc đẩy cải cách kinh tế trên diện rộng.

TS Vũ Thành Tự Anh: Khả năng thành công của đặc khu rất thấp

Trí Lâm | 04/06/2018, 11:50

TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, thành viên Tổ Tư vấn của thủ tướng, cho rằng với thiết kế như hiện nay, không có gì đảm bảo các đặc khu sẽ có tính bền vững về kinh tế và giúp tạo ra các ngoại tác tích cực như nâng cấp và chuyển đổi cơ cấu cũng như thúc đẩy cải cách kinh tế trên diện rộng.

Chính sách thiếu cơ sở thực tiễn

Theo TS Vũ Thành Tự Anh,tình thế "tiến thoái lưỡng nan" trong chính sách đặc khu nói riêng và cải cách kinh tế của Việt Nam nói chung là nếu không có những chính sách đột phá thì sẽ lại “lối cũ ta về”, song chính sách đột phá mà triển khai trong môi trường kém minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình, năng lực kém và tham nhũng như hiện nay thì lại hết sức rủi ro.

Ông Tự Anh cho rằng khả năng thành công của mô hình đặc khu theo đạo luật này sẽ rất thấp. Lý do là chính sách nằm sau đạo luật này thiếu cơ sở thực tiễn. Một cách chính thống, luậtđặc khu nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối về “xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”.

“Nếu mục tiêu là “tạo cực tăng trưởng” thì với quy mô và tiềm năng của Phú Quốc, Bắc Vân Phong và Vân Đồn thì cả ba địa phương này đều không thể tạo ra đột biến lớn đến mức trở thành một cực tăng trưởng của đất nước trong 10-20 năm tới, trừ phi phần còn lại của đất nước giậmchân tại chỗ. Mà nếu phần còn lại của quốc gia quả thực không phát triển thì cũng chẳng có cơ sở để các đặc khu thành công”, ông Vũ Thành Tự Anh nêu.

Nếu mục tiêu là tạo “thể chế vượt trội” để “thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy” thì bài học từ mô hình khu kinh tế mở (bắt đầu với Chu Lai) từ 2003 cho thấy nếu không có sự thay đổi đồng bộ ở phạm vi quốc gia thì những sáng kiến của địa phươngchắc chắn sẽbị bóp nghẹt bởi một mạng lưới chằng chịt các thể chế và quy định hiện hành vốn hoàn toàn không tương thích với “thể chế vượt trội”.

Hơn nữa, khả năng nhân rộng các “thử nghiệm đổi mới” này sẽ rất thấp, đơn giản là vì khoảng cách giữa những ưu đãi và thể chế của 3 đặc khu vô cùng “vượt trội” với phần còn lại của đất nước. Nếu như sau 15 năm, ngay cả những ưu đãi và thử nghiệm thể chế khiêm tốn hơn nhiều của các khu kinh tế mở vẫn chưa thành hình và tới được phần còn lại của đất nước, thì hy vọng về một sự lan tỏa thể chế và chính sách từ ba đặc khu sẽ chỉ là những ước vọng xa vời.

Tạo nên cuộc đua xuống đáy

Theo ông Anh, trong khi mục tiêu của cả ba đặc khu đều hướng tới thu hút các ngành công nghệ cao 4.0 thì tư duy chính sách chủ yếu vẫn chỉ là 1.0 – tức là cố thu hút thêm FDI bằng lợi thế so sánh truyền thống cùng những ưu đãi kịch trần và vượt khung, thậm chí không ngần ngại mở casino cho cả người Việt Nam vào chơi.

“Những ưu đãi quá mức này một mặt tạo nên một “cuộc đua xuống đáy” ngay giữa ba đặc khu của Việt Nam, mặt khác không đảm bảo sự thành công cho các đặc khu vì theo kinh nghiệm thế giới, ưu đãi không đi cùng với chất lượng thể chế, quản trị, điều hành và cơ sở hạ tầng thì cũng trở nên vô nghĩa”, chuyên gia này nói.

Bên cạnh đó, với thiết kế như hiện nay, không có gì đảm bảo các đặc khu sẽ có tính bền vững về kinh tế và giúp tạo ra các ngoại tác tích cực như nâng cấp và chuyển đổi cơ cấu cũng như thúc đẩy cải cách kinh tế trên diện rộng.

Nền kinh tế Việt Nam đã và sẽ tiếp tục phụ thuộc sâu hơn vào khu vực FDI. Trong khi đó, đang tồn tại một sự đứt gẫy, thậm chí là một vực sâu khoảng cách giữa khu vực FDI với khu vực kinh tế trong nước. Với thiết kế hiện nay, ba đặc khu này tương đối biệt lập với phần còn lại của nền kinh tế quốc gia.

Vì vậy, khi chúng đi vào hoạt động thì sự phụ thuộc vào FDI cũng như khoảng cách giữa FDI và kinh tế trong nước sẽ còn trở nên sâu sắc hơn. Hệ quả là ngoại lực không những không giúp kích thích mà sẽ còn tiếp tục lấn át nội lực.

Điều này đi ngược với kinh nghiệm quốc tế, trong đó chìa khóa thành công nằm ở hệ thống thể chế và chính sách giúp phát huy vai trò của các doanh nghiệp địa phương năng động, đóng vai trò làm cầu nối và chất xúc tác cho đầu tư nước ngoài.

Chìa khóa nằm ở cải cách, không nằm ở đặc khu

Theo ông Tự Anh, đưa ra một khuôn khổ pháp lý cho đặc khu mới chỉ là một bước khởi đầu, việc triển khai mô hình đặc khu trên thực tế chắc chắn sẽ còn lắm gian truân. Bên cạnh nguy cơ bị trói chân trói tay bởi một ma trận thể chế và quy định hiện hành, nguy cơ nhìn thấy trước là chính quyền đặc khu bị thiếu nguồn lực, năng lực, và thẩm quyền (cả thẩm quyền theo luật định và thẩm quyền trên thực tế) cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Về những phương diện này, ngay cả hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM loay hoay mãi mà vẫn chưa thoát ra được thì liệu ba đặc khu có khắc phục được hay không hoàn toàn là một câu hỏi ngỏ.

Với vị trí xung yếu và nhạy cảm của mình, liệu Phú Quốc, Bắc Vân Phongvà Vân Đồn có phải là những địa điểm thích hợp để thử nghiệm chính sách trong bối cảnh địa kinh tế và địa chính trị hiện nay hay không? Lấy đơn cử Vân Đồn chẳng hạn. Một trong những mục tiêu quan trọng của Đặc khu Vân Đồn là thu hút các ngành công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.

“Thử hỏi ở sát biên giới với Trung Quốc thì những công ty công nghệ cao của các cường quốc khoa học và công nghệ ở Châu Á (như Nhật Bản và Hàn Quốc) và phương tây có sẵn sàng và yên tâm đầu tư hay không?”, ông Tự Anh nêu.

Sự ra đời của đặc khu kinh tế không thể tách rời bối cảnh kinh tế - chính trị của quốc gia. Từ góc độ lịch sử, mô hình đặc khu chỉ thích hợp trong điều kiện cả nước đang đóng kín bưng và cần một “đột phá khẩu” ra thị trường thế giới.

Hơn nữa, sự thành công của các đặc khu phụ thuộc vào mức độ tích hợp của chúng trong tổng thể chiến lược phát triển kinh tế cũng như mức độ kết nối của chúng với phần còn lại của nền quản trị và kinh tế quốc gia.

"Với độ mở thuộc nhóm cao nhất thế giới như hiện nay, mô hình “đột phát khẩu” này không thực sự phù hợp cho Việt Nam. Chìa khóa của cải cách thể chế thành công, vì vậy không phụ thuộc vào ba đặc khu mà nằm ở nỗ lực cải cách toàn diện nền tảng thể chế và chính sác quốc gia", ông Anh khẳng định.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Quy định cho thuê đất 99 năm là bất hợp lý. "99 nămlà thời gian quá dài, bằng 4 thế hệ con người. Hơn nữa, hầu hết các quốc gia trên thế giới, thời gian cho thuê đất chỉ khoảng 50 năm, một số hiếm hoi lên tới 70 năm".

Trong thực tế, tất cả vòng đời của một dự án đầu tư chỉ khoảng 20-25 năm chứ không nhà đầu tư nào dám cam đoan sẽ đầu tư một dự án lên tới 99 năm cả. Hết vòng đời của dự án thì họ nhượng lại dự án đó cho nhà đầu tư khác. Giá đất thay đổi từng ngày, Việt Namđã “đóng khung” mức tiền thuê đất đó trong thời gian quá dài thì sẽ thiệt hại lớn cho ngân sách.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan

Thời hạn cho thuê đất tại các đặc khu tối đa 99 năm là một chính sách rất tệ, không nên áp dụng. Tôi thử hỏi, với thời buổi công nghệ thay đổi nhanh chóng hàng ngày; Cách mạng 4.0 đang diễn ra, có ai dám đảm bảo mình sẽ vẫn làm ngành đó, nghề đó và lĩnh vực đó trong thời hạn 90 năm hay thậm chí 70 năm? Đây là 3 - 4 vòng đời sản phẩm, gần 2 thế hệ người Việt. Chưa kể, họ chỉ làm được chục năm không hiệu quả họ lại bán đi thì ai quản lý?

Nói thẳng ra, cho thuê đất tối đa 99 như dự thảo luật đặc khu chỉ có lợi cho đại gia bất động sản. Còn các lĩnh vực khác, không ai dám cam kết sẽ làm lĩnh vực đó suốt 99 năm, thậm chí 50 năm cũng còn cân nhắc. Thời hạn cho thuê đất 99 năm được đưa vào chính sách là có bóng dáng của doanh nghiệp bất động sản, du lịch, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, không đất nước nào giàu lên bằng bất động sản cả.

Lam Thanh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Điểm mới của lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7
1 giờ trước Văn hóa
Ngày 22.11, Ban tổ chức Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ 7 tổ chức họp báo thông tin về lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 29.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
TS Vũ Thành Tự Anh: Khả năng thành công của đặc khu rất thấp