Từ ngày 9.4.2020 khi Sở Y tế tiếp nhận bộ test nhanh kháng thể cho kết quả trong 15 phút, TP.HCM sẽ cho xét nghiệm toàn bộ khách nhập vào thành phố ở sân bay, ga tàu, bến xe…
Thông tin này được Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết tại buổi giao ban trực tuyến Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM diễn ra chiều 6.4
Theo ông Bỉnh, tận dụng thời gian 2 tuần thực hiện cách ly toàn xã hội, TP.HCM sẽ triển khai giám sát trong cộng đồng thông qua khai báo y tế và xét nghiệm tầm soát mở rộng; đặc biệt là tại các khu vực, địa điểm có nhiều sự giao thương giữa thành phố và các tỉnh thành (khu công nghiệp, chợ đầu mối…).
Đồng thời, triển khai giám sát, kiểm dịch y tế đối với hành khách tại sân bay quốc nội, ga đường sắt Sài Gòn bằng cách khai báo y tế, kiểm tra sức khỏe và lấy mẫu xét nghiệm.
Từ ngày 9.4.2020 khi Sở Y tế tiếp nhận test kit nhanh kháng thể cho kết quả trong 15 phút, TP.HCM sẽ cho xét nghiệm toàn bộ khách nhập vào thành phố ở sân bay, ga tàu, bến xe… Nếu kết quả dương tính sẽ tiến hành cách ly tập trung và xét nghiệm khẳng định lại bằng xét nghiệm kỹ thuật RT-PCR.
Thành phố cũng sẽ tiếp tục giám sát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất, xí nghiệp, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất; nhất là tái kiểm tra đột xuất những đơn vị, cơ sở đã được kiểm tra để đánh giá việc khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong tuân thủ biện pháp phòng chống dịch bệnh mà đoàn kiểm tra trước đã phát hiện. Nếu cơ sở, đơn vị không khắc phục, cải thiện, Sở Y tế đề xuất ngưng hoạt động các đơn vị này.
Ngoài ra, thành phố còn kiểm tra, giám sát việc tổ chức biện pháp phòng dịch tại các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở dưỡng lão… Tại điểm chốt chặn kiểm dịch Bến phà Cát Lái, Sở Y tế cho rằng cần có sự phân công kiểm tra, kiểm soát giữa quận 2 và Nhơn Trạch (Đồng Nai) để tăng cường khả năng rà soát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo quá trình phòng chống dịch COVID-19.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nói rằng hiện nay, thành phố còn trống 8.400 chỗ trong tổng số 12.600 chỗ cách ly (tương đương với 66% năng lực cách ly chưa dùng đến). Song song với đó là năng lực giường bệnh đã sẵn sàng cho 2.300 giường và khả năng chữa bệnh cho khoảng 1.000 người nhiễm. Thành phố hiện chỉ dùng khoảng 5% giường bệnh và chỉ có 31 ca đang chữa trị nhiễm COVID-19. Đây là sự chuẩn bị rất tốt của TP.HCM trong nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Thành phố đã sớm có định hướng về các chính sách hỗ trợ và giám sát thực hiện để cùng người dân vượt qua dịch bệnh…
Với tinh thần “phòng bệnh, phòng dịch là hàng đầu”, Bí thư Thành ủy cũng bày tỏ hy vọng thành phố sẽ tiếp tục giữ vững những kết quả đạt được, làm tốt hơn nữa công tác phòng chống dịch COVID-19.
Ngoài ra, tại cuộc họp, Phó chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm cũng chỉ đạo các sở ngành tiếp tục khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ của thành phố cho các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 trên địa bàn. Việc chi hỗ trợ phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Phan Diệu