Nền bóng đá của nước ta thường tạo nên nhiều kỳ tích ở các lứa trẻ, nhưng khi trưởng thành lại hay bị “thui chột”, khó bì với những nước khác. Chính vì thế mà bóng đá nước ta cho đến giờ vẫn đang dậm chân ở thứ hạng 112, rất gần với vị trí xếp hạng nền kinh tế nước ta so với các nước trên thế giới.

Từ kỳ tích bóng đá đến đỉnh cao kinh tế

27/01/2018, 09:17

Nền bóng đá của nước ta thường tạo nên nhiều kỳ tích ở các lứa trẻ, nhưng khi trưởng thành lại hay bị “thui chột”, khó bì với những nước khác. Chính vì thế mà bóng đá nước ta cho đến giờ vẫn đang dậm chân ở thứ hạng 112, rất gần với vị trí xếp hạng nền kinh tế nước ta so với các nước trên thế giới.

U.23 Việt Nam làm nức lòng người hâm mộ - Ảnh: Đình Dũng

Chiến tích vang dội của đội tuyển U.23 Việt Nam ở giải vô địch châu Á làm nức lòng các cổ động viên, biến cả nước thành một sân khấu lễ hội cho những ngày hội đường phố vô cùng hoành tráng. Dòng cảm xúc của dân tộc lúc này quả là đang cuộn chảy như thác đổ theo những bước chân của các chàng cầu thủ trẻ trung. Nhiều người đã khóc cười, vui sướng, hạnh phúc, và mơ mộng: giá mà các lĩnh vực kinh tế xã hội cũng được như bóng đá…

Giá mà có một giải U.23 kinh tế châu Á mà Việt Nam chỉ cần thắng bốn năm trận là có thể trở thành đệ nhất đệ nhị anh hào châu lục.

Sự đời có lẽ không đơn giản thế. Ngay cả kỳ tích của đội tuyển U.23, cho dù có chiến thắng trong trận chung kết sắp tới, quả thật cũng chưa nói lên được nhiều điều. Vì đây chỉ là đội tuyển U.23, chưa phải đội tuyển quốc gia.

Nền bóng đá của nước ta thường tạo nên nhiều kỳ tích ở các lứa trẻ, nhưng khi trưởng thành lại hay bị “thui chột”, khó bì với những nước khác. Chính vì thế mà bóng đá nước ta cho đến giờ vẫn đang dậm chân ở thứ hạng 112, rất gần với vị trí xếp hạng nền kinh tế nước ta so với các nước trên thế giới.

Chẳng nói đâu xa, chỉ trước giải U.23 châu Á đang diễn ra này thôi, các đội tuyển của chúng ta vẫn còn quẩn quanh ở “ao làng” Đông Nam Á, mỗi khi đụng độ với người Thái vẫn lo bị thua “sấp mặt”.

Chiến tích của đội tuyển U.23 Việt Nam được xem như kỳ tích, bởi chẳng ai nghĩ được họ lại lần lượt vượt qua vòng bảng, rồi qua cả tứ kết, bán kết, chiến thắng nhiều đội bóng mạnh của châu lục… Nhưng nói đến “kỳ tích” là nói đến sự đặc biệt đột xuất, bởi vì nó không phải “sự thường xuyên”, mà có thể chỉ là “phong độ” xuất thần, nhất thời.

Lịch sử bóng đá thế giới đã từng chứng kiến nhiều đội tuyển với phong độ xuất thần đã làm nên những điều kỳ diệu còn hơn thế, như đội tuyển CHDCND Triều Tiên tại World Cup 1966, hay đội tuyển Hy Lạp tại Euro 2004. Tại World Cup 1966, đội Triều Tiên đã loại tuyển Ý tại vòng bảng, sau đó vào tứ kết gặp đội tuyển Bồ Đào Nha của Eusebio, họ đã dẫn trước đến 3 - 0 trước khi thua ngược 3 - 5. Các đội bóng này sau đó đã mau chóng chìm vào sự quên lãng.

Thế nhưng những người lạc quan vẫn có thể xem chiến tích của đội tuyển U.23 là một bước “vượt vũ môn” trong bóng đá, một bước tiệm cận đến tư thế “cất cánh” của bóng đá Việt Nam. Chiến tích khá huy hoàng này được làm nên bởi hai yếu tố quan trọng cho bất kỳ “kỳ tích châu Á” nào dù là trong bóng đá hay kinh tế, đó là ý chí và bài bản.

Hai yếu tố quan trọng đó đã được khơi dậy bởi một người con của đất nước có “kỳ tích sông Hàn”, ông Park Hang Seo. Chính ông là người đã mang “công nghệ bóng đá” Hàn Quốc, một công nghệ đã làm nên kỳ tích cho Hàn Quốc tại World Cup 2002, sang nước ta, cũng chính ông là người khơi dậy lòng tự tin và ý chí chiến đấu cho các tuyển thủ U.23. Tất nhiên là cần phải kể đến công sức miệt mài đào tạo bóng đá trẻ của những câu lạc bộ như Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội FC, và sự trui rèn thử thách của các tuyển thủ tại các mùa V-League khá khắc nghiệt trong nhiều năm qua.

“Tất cả chỉ mới là khởi đầu”, đúng như huấn luyện viên Park Hang Seo đã nói. Đội tuyển U.23 cũng như các cấp đội tuyển khác còn phải chứng minh đẳng cấp của mình ở nhiều giải đấu nữa mới có thể chứng tỏ được rằng bóng đá Việt Nam đã thật sự “cất cánh” hay chưa. Tuy nhiên, bước khởi đầu tuyệt vời này cho thấy chúng ta dường như đã tìm được đúng “đường băng” để để bóng đá có thể “cất cánh”.

Và sự thành công bước đầu trong lĩnh vực thể thao này hoàn toàn có thể là một mô hình, một công thức phát triển cho các lĩnh vực kinh tế xã hội khác.

Công thức này không mấy phức tạp, bởi nó đã được người Nhật áp dụng trăm năm qua và người Hàn Quốc đã vận dụng nửa thế kỷ qua: Ý chí Á Đông và công nghệ phương Tây.

Một “kỳ tích sông Hồng” trong tương lai, cả trong bóng đá lẫn kinh tế, tại sao không?

Đoàn Đạt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tìm giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 giờ trước Bảo vệ môi trường
Ngày 26.4, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trường Đại học Cần Thơ và báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Giải pháp về nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long".
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ kỳ tích bóng đá đến đỉnh cao kinh tế