50 năm trước, vào ngày 25.10, Trung Hoa Dân Quốc chính thức bị trục xuất khỏi Liên Hợp Quốc (LHQ) bằng một cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng và được thay thế bởi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Từ thường trực HĐBA, Đài Loan đã bị Trung Quốc hất khỏi LHQ cách đây 50 năm thế nào?

Anh Tú | 25/10/2021, 16:27

50 năm trước, vào ngày 25.10, Trung Hoa Dân Quốc chính thức bị trục xuất khỏi Liên Hợp Quốc (LHQ) bằng một cuộc bỏ phiếu của Đại hội đồng và được thay thế bởi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

trung-quoc-3.jpg

Năm 1949, sau khi thất bại trong cuộc chiến Quốc – Cộng, phe Trung Hoa Dân Quốc đã chạy đến đảo Đài Loan nhưng vẫn tiếp tục giữ ghế của "Trung Quốc" tại LHQ và là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an với quyền phủ quyết. Các quan chức ở Đài Bắc khi đó nhận được sự hỗ trợ của Mỹ nhờ lo ngại theo học thuyết Truman.

Trung Hoa Dân Quốc đã thề sẽ quay trở lại vào những năm 1970, nhưng đến lúc đó, nhiều thành viên LHQ thấy rõ ràng là chính phủ của họ không còn đại diện cho hàng trăm triệu người sống bên kia eo biển Đài Loan do Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kiểm soát.

"Nghị quyết về việc kết nạp Bắc Kinh", còn được gọi là Nghị quyết 2758, kêu gọi các quốc gia thành viên "khôi phục" các quyền của CHND Trung Hoa ở Bắc Kinh với tư cách là "đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại LHQ". Sau nhiều năm cố gắng theo kêu gọi của đồng minh Trung Quốc là Albania, nghị quyết cuối cùng đã được thông qua tại Đại hội đồng.

trung-quoc.jpeg
Đại diện của CHND Trung Hoa vui mừng với Nghị quyết 2758

Kể từ đó, Nghị quyết 2758 đã trở thành một trong những văn kiện xác định nhất đối với lịch sử hiện đại của Đài Loan.

Margaret Lewis, giáo sư tại Trường Luật Đại học Seton Hall, Mỹ - người chuyên tâm nghiên cứu Trung Quốc và Đài Loan, cho biết mặc dù Nghị quyết 2758 từng liên quan đến sự đại diện tại LHQ, nhưng giờ đây nó đã được hiểu rộng rãi để ủng hộ các tuyên bố của Trung Quốc đối với Đài Loan và cô lập hòn đảo trên quốc tế.

Lewis phân tích: “Trên thực tế, chính phủ CHND Trung Hoa đã có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự tham gia của Đài Loan vào các thực thể trực thuộc LHQ, nhưng điều này không được quy định bởi Nghị quyết 2758: nghị quyết là về đại diện, không phải sự tham gia. Sự can dự có ý nghĩa của Đài Loan vào các thực thể trực thuộc LHQ là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 2758”.

Ngày nay, Đài Loan chỉ còn lại 15 đồng minh ngoại giao và con số này giảm xuống từ 22 vào thời điểm bà Thái Anh Văn được bầu lãnh đạo Đài Loan vào năm 2016. Bà Thái đã tái đắc cử sau đó 4 năm.

Nhiệm kỳ bà Thái đồng thời điểm Đài Loan mất tư cách quan sát viên tại các cơ quan trực thuộc LHQ như Hội đồng Y tế Thế giới - cơ quan quản lý của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Tương tự, Đài Loan đã bị loại khỏi Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (WHA) kể từ năm 2013, một phần do áp lực từ Bắc Kinh để loại bỏ bất kỳ gợi ý nào rằng Đài Loan có thể không phải là một tỉnh của Trung Quốc.

Các tuyên bố cạnh tranh

Bất chấp cách giải thích rộng rãi này của Nghị quyết 2758, trên thực tế, nó không đề cập rõ ràng đến “Đài Loan” hay “Trung Hoa Dân Quốc”. Thay vào đó, nó kêu gọi LHQ “trục xuất ngay các đại diện của Tưởng Giới Thạch”, ám chỉ đến nhà lãnh đạo tối cao của Trung Hoa Dân Quốc, người đã cai trị ở Trung Quốc từ 1928 đến 1949 và sau đó là Đài Loan cho đến khi ông qua đời vào năm 1976.

Nhưng sự cai trị kiểu gia đình trị thời Tưởng và thời kỳ thiết quân luật hà khắc của Đài Loan đã kết thúc hơn 30 năm trước. Kể từ khi chuyển đổi sang dân chủ vào những năm 1990, các cuộc thăm dò cho thấy đa số công dân Đài Loan coi mình là người "Đài Loan" thay vì “Trung Quốc”.

Julian Ku, giáo sư luật hiến pháp tại Đại học Hofstra ở New York, cho biết một điểm khác biệt chính giữa Đài Loan bây giờ và khi mất ghế là trên thực tế, họ không còn tuyên bố đại diện cho lãnh thổ của Trung Quốc nữa.

Julian Ku nói: “Đó là sự khác biệt lớn so với thế giới vào năm 1971, khi Trung Hoa Dân Quốc tuyên bố rằng họ sẽ trở thành chính phủ hợp pháp cho toàn bộ Trung Quốc. Thật khó để nhớ thế giới trong bối cảnh đó - nhưng đó cũng là lý do tại sao có rất ít thiện cảm với Trung Hoa Dân Quốc vào thời điểm đó vì có vẻ như họ đang đưa ra những tuyên bố vô lý và loại trừ 1 tỉ người khỏi LHQ.”

Nhưng nhà cầm quyền Trung Hoa Dân Quốc ngày càng thấy mình mâu thuẫn với trật tự thế giới mới của những năm 1960, và phong trào phi thực dân hóa đang nổi lên, và nhiều quốc gia bắt đầu công nhận CHND Trung Hoa.

James Lin, trợ lý giáo sư lịch sử Đài Loan tại Đại học Washington, cho biết: “Nhiều năm trôi qua, ngày càng nhiều quốc gia có thiện cảm (với Bắc Kinh) và có những lý do khác nhau cho điều này. Thực tế chính trị rất rõ ràng là CHND Trung Hoa nắm phần lớn Trung Quốc và Mỹ là cường quốc duy nhất thúc đẩy các nước gắn bó với Trung Hoa Dân Quốc”.

trung-quoc-2.jpg
Khoảnh khắc cách đây tròn 50 năm

“Vào những năm 1950, các nước không liên kết và các bên thứ ba trung lập hơn đã ngay lập tức công nhận CHND Trung Hoa. Một số đồng minh của Mỹ đã gắng cầm cự được một chút. Sự thay đổi lớn là Pháp vào năm 1964 và nhiều thuộc địa cũ của nước này ở châu Phi, đặc biệt là phía tây châu Phi, theo sau sự dẫn dắt của Pháp. Họ đã nói ‘không’ vào năm 1963 và sau đó chuyển sang nói ‘có’ vào năm 1965”.

Nỗi đau khôn nguôi cho Trung Hoa Dân Quốc là vào tháng 7.1971 khi Bộ trưởng Mỹ Henry Kissinger bí mật đến thăm Bắc Kinh mở đường cho chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon vào năm sau.

Đến tháng 10 năm 1971, Trung Hoa Dân Quốc chính thức bị trục xuất khỏi LHQ và 8 năm sau Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Nhiệm vụ của Đài Loan ngày nay là trở lại LHQ, dù chỉ với tư cách là một quan sát viên, có rất ít cơ hội được chào đón. LHQ bị các nước lới chi phối đã giằng co để công nhận các chính phủ lưu vong, thậm chí duy trì sự công nhận chế độ Khmer Đỏ diệt chủng của Campuchia vào những năm 1990. Ngày nay, LHQ đang vật lộn với việc nên công nhận chính phủ lưu vong của Myanmar hay Taliban ở Afghanistan hay không.

Đài Loan hiện còn không bằng Palestine vì ít ra Palestine còn được thừa nhận là "nhà nước quan sát viên phi thành viên" trong hệ thống Liên Hợp Quốc và được phép chọn tên cũng như hiến pháp riêng của mình. Đài Loan hiện không thể đăng ký dưới một cái tên như “Cộng hòa Đài Loan” hoặc “Cộng hòa Formosa” trước áp lực từ Bắc Kinh.

Đồng thuận năm 1992 là gì?

Theo điều gọi là “Đồng thuận năm 1992”, Bắc Kinh và Đài Bắc đã đi đến một loại thỏa hiệp cho rằng có một Trung Quốc nhưng không xác định ai là người quản lý nó. Nếu Đài Loan cuối cùng tự giải phóng khỏi di sản của chính quyền Trung Hoa Dân Quốc, nó sẽ bị Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai và có cớ can thiệp quân sự. Vì lý do này, các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người Đài Loan đều hài lòng với hiện trạng không mấy dễ chịu khi họ độc lập về mọi mặt, trừ tên tuổi.

Về phần mình, ban lãnh đạo LHQ dường như đã đứng về phía Bắc Kinh. Năm 2007, Tổng thư ký LHQ lúc bấy giờ là Ban Ki-Moon nói rằng Nghị quyết 2758 vẫn được áp dụng cho Đài Loan đương thời mặc dù nó có những từ ngữ mơ hồ và đề cập đến Tưởng.

Ông nói với các quốc gia thành viên vào thời điểm đó rằng "không thể cơ sở pháp lý nào để nhận đơn xin gia nhập" từ các đại diện của Đài Loan.

Đại dịch COVID-19 có thể mang lại tia hy vọng cho Đài Loan, ít nhất là trong lĩnh vực của các cơ quan liên quan đến y tế như WHA và WHO. Ghi nhận thành công của Đài Loan trong việc chống lại vi rút, năm nay Đài Loan đã nhận được sự ủng hộ nhiều hơn đáng kể để trở lại WHA với tư cách quan sát viên - thậm chí còn giành được sự tán thành của các quốc gia G7, để có một chỗ ngồi chung bàn. Các vấn đề liên quan đến COVID cũng đã khiến Đài Loan phải tìm đồng minh mới và củng cố các mối quan hệ mới nổi ở những nơi như châu Âu, nơi sự hiện diện của họ trước năm 2019 bị hạn chế.

Người đứng đầu cơ quan Ngoại giao Joseph Wu sẽ đến châu Âu trong tuần này, nơi ông dự kiến ​​thăm Slovakia, Cộng hòa Czech và phát biểu tại một diễn đàn ở Rome. Lithuania và Đài Loan cũng sẽ mở số lượng cho các văn phòng đại diện của họ trước cuối năm nay.

Cách tiếp cận của Mỹ dường như cũng đang biến hóa

Cuối tuần qua, Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ rằng các quan chức Mỹ và Đài Loan đã có một "cuộc thảo luận tập trung vào việc hỗ trợ khả năng của Đài Loan tham gia một cách có ý nghĩa tại LHQ", bao gồm "các cách làm nổi bật khả năng của Đài Loan trong việc đóng góp vào các nỗ lực về nhiều vấn đề".

Trung Quốc đã phản ứng giận dữ với các quốc gia đang tìm cách xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan, đồng thời tăng cường áp lực chính trị và quân sự lên hòn đảo này trong nhiều tháng - vào tháng 10, khi thực hiện một số lần xuất kích kỷ lục vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan.

Vào cuối tuần, Bắc Kinh một lần nữa nhắc lại cách giải thích của họ đối với Nghị quyết 2758 - rằng Nghị quyết công nhận rõ ràng ‘một Trung Quốc’ và chính phủ ở Bắc Kinh là đại diện duy nhất của toàn bộ Trung Quốc.

Nhưng nơi một Trung Hoa Dân Quốc từng bị nhướng mày vì tuyên bố đại diện cho Trung Quốc, thì ở một số nơi trên thế giới, lại có xu thế đảo ngược lịch sử.

Tuy nhiên, với ảnh hưởng hiện tại của Trung Quốc tại Đại hội đồng LHQ, nền dân chủ của 23 triệu người khó có thể gia nhập ngôi nhà mà họ từng ngồi mâm trên.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo tình hình chuyển đổi số, kinh tế số một cách trung thực
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương đánh giá tình hình triển khai công tác chuyển đổi số quốc gia với trọng tâm là phát triển kinh tế số trên tinh thần khách quan, trung thực, có số liệu cụ thể về kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế...
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Từ thường trực HĐBA, Đài Loan đã bị Trung Quốc hất khỏi LHQ cách đây 50 năm thế nào?