Thấy choáng váng, cảm giác nặng đầu tưởng cụ bà tăng huyết áp do có tiền sử căn bệnh này, nhưng không ngờ bệnh nhân bị liệt nửa người rồi hôn mê, ngưng thở từng cơn, suýt chết.
Nhiều năm qua, bà L.T.L. (69 tuổi, quê huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ) phải dùng thuốc hàng ngày để kiểm soát bệnh tiểu đường, tăng huyết áp mãn tính.
Ngày 7.9, bà L. bị choáng váng, cảm giác nặng đầu, gia đình nghĩ bà có tiền sử tăng huyết áp trước đó nên đã đưa bệnh nhân đến bệnh viện địa phương để lấy thuốc. Đến chiều cùng ngày, bà L. có dấu hiệu bị yếu liệt nửa người phải, gia đình quyết định đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ để điều trị.
Tại đây, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị yếu liệt 1/2 người phải. Qua kết quả chụp MRI, cho thấy bệnh bị nhồi máu não đa ổ sau giờ vàng nên được điều trị nội khoa.
Sau 1 tuần điều trị, do lớn tuổi kèm nhiều bệnh lý nền, diễn tiến bệnh vẫn nặng và phức tạp. Ngày 17.9, bệnh nhân có dấu hiệu trở nặng lơ mơ, sốt cao (39,7 độ), nghi sốc nhiễm khuẩn, biến chứng suy đa cơ quan, suy hô hấp, suy thận cấp, tụt huyết áp (80/60 mmHg). Bệnh viện đã tiến hành hội chẩn khẩn cấp và bệnh nhân có chỉ định lọc máu để tìm một cơ may sống còn.
Bác sĩ Tô Văn Tân – Phó khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, cho biết lúc này bệnh nhân rơi vào tình trạng đột quỵ, hôn mê và có cơn ngừng thở, kèm suy đa phủ tạng, suy thận, suy hô hấp, thiểu niệu.
“Chúng tôi phải tiến hành cho lọc máu liên tục trong 24 giờ bằng máy lọc máu CRRT nhằm cải thiện tình trạng bệnh. Đến chiều nay (20.9), các chỉ số của bệnh nhân đã được cải thiện nhiều, bệnh tỉnh hơn tuy còn yếu liệt do đột quỵ, tiểu tốt, huyết áp ổn định, ngưng vận mạch. Tuy nhiên, bệnh nhân phải thở máy hỗ trợ thêm và hy vọng sẽ tiếp tục cải thiện trong những ngày tới”, bác sĩ Tân chia sẻ.
Theo BS.CK2 Phan Trịnh Minh Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quốc tế S.I.S Cần Thơ, trong thời gian xảy ra đại dịch COVID-19, bệnh viện đã gặp không ít khó khăn, áp lực trong công tác vừa chống dịch, vừa đảm bảo công tác cấp cứu đột quỵ, an toàn cho cán bộ nhân viên bệnh viện, bảo đảm bệnh viện luôn hoạt động thông suốt an toàn, tích cực tham gia hỗ trợ chống dịch…
Để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nặng, trong lúc này đang gia tăng cũng như nhu cầu phục vụ chẩn đoán sàng lọc bệnh nhân COVID-19, phân luồng bệnh nhân tránh lây nhiễm chéo, bệnh viện đã cố gắng đầu tư các máy móc thiết bị hiện đại phục vụ cho công tác điều trị.
“Với các máy móc thiết bị hiện đại này chúng ta có thể cứu được nhiều bệnh nhân hơn. Tuy nhiên, các thuốc men sinh phẩm, vật tư tiêu hao, dịch lọc đi kèm phục vụ cho một ca lọc máu đều phải nhập khẩu toàn bộ và rất tốn kém, những bệnh nhân nghèo thường rất khó chi trả. Chúng tôi cũng đang vận động kêu gọi các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân… cùng đóng góp cho quỹ từ thiện bệnh nhân nghèo bị đột quỵ khu vực ĐBSCL để chúng tôi giảm phần nào gánh nặng”, bác sĩ Hiếu chia sẻ.