Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi của Việt Nam đang “hụt hơi” khi thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra.

Tỷ lệ nội địa hóa xe 9 chỗ 'hụt hơi', đến nay chưa được 10%

tuyetnhung | 28/11/2019, 16:31

Tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi của Việt Nam đang “hụt hơi” khi thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra.

Tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ 2019 ngày 28.11, ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho biết tỷ lệ nội địa hóađối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi của Việt Nam đang “hụt hơi” khi thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Trong khi, mục tiêu đặt ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010 thì đến nay, con số đạt được thực tế chỉ ở mức 7-10%!?!

Nhiều doanh nghiệp lắp ráp ô tô Việt Nam đang đi vào con đường mà các quốc gia đi trước đã từ bỏ, đó là xu hướng tự cung tự cấp hoặc độc quyền, khép kín trong sản xuất ô tô. Theo ông Phạm Tuấn Anh, các chuỗi cung ứng nội bộ từng công ty đang được hình thành nhưng chủ yếu dưới dạng công ty mẹ, số thành viên trong chuỗi còn rất ít, chưa phát triển thành các mạng sản xuất dưới dạng công ty độc lập có quan hệ hợp tác kinh doanh dựa trên hợp đồng dài hạn.

Ông Phạm Tuấn Anh đánh giá: ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam nhìn chung vẫn còn phân tán rời rạc, mối quan hệ lỏng lẻo giữa các nhà lắp ráp và các nhà cung ứng. Đặc biệt, sự liên kết giữa các doanh nghiệp hỗ trợ và lắp ráp ô tô, giữa các doanh nghiệp trong nước với các “ông lớn” FDI còn rất hạn chế. Các doanh nghiệp lắp ráp ô tô trong nước đa số là mới thành lập, thiếu kinh nghiệm trong hoạt động phát triển các cơ sở công nghiệp hỗ trợ, thu hút vệ tinh.

Đáng chú ý, hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ này không có khả năng hoặc rất khó đáp ứng một cách đầy đủ các yêu cầu khắt khe về chất lượng, thông số kỹ thuật, nguồn nguyên vật liệu, thời gian giao hàng từ phía doanh nghiệp nước ngoài. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn sử dụng công nghệ lạc hậu nên giá thành cao, khả năng cạnh tranh thấp nên các doanh nghiệp lắp ráp ô tô thường tìm nguồn cung linh kiện từ nước ngoài.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằngngành công nghiệp ô tô Việt Nam đangphải đối mặt với nhiều thách thức đến từ sự cạnh tranh khốc liệt của các đối thủ. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển muộn hơn so các nước trong khu vực khoảng 30 năm. Thái Lan, Indonesia, Malaysia phát triển công nghiệp ô tô từ năm 1960 trong khi đến năm 1991, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam mới ra đời. Bởi vậy, khi Việt Nam mới đặt những viên gạch đầu tiên để xây dựng ngành thì công nghiệp ô tô tại các nước khác đã rất phát triển, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn đe dọa nền sản xuất trong nước.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành ô tô Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế như phát triển chậm cả về số lượng và chất lượng so với nhiều quốc gia trong khu vực. Tỷ lệ nội địa hóađối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi còn thấp. Cụ thể là máy móc, công nghệ còn tương đối lạc hậu. Chất lượng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn khá thấp và giá thành cao. Nhiều doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô vẫn chưa đủ năng lực và công nghệ sản xuất để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp ô tô trong nước.

Báo cáo của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằngđến nay, tỷ lệ nội địa hóa một số dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước đã được cải thiệndo khả năng cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ nội địa tiến bộtrong thời gian qua.

Các chủng loại xe tải, xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng sản xuất trong nước đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao, đạt mục tiêu đề ra đáp ứng về cơ bản thị trường nội địa (xe tải đến 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%; xe khách từ 10 chỗ ngồi trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa đạt từ 20% đến 50%.

Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô đã gia tăng liên tục với sự tham gia các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó đóng góp đáng chú ý vào sự gia tăng này là của khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước. Hiện trên thị trường Việt Nam đã có mặt hầu hết các hãng sản xuất ô tô lớn trên thế giới như Toyota, Honda, Ford... đã kéo theo một số nhà sản xuất vệ tinh và hệ thống các nhà cung ứng linh kiện phụ tùng nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam.

Tuyết Nhung
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vẫn còn băn khoăn về phương pháp định giá trong dự thảo nghị định quy định về giá đất
Góp ý về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về giá đất để hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng có một số điểm không hợp lý.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tỷ lệ nội địa hóa xe 9 chỗ 'hụt hơi', đến nay chưa được 10%