Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 sáng nay, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018.

UB Kinh tế Quốc hội: Tăng trưởng đang dựa vào dầu, than, kiều hối và FDI

21/05/2018, 13:52

Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 sáng nay, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017; kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2018.

Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh - Ảnh: quochoi.vn

Tăng trưởng dựa vào dầu, than, kiều hối và FDI

Ghi nhận những thành tựu đạt được, tuy nhiên, ông Thanh cho biết các trụ cột tăng trưởng kinh tế chưa thật bền vững; quy mô GDP còn thấp so với dự kiến, mô hình tăng trưởng chưa chuyển đổi rõ nét.

Động lực tăng trưởng chủ yếu dựa vào khai thác dầu khí, than, kiều hối và đóng góp của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Công nghiệp chế biến có nhiều đóng góp nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu gia công, chưa phải là công nghệ cao, tỷ lệ giá trị gia tăng trong giá trị sản xuất có xu hướng giảm.

Kết quả thực hiện cổ phần hóa DNNN chưa đạt mục tiêu đề ra. Số vốn trong các DNNN được bán cho các nhà đầu tư còn thấp. Do vậy không tạo ra nhiều thay đổi tích cực về quản trị doanh nghiệp, hoạch định chiến lược và tăng cường hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Xuất khẩu còn phụ thuộc vào FDI tới 72%. Hơn nữa, Việt Nam chưa liên kết, tận dụng được lợi thế của khu vực doanh nghiệp này để phát triển bền vững khu vực kinh tế trong nước.

Năng suất lao động đã có sự cải thiện (93,2 triệu đồng), cao hơn so với năm 2016 (84,5 triệu đồng) nhưng vẫn thấp hơn so với nhiều nước ASEAN. Tốc độ tăng năng suất lao động thấp, mức chênh lệch về năng suất với các nước tiếp tục gia tăng sẽ tạo ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam khi hội nhập kinh tế quốc tế và khó khăn trong việc thích ứng với cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo đó, UB Kinh tế đề nghị cần phân tích rõ những lợi ích thực chất về nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân từ kết quả tăng trưởng cao nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội năm 2018 và các năm tiếp theo một cách bền vững hơn.

Giấy phép con, giấy phép cháu còn nhiều

Cũng theo báo cáo thẩm tra, thu cân đối NSNN năm 2017 vượt 76,48 nghìn tỉ đồng (6,3%) so với dự toán. Tuy nhiên, ngân sách trung ương bị hụt thu. Số tăng thu chủ yếu là tăng thu ngân sách địa phương và phần lớn là từ đất, dầu thô, cổ tức và lợi nhuận còn lại của DNNN mà không xuất phát từ khu vực sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Nợ đọng thuế năm 2017 là 73.145 tỉ đồng, tuy giảm so với năm 2016 nhưng còn lớn, chiếm 7,6% tổng thu nội địa nhưng chưa được báo cáo rõ về nguyên nhân, giải pháp chống thất thu, nâng cao hiệu quả công tác thu NSNN.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu Chính phủ chậm. Việc này cho thấy những hạn chế đã tồn tại từ lâu trong khâu tổ chức thực hiện, chưa có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, ban quản lý dự án trong từng khâu của quá trình giải ngân để sớm khắc phục tình trạng này.

Số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 được xử lý là 83,46 nghìn tỉ đồng nhưng số nợ xấu cần xử lý vẫn còn khá lớn. Đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế, tạo lực cản đối với các tổ chức tín dụng hạ mặt bằng lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán thiếu ổn định, còn tiềm ẩn rủi ro. Theo đó, cần đánh giá bổ sung về tính hiệu quả trong giám sát, cảnh báo thị trường chứng khoán để tránh các cú sốc tiêu cực từ dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 14 vừa khai mạc

Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu “nóng” lên ở một số địa phương nhất là các thành phố lớn và tiềm ẩn rủi ro; cơ cấu sản phẩm chưa đầy đủ, thông tin thị trường chưa minh bạch. Một số loại hình sản phẩm mới như căn hộ khách sạn, căn hộ văn phòng… chưa được quy định một cách chặt chẽ.

Tại các địa điểm chuẩn bị hình thành đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt như Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hòa), Vân Đồn (Quảng Ninh) có hiện tượng đầu cơ, tăng giá đột biến đất nền.

Tình trạng “giấy phép con, cháu” còn khá nhiều, môi trường kinh doanh có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn rào cản, chưa đạt hiệu quả như mong đợi.

Năm 2017, doanh nghiệp thành lập mới tăng cả về số vốn đăng ký và số doanh nghiệp so với năm 2016 nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn cũng tăng 8,9%, số doanh nghiệp làm ăn hiệu quả còn thấp.

Chính phủ cần báo cáo thêm về tình trạng tham nhũng

Ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ, tình hình tội phạm tham nhũng diễn biến phức tạp, số vụ án tham nhũng và số bị can bị khởi tố tăng so với năm 2016. Quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự cả cán bộ ở cơ quan địa phương và trung ương.

Theo đó, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần báo cáo thêm về công tác phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là kết quả thu hồi tiền, tài sản thất thoát do tham nhũng, kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cùng với đó là những bài học rút ra và trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan trong quản lý, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ cũng như trong việc quản lý tài nguyên, nguồn lực của đất nước.

“Việc chậm xử lý vụ sai phạm tại công ty VN Pharma cùng với việc phát hiện các vụ sản xuất hàng giả là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, thực phẩm chức năng nghiêm trọng (mới đây là vụ thuốc chữa ung thư giả Vinaca tại Hải Phòng) gây tâm lý lo ngại trong dư luận”, báo cáo nêu.

Có ý kiến đề nghị cần tính toán tỷ lệ thất thoát, lãng phí tài sản công so với GDP hàng năm để cảnh báo đầy đủ về thực trạng này.

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, báo cáo đánh giá bổ sung của Chính phủ chưa nêu một cách toàn diện nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu và các cơ quan chịu trách nhiệm trong thực hiện các nhiệm vụ trong kế hoạch năm 2017.

Những tháng đầu năm 2018, tình trạng sử dụng tiền ảo còn diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải xây dựng khung pháp lý để quản lý. Bên cạnh đó, các vướng mắc liên quan đến các dự án BOT vẫn chưa được giải quyết một cách căn bản, tạo dư luận không tốt.

Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn bất cập, làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Chi phí vận tải thuê ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp, tỷ lệ chi phí logistics trên GDP của Việt Nam cao hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Tình hình tội phạm hình sự, ma túy, công nghệ cao diễn ra phức tạp; cơ sở pháp lý đối với các giao dịch qua mạng còn thiếu, tạo kẽ hở cho việc phạm tội (vụ án đánh bạc qua mạng hàng nghìn tỉ đồng, vụ lừa tiền ảo 15.000 tỉ đồng ở TP.HCM, có trường hợp tội phạm được tiếp tay bởi một số cán bộ suy thoái trong các cơ quan chức năng.

Lam Thanh

Bài liên quan
VinFast ghi nhận doanh thu tăng trưởng 269,7% trong quý 1/2024 so với cùng kỳ 2023
Ngày 17.4, VinFast Auto đã công bố báo cáo tài chính chưa kiểm toán quý 1/2024 với doanh thu 7.264 tỉ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
8 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
UB Kinh tế Quốc hội: Tăng trưởng đang dựa vào dầu, than, kiều hối và FDI