Đài SBS News dẫn lời nhà điều tra Tim Stainton thuộc lực lượng cảnh sát liên bang Úc (AFP) cảnh báo tình trạng các tổ chức tội phạm lừa gạt du học sinh, biến họ thành “con la tiền” vô tình tiếp tay cho hoạt động phạm pháp.
Du học sinh trở thành mục tiêu vì nhiều lý do: không có gia đình bên cạnh hỗ trợ, không am hiểu luật pháp Úc, chịu áp lực về chi phí sinh hoạt… Các tổ chức tội phạm liên hệ trực tiếp lẫn trực tuyến với họ (thông qua nền tảng mạng xã hội như TikTok, Whatsapp, Snapchat).
“Chi phí sinh hoạt cao, mọi người đều muốn nhanh kiếm ra tiền nên dễ bị các tổ chức tội phạm lợi dụng điểm này. Chúng cung cấp cho du học sinh 1.500 - 2.000 USD đổi lấy quyền tiếp cận tài khoản của họ. Rõ ràng là du học sinh không biết chuyện gì xảy ra sau đó”, theo ông Stainton.
Phía ngành tài chính cũng ghi nhận hàng nghìn tài khoản “con la tiền”, bị chặn giao dịch và có khả năng bị điều tra. Chuyên viên điều tra Marc Broome (ngân hàng ANZ) cho biết từ cuối năm ngoái nhóm của mình đã xác định được khoảng 3.200 tài khoản dạng này.
“Con la tiền” là phương thức các tổ chức tội phạm chi một khoản tiền - thường trả một lần - đổi quyền sử dụng tài khoản một người nào đó để nhận hoặc chuyển tiền sang tài khoản khác. Chu kỳ lặp đi lặp lại, giới chức năng rất khó theo dõi đối tượng chuyển ban đầu lẫn đối tượng nhận cuối cùng.
Để đối phó, tuần qua AFP tổ chức phát động chiến dịch nâng cao nhận thức tại 39 đại học, cung cấp tài liệu về thông tin cần biết (7 ngôn ngữ) đến du học sinh. Ông Stainton nhắc nhở: “Đây là tội rửa tiền có thể nhận mức án tù từ 12 tháng đến chung thân tùy mức độ nghiêm trọng. Bạn sẽ phải đối mặt với hậu quả lớn, kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến việc học tập tại Úc mà cả cơ hội ở lại Úc”. Thời gian qua một số ngân hàng cũng triển khai hệ thống mới giúp xác định tài khoản “con la tiền”.