Đài CNN cho biết vài tháng qua lục quân Mỹ đã phải gánh vác trọng trách viện trợ cho Ukraine trong lúc quốc hội chưa chịu cấp thêm tiền. Tuy nhiên ngân sách của lực lượng này sắp cạn.
Kể từ tháng 10.2023 - thời điểm bắt đầu năm tài khóa hiện tại, lục quân Mỹ chi hơn 430 triệu USD cho nhiều hoạt động khác nhau như huấn luyện binh sĩ Ukraine, vận chuyển trang bị, triển khai quân đến châu Âu. Tiền do Bộ Tư lệnh châu Âu cùng Bộ Tư lệnh châu Phi trả.
Theo một sĩ quan cấp cao, nếu không có ngân sách năm 2024 được quốc hội phê duyệt và tiền viện trợ Ukraine bổ sung thì lục quân chỉ còn khoảng 3 tỉ USD, trong khi kinh phí hoạt động lên đến 5 tỉ USD.
Vài tháng tới nếu giới nghị sĩ vẫn chưa duyệt cấp thêm viện trợ, lục quân sẽ phải đưa ra quyết định khó khăn: lấy nguồn tài chính từ dự án kém cấp thiết hơn chẳng hạn như xây doanh trại, tuyển tân binh… Đây là việc không thể tránh khỏi vì ngân sách 3 tỉ USD chỉ đủ dùng đến cuối tháng 5.
Hoạt động cần tiền sắp tới gồm viện trợ Ukraine, tập trận huấn luyện cho số quân đồn trú châu Âu và châu Phi, vận chuyển trang bị, thanh toán hợp đồng đúng hạn, nguồn tin sĩ quan cho biết.
Bộ trưởng Lục quân Mỹ Christine Wormuth - người nắm quyền quyết định chi ngân sách ra sao - nói với CNN: “Tôi liên tục phải chọn lựa giữa chuyển tiền cho xây doanh trại, tuyển tân binh, tập trận hay cho hiện đại hóa lực lượng. Tôi không có tiền dư thừa”.
Công tác huấn luyện được duy trì
Bất chấp nguồn viện trợ cạn kiệt, Mỹ vẫn duy trì công tác huấn luyện binh sĩ Ukraine vì Tổng thống Joe Biden xác định đây là nhiệm vụ quan trọng. Đại tá lục quân Martin O’Donnell cho biết họ đang huấn luyện khoảng 1.500 binh sĩ tại khu huấn luyện Grafenwoehr (Đức). Hoạt động huấn luyện phi công lái chiến đấu cơ F-16 thì diễn ra ở căn cứ Vệ binh quốc gia thuộc không quân Morris (Mỹ).
Ngoài huấn luyện, trang bị vẫn đang được chuyển đến Ukraine theo nhiều gói viện trợ trước đây.
Tranh luận về việc cấp thêm viện trợ cho Ukraine kéo dài từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay. Tuần trước Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua một dự luật viện trợ nước ngoài 95,3 tỉ USD - trong đó 60 tỉ USD cho Ukraine, nhưng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Mike Johnson đầu tuần qua tuyên bố không định đưa dự luật ra bỏ phiếu.
Tháng 1 vừa qua, giới nghị sĩ thông qua một dự luật tài trợ ngắn hạn giữ cho chính phủ hoạt động đến đầu tháng 3. Không chỉ lục quân, vệ binh quốc gia cũng cần thêm nguồn lực để huấn luyện phi công F-16.
Lầu Năm Góc từng bày tỏ quan ngại: “Tình hình đe dọa đến an ninh quốc gia, ngăn cản nỗ lực hiện đại hóa của bộ vì chúng tôi bị hạn chế ở mức ngân sách hiện tại. Chúng tôi đề nghị Quốc hội Mỹ ngay lập tức thông qua ngân sách cơ bản lẫn yêu cầu cấp bổ sung”.
Theo nguồn tin sĩ quan, cấp ngân sách chậm trễ sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn là chỉ gián đoạn viện trợ và công tác huấn luyện binh sĩ Ukraine.