Theo đài CBC, mục tiêu bổ sung 1 triệu máy bay không người lái (UAV) thông qua tự sản xuất lẫn viện trợ nước ngoài của Ukraine khó đạt được nhưng không phải bất khả thi. Ngoài ra, việc tăng số lượng thiết bị cũng đặt ra nhu cầu tăng nhân sự điều khiển.
UAV đã góp mặt trong không ít cuộc xung đột quân sự nhưng chưa bao giờ được sử dụng nhiều như ở Ukraine. Hai bên đều triển khai vô số loại UAV cho nhiệm vụ trinh sát hoặc tấn công. Phía Kyiv từng dùng máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV) làm nổ tung xe tăng địch và thiết bị tầm xa hơn phá hủy máy bay quân sự trên lãnh thổ Nga.
Khi cuộc chiến bước sang năm thứ ba, Ukraine càng tập trung tăng cường năng lực chiến đấu xoay quanh UAV. Nước này đẩy mạnh sản xuất nội địa cũng như trông cậy vào viện trợ nhằm có thêm 1 triệu thiết bị trong 12 tháng tới.
2 tuần trước, Canada thông báo viện trợ 800 UAV có thể giúp Kyiv thu thập nhiều thông tin và nhận thức tình huống tốt hơn. Một số quốc gia phương Tây khác như Latvia, Đức, Anh, Hà Lan cũng lên kế hoạch chuyển giao 1 triệu thiết bị gồm cả FPV nhỏ. Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Spruds nhấn mạnh Ukraine cần máy bay không người lái để giảm chênh lệch lực lượng lẫn khí tài, đặc biệt trong bối cảnh Kyiv đang thiếu đạn dược.
Khả năng đạt mục tiêu
Phó giáo sư chính trị học Alexander Lanoszka (Đại học Waterloo) đánh giá 1 triệu UAV là mục tiêu tốt, Ukraine có thể sử dụng chúng bù đắp đạn dược. Tuy nhiên, ông nhắc nhở rằng các nước châu Âu cho đến nay vẫn chưa cung cấp đủ số đạn dược như cam kết, không loại trừ khả năng UAV cũng chịu số phận tương tự.
Chuyên gia quân sự Samuel Bendett (tổ chức nghiên cứu CAN) thì lại cho rằng 1 triệu UAV không phải bất khả thi, vì Ukraine đã tự sản xuất được nhiều loại UAV khác nhau. Mỗi tháng Kyiv có thể sử dụng hàng chục nghìn thiết bị cho nhiệm vụ tấn công, ngay cả khi hơn 50% thất bại thì máy bay không người lái vẫn gây ra thiệt hại lớn.
Gần đây Bộ trưởng Chuyển đổi kỹ thuật số Ukraine Mykhailo Fedorov cho biết năm ngoái họ đặt hàng 300.000 UAV, chỉ mới 1/3 được triển khai. Con số này không bao gồm thiết bị mà các tổ chức tư nhân đóng góp.
Cần thêm nhân sự điều khiển
Các tổ chức tư nhân còn giúp đào tạo nhân sự UAV, một trong số đó là Học viện Dronarium. Nhà sáng lập Ruslan Bieliaiev cho biết: “Ngay từ đầu chúng tôi đã nhìn ra đây là một hình thức chiến tranh mới và máy bay không người lái sẽ đóng vai trò quyết định”.
Hàng nghìn người tại học viện được huấn luyện điều khiển vài loại UAV. Họ phục vụ trong tất cả binh chủng thuộc quân đội Ukraine.