Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định rằng Washington sẽ sát cánh bên Ukraine bất chấp làn sóng phản đối của phe Cộng hòa.

Ukraine lo ngại Mỹ sẽ cắt viện trợ, Nhà Trắng trấn an bằng gói vũ khí khiêm tốn

Hoàng Vũ (theo Washington Post) | 21/11/2023, 16:30

Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định rằng Washington sẽ sát cánh bên Ukraine bất chấp làn sóng phản đối của phe Cộng hòa.

Theo Washington Post, việc một số thành viên đảng Cộng hòa tại quốc hội Mỹ cản trở yêu cầu ngân sách 60 tỉ USD viện trợ cho Ukraine, đã làm dấy lên lo ngại rằng các nỗ lực hỗ trợ Kyiv đang ngày càng mong manh.

Quan chức cấp cao bao gồm Yulia Svyrydenko, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng kinh tế Ukraine và Andriy Yermak, người đứng đầu văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đến Washington để kêu gọi thêm viện trợ. Tuy nhiên, quốc hội Mỹ tuần trước đã thông qua dự luật chi tiêu mà không có tiền cho Ukraine.

Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hôm 20.11 đã đến Kyiv trong nỗ lực thay mặt chính quyền Biden đưa ra một số trấn an cho các nhà lãnh đạo Ukraine. Ông Austin đã gặp Tổng thống Zelensky và người đồng cấp Rustem Umerov, cũng như Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Ukraine, tướng Valery Zaluzhny.

bo-truong-quoc-phong-ukraine-rustem-umerov-chao-don-nguoi-dong-cap-my-austin-o-kyiv-hom-20.11-anh-afp.png
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov chào đón người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin ở Kyiv hôm 20.11 - Ảnh: AFP

Tháp tùng ông Austin ở Kyiv có tướng Christopher Cavoli, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Châu Âu của Mỹ và giữ chức Tư lệnh Đồng minh Tối cao của NATO ở Châu Âu. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Cavoli tới thủ đô Ukraine kể từ khi Moscow tấn công Kyiv vào tháng 2 năm ngoái.

“Các thành viên quốc hội của chúng tôi có những câu hỏi xác đáng và chúng tôi sẽ trả lời chúng, tôi sẽ chỉ ra rằng Ukraine quan trọng, những gì xảy ra ở đây đều quan trọng, không chỉ với Ukraine mà với toàn thế giới”, ông Austin nói với báo giới sau khi gặp các quan chức Ukraine.

Chuyến thăm của Austin và Cavoli cũng nhằm báo hiệu rằng sự hỗ trợ của Mỹ sẽ không bị suy giảm trong bối cảnh cuộc chiến của Israel với các chiến binh Hamas ở Dải Gaza đã chuyển sự chú ý của công chúng toàn cầu khỏi Ukraine.

Người đứng đầu Lầu Năm Góc thông báo rằng quân đội sẽ gửi khoảng 100 triệu USD để quyên góp thêm các thiết bị của Mỹ cho Kyiv, bao gồm tên lửa phòng không Stinger, đạn pháo và các thiết bị chống chịu thời tiết lạnh. Quy mô của gói này dường như phản ánh thực tế mới về những hạn chế chặt chẽ của Mỹ trong việc hỗ trợ Ukraine.

Austin cũng cho biết lực lượng Ukraine đã có những gì họ cần để chiến đấu với Nga trong mùa đông - bất chấp những thất bại trong mùa hè và mùa thu.

“Nếu không có sự trợ giúp của Mỹ, chúng tôi không thể ngăn chặn Nga, chúng tôi không thể tồn tại. Chúng tôi đã trả giá cho ý chí độc lập hàng ngày bằng sức khỏe và mạng sống của mình, chúng tôi muốn có sự hỗ trợ tài chính và quân sự. Đó không chỉ là quan điểm của riêng tôi mà là quan điểm của 99% dân số”, Dmytro Lubinets, ủy viên nhân quyền của quốc hội Ukraine nói.

Lầu Năm Góc đã cung cấp vũ khí và các vật tư quân sự khác cho lực lượng Israel sau cuộc tấn công ngày 7.10 của Hamas. Tuần trước, Tổng thống Zelensky đã than thở rằng việc chuyển giao đạn pháo 155mm rất cần thiết cho Ukraine đã chậm lại kể từ khi cuộc chiến Israel-Hamas bắt đầu.

Ông Zelensky cho biết chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã gửi đi một tín hiệu quan trọng vào thời điểm đầy thử thách. Trong khi đó, Bộ trưởng Austin khẳng định Washington sẽ sát cánh cùng Ukraine trong "một chặng đường dài", song không đề cập đến gói ngân sách 60 tỉ USD dành cho Ukraine vốn đang bị đình trệ.

Nếu gói viện trợ trên được quốc hội Mỹ thông qua, khoảng 45 tỉ USD sẽ được chuyển đến quân đội Ukraine và phần còn lại sẽ dành cho hỗ trợ kinh tế và nhân đạo, bao gồm hỗ trợ ngân sách trực tiếp để trả lương cho giáo viên và nhân viên bệnh viện cũng như tài trợ cho các dịch vụ cơ bản khác để duy trì hoạt động của đất nước.

Tổng thống Biden đã đề xuất đưa khoản ngân sách này, cùng với khoảng 14 tỉ USD tài trợ cho Israel, vào một gói chung lớn, song đã bị Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson phản đối. Thay vào đó, ông Johnson đã tìm cách tách biệt các khoản đề xuất hỗ trợ Ukraine và Israel.

Trong một bức thư gần đây gửi các nhà lập pháp Mỹ, một số quan chức hàng đầu của chính quyền Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ ngân sách cho Kyiv, cảnh báo rằng “việc giảm hoặc trì hoãn hỗ trợ ngân sách trực tiếp sẽ làm tổn hại đến các nỗ lực quân sự của Ukraine”.

Mykola Davydiuk, một nhà phân tích chính trị Ukraine cho biết: “Tất cả trách nhiệm về những rắc rối ngân sách… và việc thiếu tiền nhận được từ Mỹ giờ đây hoàn toàn là trách nhiệm của những người đã ăn chặn tiền từ ngân sách quân sự Ukraine”.

Anton Kuchukhidze, đồng sáng lập tổ chức nghiên cứu United Ukraine, nói rằng nhóm nhỏ đảng viên Cộng hòa phản đối viện trợ cho Ukraine “chưa bao giờ thực sự tự mình giải quyết vấn đề Ukraine và không có hiểu biết sâu sắc về các vấn đề của Ukraine, đặc biệt là sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia”.

Châu Âu lo ngại về triển vọng chiến thắng của Kyiv

Một quan chức châu Âu giấu tên cho Washington Post biết: “Tình hình khá tồi tệ”.

“Chỉ vài tháng trước, người ta còn hy vọng rằng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sẽ giúp Ukraine chiếm thế thượng phong trên chiến trường. Nhưng sự bế tắc ở phía trước và những dấu hiệu thiếu sự hỗ trợ khiến nhiều người ở châu Âu lo lắng. Bạn phải có đòn bẩy nghiêm túc để Nga coi trọng bạn. Nếu bây giờ Ukraine bị buộc phải ngồi vào bàn đàm phán, họ sẽ không có đòn bẩy. Có thể thấy, bây giờ, phía Nga có đòn bẩy”, vị quan chức này cho hay.

Một số nhà ngoại giao và quan chức châu Âu lo ngại rằng một cuộc xung đột kéo dài sẽ giúp Nga có thời gian xây dựng lại lực lượng vũ trang và có khả năng tấn công trở lại trong vòng vài năm.

Để hỗ trợ Ukraine trên chiến trường, các quốc gia châu Âu vào mùa xuân cam kết sẽ cung cấp đủ 1 triệu viên đạn cho Kyiv trong vòng một năm. Tuần trước, họ đã thừa nhận sẽ không đạt được mục tiêu đó.

“Con số 1 triệu sẽ không đạt được và chúng ta phải thừa nhận điều đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói tại Brussels.

Chính phủ mới của Slovakia trong tháng này cũng đã từ chối gói viện trợ quân sự được đề xuất cho Kyiv. Động thái này làm dấy lên lo ngại kích động làn sóng hoài nghi Ukraine ở châu Âu.

Dù Ủy ban Châu Âu công khai ca ngợi tiến bộ của Ukraine trong việc đàm phán thành viên chính thức để gia nhập Liên minh Châu Âu (EU), các quan chức và nhà ngoại giao của khối đã bày tỏ sự hoài nghi về sự sẵn sàng của nước này, viện dẫn những lo ngại về tình trạng tham nhũng cũng như tin đồn nội bộ chính quyền của ông Zelensky đang lục đục. 

Bài liên quan
Nga phản ứng về việc người Ấn Độ bị lôi kéo tham gia chiến sự tại Ukraine
Cái chết của Binil Babu, một thợ điện 32 tuổi từ bang Kerala, Ấn Độ, khi phục vụ cho quân đội Nga tại chiến trường Ukraine, đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về việc tuyển dụng người nước ngoài vào lực lượng vũ trang.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ukraine lo ngại Mỹ sẽ cắt viện trợ, Nhà Trắng trấn an bằng gói vũ khí khiêm tốn