Ukraine sẽ buộc phải tuyên bố vỡ nợ nếu Quốc hội Verkhovna Rada bác bỏ các đề xuất tái cơ cấu các khoản nợ công của nước này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Natalie Jaresko cho biết ngày 2.9
Vào ngày 28.8, Kiev và các chủ nợ quốc tế đã đồng ý thông qua việc xóa bỏ 20% (tương đương với 3,6 tỷ USD) số nợ nước ngoài của Ukraine. Chính phủ Ukraine dự kiến sẽ trình lên Quốc hội đề xuất tái cấu trúc nợ vào cuối tuần này.
Hiện nay, tổng số nợ mà Ukraine phải thanh toán cho các chủ nợ là 15,7 tỷ USD thay vì 19,3 tỷ USD trước đó.
Về phía các chủ nợ của Ukraine, họ đồng ý xóa 3,6 tỷ USD và lùi ngày đáo hạn tới 4 năm sau nếu như Kiev đồng ý gia tăng lãi suất từ mức 7,22% tới 7,75%.
Trước khi thỏa thuận này được thông qua, Ukraine vẫn phải thanh toán cho chủ nợ 19,3 tỷ USD trong vòng 9 năm, từ năm 2015-2023 và trả lãi ở mức 7,22% (tương đương với 1,4 tỷ USD/năm).
Theo đó, tổng số lãi mà quốc gia sẽ phải trả là 12,5 tỷ USD. Cả vốn và lãi mà Ukraine phải thanh toán hiện nay là 31,8 tỷ USD.
Sau khi thỏa thuận được thông qua, Ukraine chỉ phải trả số tiền lãi là 1,2 tỷ USD/năm, tổng số nợ là 15,8 tỷ USD và được lùi lại thời gian trả nợ thêm 4 năm nữa. Kết thúc 13 năm, quốc gia này sẽ phải thanh toán 31,5 tỷ USD.
Trên thực tế, 19,3 tỷ USD chỉ là một phần trong số nợ mà Ukraine phải trả hiện nay. Ngoài số nợ này ra, quốc gia này còn 43,5 tỷ USD từ các thị trường nước ngoài, và dĩ nhiên số nợ này vẫn chưa được xóa.
Rõ ràng, hiện tại Kiev vẫn không có tiền để thanh toán các số nợ này dù cuộc khủng hoảng tài chính tại quốc gia này đã giảm đáng kể.
Hiện tại, GDP của Ukraine đang tiếp tục suy giảm. Quý đầu tiên của năm 2015 giảm 17,2 %, quý thứ hai giảm 15%. Trong tháng 5 năm nay, các hoạt động sản xuất tại Ukraine đã giảm 20,7% so với cùng kỳ năm 2014.
Vào tháng 7 năm nay, tỷ lệ lạm phát của Ukraine tăng ở mức 155,3%. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vũ trang giữa lực lượng chính phủ và phiến quân ly khai ở miền đông Ukraine, đồng nội tệ Hryvnia của Ukraine đã bị phá giá nghiêm trọng.
Tuyết Nhung (Theo Sputnik News)