Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, những chuyến bay tăng thêm phải ưu tiên cho người dân về quê ăn Tết.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết, đến thời điểm hiện tại, tổng số slot nội địa trong giai đoạn cao diểm Tết Nguyên đán đã được các hãng hàng không xác nhận (bao gồm cả slot đã xác nhận đầu mùa theo lịch bay và slot tăng chuyến Tết) trung bình 604 slot/ngày, cao nhất là 634 slot/ngày.
Tổng số slot còn lại vào các khung giờ ban ngày trung bình là 31/slot/ngày và 67 slot/ngày vào khung giờ đêm. Theo báo cáo của các hãng hàng không, tỷ lệ đặt giữ chỗ trên các chuyến bay từ Tân Sơn Nhất đi/đến các địa phương cận Tết khá cao, nhiều chuyến bay đã hết chỗ.
Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam kiến nghị điều chỉnh tham số điều phối đường cất hạ cánh trong khung tất cả giờ ban ngày (thêm 8 khung giờ so với hiện tại), đồng thời điều chỉnh lên 46 chuyến/giờ trong giai đoạn cận Tết (từ 11.1.2023 đến 29.1.2023).
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng cho biết, đối với kiến nghị tăng slot, một số ngày sát Tết, một số đường bay sát Tết, vé đang rất khó khăn, đặc biệt là các đường bay Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Đồng Hới.
“Tôi đồng ý tăng 8 khung giờ lên 44 chuyến. Tuy nhiên những chuyến bay tăng thêm phải ưu tiên cho người dân về quê ăn Tết”, ông Thắng nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, 8 khung giờ còn lại tại Tân Sơn Nhất, mỗi khung tăng 2 chuyến tập trung vào những đường bay phục vụ người dân thu nhập thấp về quê ăn Tết là Hải Phòng, Vinh, Thanh Hóa, Đồng Hới. Hãng hàng không nào sẵn sàng phục vụ, làm tốt, đủ năng lực thì mới phân bổ chuyến.
“Hiện tại Vietjet có 2 chuyến miễn phí đưa người dân về quê ăn Tết, tôi đồng ý bay vào khung giờ này”, ông Thắng nói
Ông chỉ đạo Phòng Vận tải hàng không (Cục Hàng không Việt Nam) tiếp tục theo dõi, nắm kỹ tình hình chuyến bay nào đường bay nào phục vụ người dân về quê ăn Tết để phân bổ slot cho phù hợp.
Về giải pháp giảm chuyến bay chậm, hủy, ông Thắng chỉ rõ phải tăng cường các giải pháp, đầu tiên phải quản lý khai thác cho tốt.
“Tất các các đơn vị phải bố trí nhân lực trực tại Trung tâm điều phối khai thác (AOCC). Hãng nào không trực, không phối hợp thì không cấp slot cho bay. Công khai minh bạch, ai làm tốt mới cho bay ở sân bay cao điểm như Tân Sơn Nhất”, ông Thắng chỉ đạo.
Với phi công, ông Thắng yêu cầu thống kê tàu bay và số chuyến bay đi/đến Tân Sơn Nhất mà “đủng đỉnh” không chấp hành đúng quy trình, thoát ly hoặc cất cánh chậm hơn quy định.
Vào giai đoạn trước Tết Nguyên đán, các hãng hàng không Việt Nam khai thác trung bình khoảng 106 chuyến bay/ngày vào khung giờ ban đêm. Tết Nguyên đán năm nay, số lượng chuyến bay vào khung giờ này tăng lên 204 chuyến bay/ngày (gần 2 lần) vào giai đoạn cao điểm.
Cục Hàng không Việt Nam cho hay, đáp ứng nhu cầu đi lại dịp Tết Nguyên đán 2023, trên cơ sở năng lực hạ tầng của Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cục Hàng không đã yêu cầu các hãng hàng không Việt Nam bố trí nguồn lực, tăng cường khai thác các chuyến bay vào ban đêm nhằm giảm ùn tắc tại các cảng hàng không vào các khung giờ ban ngày (đặc biệt là tăng cường việc khai thác các khung giờ muộn, khung giờ đêm từ Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đến các cảng hàng không địa phương).
Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam đã xây dựng kế hoạch khai thác vào các khung giờ tối muộn và đêm (từ 20 giờ đến 4 giờ sáng) đến 12 cảng hàng không địa phương.
Cục Hàng không cũng đã yêu cầu Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam chỉ đạo các cảng hàng không địa phương bố trí nguồn lực, trang thiết bị, đảm bảo phục vụ nhu cầu khai thác ban đêm theo đề nghị của các hãng hàng không.
Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài có thêm 90 chuyến bay đêm, Vinh 35 chuyến, Thọ Xuân 34 chuyến, Chu Lai 5 chuyến, Đồng Hới 9 chuyến, Cát Bi 22 chuyến, Liên Khương 6 chuyến, Phù Cát 6 chuyến, Pleiku 2 chuyến, Đà Nẵng 34 chuyến, Huế 29 chuyến, Buôn Ma thuột 3 chuyến.