VCCI cho rằng cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi chính sách để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành.

Ưu tiên cải thiện năng lực thực thi chính sách để DN tiếp cận các gói hỗ trợ

Lam Thanh | 18/03/2021, 14:24

VCCI cho rằng cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi chính sách để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành.

Nhiều ngành bị tác động đặc biệt lớn vì COVID-19

Tại buổi đối thoại tháo gỡ khó khăn về chính sách để doanh nghiệp vượt qua COVID-19 ngày 18.3, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho hay COVID-19 không chỉ làm ảnh hưởng tới đời sống xã hội mà còn làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, gia tăng rủi ro tài chính đưa kinh tế thế giới vào vòng suy giảm.

Cùng với đó, làn sóng phá sản doanh nghiệp đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, với ước tính tỷ lệ doanh nghiệp có thể mất khả năng thanh toán sẽ tăng tới 35% trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021. Trung bình cứ 3 doanh nghiệp trên thế giới thì có 1 doanh nghiệp đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Theo ông Phòng, COVID-19 cũng khiến cho mức tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở mức thấp nhất, chưa bằng một nửa so với những năm trước đây và cũng là năm mà số lượng doanh nghiệp rút khỏi thị trường đạt mức kỷ lục, vượt ngưỡng 100 ngàn doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ông Phòng cũng cho rằng năm 2020 cũng là năm ghi dấu sự kiên cường của cộng đồng doanh nghiệp để vượt lên hoàn cảnh khó khăn.

“Doanh nghiệp cũng đã thức tỉnh nhiều điều qua đại dịch. Doanh nghiệp phải suy ngẫm lại chiến lược, phải tái cấu trúc, đào tạo lại nguồn lao động, chú trọng nhiều hơn đến thị trường nội địa, xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ và chuỗi cũng ứng Việt, đồng thời với việc đa dạng hoá thị trường tiêu thụ và nguồn cung ứng…”, ông Phòng nói.

Trình bày báo cáo tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khảo sát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, VCCI cho biết, qua khảo sát 10.197 doanh nghiệp, trong đó có 8.633 doanh nghiệp tư nhân và 1.564 doanh nghiệp thuộc khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (doanh nghiệp FDI) trong năm 2020, kết quả cho thấy:

Có tới 87,2% doanh nghiệp cho biết chịu ảnh hưởng ở mức “phần lớn” hoặc “hoàn toàn tiêu cực” do dịch COVID-19, trong đó có 72,6% doanh nghiệp cho cho biết ảnh hưởng của dịch COVID-19 “phần lớn là tiêu cực” và 14,6% lựa chọn mức “hoàn toàn tiêu cực”, chỉ 11% doanh nghiệp cho biết không bị ảnh hưởng và gần 2% doanh nghiệp cho biết ảnh hưởng của dịch với doanh nghiệp họ ở mức “phần lớn tích cực” (1,3%) hoặc “hoàn toàn tích cực (0,5%).

Tác động của dịch COVID-19 đặc biệt lớn với doanh nghiệp tư nhân trong các ngành may mặc (97%), thông tin truyền thông (96%), sản xuất thiết bị điện (94%). Doanh nghiệp FDI trong một số ngành có tỷ lệ chịu ảnh hưởng tiêu cực cao bao gồm bất động sản (100%), thông tin truyền thông (97%), nông nghiệp/thuỷ sản (95%).

Về mặt địa lý, hoạt động sản xuất kinh doanh bị ngừng trệ, suy giảm nhiều hơn với doanh nghiệp tư nhân ở các khu vực duyên hải miền Trung (91% doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực) và các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại khu vực Tây Nguyên (94% doanh nghiệp). Những tỉnh, thành phố có tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân chịu ảnh hưởng tiêu cực cao nhất là Đà Nẵng (98%), Kon Tum và Khánh Hoà (95%).

Các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp tư nhân trong đại dịch xếp theo tỷ lệ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lần lượt là tiếp cận khách hàng (50%), dòng tiền (46%), lao động (38%), và chuỗi cung ứng (33%). Dịch bệnh đã gây nên những xáo trộn nhiều nhất đối với doanh nghiệp FDI là về tiếp cận khách hàng (63%), dòng tiền (42%), chuỗi cung ứng (41%) và lao động (34%).

“Mặc dù điều tra này kết thúc vào tháng 12.2020, nhưng kết quả thu được vẫn khá sát với con số 85,7% doanh nghiệp đang phải chịu tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19 mà Tổng cục Thống kê đã công bố ngày 27.4.2020. Điều này cho thấy tác động của dịch bệnh vẫn đang dai dẳng đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Nghiên cứu cũng tìm hiểu sâu hơn về các tác động đến lực lượng lao động. Để cầm cự trước dịch bệnh, 35% doanh nghiệp tư nhân và 22% doanh nghiệp FDI đã phải cho người lao động nghỉ việc.

chinh-sach.jpg

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ, siêu nhỏ là nhóm có tỷ lệ phải thực hiện biện pháp này cao nhất, lần lượt ở mức 36% và 35%. Trong khu vực FDI, 26% doanh nghiệp quy mô vừa và 32% doanh nghiệp quy mô lớn phải cho một lượng lao động nhất định nghỉ việc.

Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân cắt giảm nhân sự cao nhất đối với các ngành thông tin truyền thông, sản xuất xe có động cơ và sản xuất chế biến đồ da. Đối với các doanh nghiệp FDI, đó là các lĩnh vực thông tin truyền thông, sản xuất chế biến đồ da và sản xuất, chế biến gỗ.

Ưu tiên cải thiện năng lực thực thi chính sách

Đại diện VCCI cho rằng, cần ưu tiên cải thiện năng lực thực thi chính sách để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đẩy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.

Đặc biệt, theo ông Tuấn, cần nghiên cứu áp dụng thêm một số biện pháp mà các quốc gia khác hiện đang áp dụng như hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp duy trì được tỷ lệ người lao động cao; hỗ trợ chi phí đào tạo tay nghề, nâng cao trình độ cho người lao động.

Cùng đó, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao.

Đề cập đến các gói hỗ trợ, ông Hoàng Quang Phòng cho biết, để khắc phục hậu quả từ đại dịch, nhiều chính sách hỗ trợ đã được ban hành, với các gói hỗ trợ lớn bao gồm: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỉ đồng, chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội 62 nghìn tỉ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỉ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỉ đồng.

Chính phủ cũng đẩy mạnh các chương trình giải ngân vốn đầu tư công, tạo cú hích cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội thông qua nghị quyết cắt giảm 30% thuế TNDN cho các doanh nghiệp chủ yếu thuộc quy mô vừa và nhỏ, có doanh số dưới 200 tỉ đồng/năm để thực hiện giảm trong năm 2020.

“Có thể nói, việc ban hành các chính sách chưa từng có trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng kinh doanh”, ông Phòng nhấn mạnh.

Bài liên quan
CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông
Ngày 25.4.2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ưu tiên cải thiện năng lực thực thi chính sách để DN tiếp cận các gói hỗ trợ