Hôm 18.6, Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo rằng Delta, biến thể của coronavirus mới lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ, gây ra mối đe dọa ngày càng tăng với những người Mỹ chưa được tiêm chủng.
"Nó là một biến thể dễ lây truyền hơn, có khả năng gây tử vong cao hơn và đặc biệt nguy hiểm với những người trẻ tuổi", ông Biden cho biết tại cuộc họp báo của Nhà Trắng.
Nhận xét của ông Biden được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, nói rằng Delta có thể sẽ trở thành chủng thống trị ở Mỹ trong những tháng tới. Một số chuyên gia thậm chí đã gợi ý rằng điều đó thậm chí có thể xảy ra trong vòng vài tuần.
Delta hiện chỉ chiếm 10% các ca mắc COVID-19 của Mỹ cho đến nay, nhưng đã chiếm khoảng 90% các ca bệnh ở Vương quốc Anh, theo nghiên cứu từ Đại học Hoàng gia London vẫn đang chờ xem xét từ các đồng nghiệp.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng các ca mắc COVID-19 ở Anh đang tăng gấp đôi cứ sau 11 ngày, rất có thể là hậu quả do biến thể Delta lây lan nhanh.
Nghiên cứu từ Public Health England (Tổ chức Y tế Cộng đồng Anh) cho thấy Delta có liên quan đến việc tăng 60% nguy cơ lây truyền vi rút trong gia đình so với Alpha - biến thể được phát hiện ở Anh. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Anh, Alpha đã có khả năng lây truyền cao hơn khoảng 50% so với chủng coronavirus mới ban đầu.
Những người trẻ tuổi có thể đặc biệt dễ bị nhiễm Delta vì hai lý do: Họ có nhiều hoạt động xã hội hơn và ít có khả năng được tiêm chủng hơn người lớn tuổi.
Tại Mỹ, ít người lớn dưới 50 tuổi đã tiêm chủng so với người lớn từ 50 tuổi trở lên. Các nhà nghiên cứu của Đại học Hoàng gia London cũng phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc COVID-19 ở Anh ở những người từ 5 đến 49 tuổi cao hơn gấp 2,5 lần so với những người từ 50 tuổi trở lên. Theo nghiên cứu, hầu hết những người trẻ tuổi gần đây mắc COVID-19 ở Anh đều chưa được tiêm vắc xin.
Các chuyên gia ngày càng lo lắng rằng những người trẻ tuổi sẽ ít được bảo vệ chống lại căn bệnh COVID-19 nghiêm trọng do biến thể Delta. Các nhà nghiên cứu ở Scotland phát hiện ra rằng nhiễm Delta làm tăng gấp đôi nguy cơ nhập viện so với Alpha.
Nghiên cứu mới cũng cho thấy rằng một liều vắc xin đơn lẻ không có tác dụng chống lại Delta so với các chủng coronavirus mới khác. Theo các phân tích gần đây của Tổ chức Y tế Cộng đồng Anh, hai liều vắc xin Pfizer có hiệu quả 88% trong việc ngăn ngừa COVID-19 có triệu chứng với các ca nhiễm biến thể Delta, còn một mũi tiêm duy nhất chỉ có hiệu quả 33% theo cùng tiêu chuẩn.
"Làm ơn, nếu bạn có một mũi, hãy tiêm mũi thứ hai càng sớm càng tốt", ông Biden nói hôm 18.6.
Đến nay, chưa đến 45% người Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, trong khi 53% đã được tiêm ít nhất một liều. Tỷ lệ tiêm chủng của Mỹ cũng đã giảm đáng kể trong hai tháng qua, từ mức trung bình hàng tuần là gần 3,4 triệu liều mỗi ngày vào giữa tháng 4 xuống dưới 780.000 liều mỗi ngày hôm 17.6.
Tỷ lệ tiêm chủng càng tiếp tục giảm, biến thể Delta càng có nhiều cơ hội lây lan, do đó tiếp tục nhân rộng và đột biến.
Vivek Cherian, bác sĩ nội khoa ở Baltimore - thành phố lớn nhất bang Maryland (Mỹ), nói: “Tình huống xấu nhất là nếu Delta đột biến thành một thứ hoàn toàn khác, vật hoàn toàn khác, và vắc xin hiện tại của chúng tôi thậm chí còn kém hiệu quả hoặc không hiệu quả”.
Tuy nhiên, Tổng thống Biden cho biết Mỹ có khả năng sẽ không quay trở lại tình trạng phong tỏa vì rất nhiều người đã được tiêm phòng COVID-19.