WHO cho biết các loại vắc xin COVID-19 hiện nay có thể bị giảm hiệu quả chống lại nguy cơ xuất hiện triệu chứng nhẹ mà Delta gây ra.

Vắc xin COVID-19 hiện nay có chống được biến thể Delta?

P.V (Tổng hợp) | 12/08/2021, 14:22

WHO cho biết các loại vắc xin COVID-19 hiện nay có thể bị giảm hiệu quả chống lại nguy cơ xuất hiện triệu chứng nhẹ mà Delta gây ra.

Trong phiên điều trần tại Ủy ban của Hạ viện Anh hôm 10.8, giáo sư Sir Andrew Pollard - một trong các chuyên gia tham gia sáng chế vắc xin AstraZeneca và là người đứng đầu Oxford Vaccine Group, Chủ tịch Ủy ban Hỗn hợp về Tiêm chủng (JCVI) của Anh cho biết vì biến thể Delta - lần đầu tiên được xác định ở Ấn Độ - nên giờ đây vắc xin phòng COVID-19 không thể ngăn chặn hoàn toàn được virus.

Kể từ khi dịch bùng phát trên toàn cầu, virus SARS-CoV-2 liên tục sản sinh và đã có hàng trăm biến chủng, trong đó nguy hiểm nhất là biến thể Delta, xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ. Biến thể này có tốc độ lây lan nhanh, mạnh vì thế, làm gia tăng các ca mắc gây nên sự quá tải cho hệ thống y tế, đe dọa thành quả chống dịch COVID-19 của nhiều nước trên thế giới.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá biến thể Delta là một biến chủng mới đáng quan ngại bởi tốc độ lây lan nhanh chóng và nguy hiểm. Cũng theo WHO, hiện nay, có hơn 130 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm chủng COVID-19 mới này.

reutes1.jpg
Biến thể Delta đang tàn phá thế giới

Theo Shane Crotty, nhà virus học tại Viện nghiên cứu Miễn dịch La Jolla ở San Diego, "quyền năng" của biến thể Delta chính là khả năng lây nhiễm. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc phát hiện ra rằng, những người nhiễm biến thể Delta có thể mang tải lượng virus ở mũi nhiều gấp 1.260 lần so với chủng virus ban đầu. Một số nghiên cứu của Mỹ cũng cho thấy "tải lượng virus" ở những người đã tiêm vắc xin nhiễm biến thể Delta tương đương với những người chưa tiêm vắc xin mặc dù vấn đề này vẫn cần nghiên cứu thêm.

Tại Việt Nam, biến thể Delta được các chuyên gia nhận định xuất hiện trong đợt dịch thứ tư, từ Bắc Ninh, Bắc Giang rồi lan ra TP.HCM và nhiều tỉnh thành.

Trả lời trên VOV, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế) cho biết, chu kỳ lây nhiễm do biến thể virus Delta chỉ khoảng 2 – 3 ngày. Nó khiến nguy cơ nhập viện của bệnh nhân cao gấp đôi so với các biến thể khác và điều này khiến các ca F0, F1 gia tăng ở các khu vực phía Nam.

PGS.TS Trần Đắc Phu lý giải tốc độ lây lan của biến thể Delta diễn ra nhanh chóng là do nồng độ virus trong hầu họng rất nhiều, khả năng bám dính của virus vào tế bào cơ thể rất nhạy nên chỉ cần tiếp xúc ở cự ly dưới 2m trong thời gian rất ngắn đã có thể nhiễm bệnh. Đặc biệt, trong môi trường kín, điều hòa, virus lơ lửng trong không khí và dễ phát tán, làm tăng khả năng lây lan.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam nhận định với tốc độ lây lan rộng của biến thể Delta, lượng bệnh nhân tăng lên nhanh chóng sẽ dẫn đến sự quá tải trong y tế và khiến cho việc phòng chống bị động.

Như vậy, liệu các loại vắc xin có thể chống lại biến thể Delta hay không?

Hiện nay, Delta vẫn là biến thể đáng lo ngại nhất và đang "thống trị" trên toàn thế giới. 

Các nhà khoa học khẳng định, vắc xin hiện là phương pháp hiệu quả nhất giúp bảo vệ con người khỏi sự tấn công của virus. Tuy nhiên, biến thể Delta có thể tác động ít nhiều đến hiệu quả của vắc xin. Mặc dù vậy, người được tiêm vắc xin rồi "giữ được sự bảo vệ đáng kể" với biến chủng nguy hiểm này, tránh được tình trạng tử vong hoặc giảm nhẹ bệnh.

Theo các nghiên cứu, mỗi người cần tiêm đủ liều vắc xin mới có thể chống đỡ trước biến chủng mới, vì các kháng thể trung hòa không hoạt động hiệu quả sau liều đầu tiên và cơ thể cần một lượng kháng thể cao hơn với virus “phiên bản mới”. Thêm vào đó, 2 liều vắc xin COVID-19 sẽ kích hoạt các kháng thể trung hòa lên mức cao hơn, từ đó tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn.

Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, hiện nay, có ít nhất 17 loại vắc xin đã được triển khai, 7 trong số đó đã được WHO phê duyệt vào Danh sách sử dụng khẩn cấp. Ông nhấn mạnh rằng “Vắc xin bảo vệ bạn và những những người xung quanh”.

Chính vì vậy, tại Việt Nam cũng như các quốc gia khác, các chuyên gia y tế cho rằng, vấn đề tiêm chủng phòng COVID-19 cần phải được triển khai nhanh chóng và rộng khắp. Tuy nhiên, dù được tiêm chủng rồi, người được tiêm cũng không nên lơ là với những biện pháp tự bảo vệ mình.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Bàn giải pháp cấp nước sạch ở ĐBSCL bằng nhà máy di động trong container
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Hiện đã có doanh nghiệp làm được nhà máy nước di động, đầu vào sử dụng nước ngọt và cả nước nhiễm mặn để xử lý thành nước sạch với công suất tới 3.000m3/ngày.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vắc xin COVID-19 hiện nay có chống được biến thể Delta?