Vắc xin ngừa COVID-19 do Anh và Mỹ phát triển đều cho kết quả thử nghiệm trên người khả quan. Vắc xin của Trung Quốc cũng có bước tiến mới.

Vắc xin ngừa COVID-19 do Anh và Mỹ phát triển: Kết quả khả quan

21/06/2020, 06:21

Vắc xin ngừa COVID-19 do Anh và Mỹ phát triển đều cho kết quả thử nghiệm trên người khả quan. Vắc xin của Trung Quốc cũng có bước tiến mới.

Công tác thử nghiệm vắc xin COVID-19 của đại học Oxford gặp khó vì dịch bệnh không còn lây lan mạnh trong cộng đồng nước Anh - Ảnh: Sky News

Bộ trưởng Kinh doanh Anh Alok Sharma tuần qua thông báo thử nghiệm lâm sàng tại đại học Oxford đang tiến triển tốt, nếu thành công thì vắc xin có thể sẵn sàng vào cuối mùa hè. Chính phủ nước này quyết định chi thêm 84 triệu bảng để đẩy nhanh công tác phát triển và sản xuất vắc xin mà đại học Oxford cùng đại học Hoàng gia Luân Đôn đang tiến hành.

Nỗ lực của đại học Oxford còn nhận tài trợ từ hãng dược phẩm AstraZeneca. Công ty ký hợp đồng sản xuất 400 triệu liều vắc xin (nếu thành công) với chính phủ Mỹ nhưng cũng đồng thời đạt thỏa thuận cung cấp số lượng vắc xin tương tự với chính phủ các nước châu Âu. Trong khi đó chính phủ Anh tuyên bố chấp nhận chi tiền cho 100 triệu liều, 30 triệu liều có thể đến tay người dân đảo quốc sương mù ngay tháng 9 tới.

Đội ngũ nghiên cứu đại học Oxford bắt đầu thử nghiệm từ ngày 23.4 với 510 tình nguyện viên ở Oxford và Southampton độ tuổi 18 - 55 tham gia, sắp tới sẽ mở rộng ra 3 địa điểm khác. Khoảng giữa tháng 6 nhiều khả năng sẽ xuất hiện “dấu hiệu” cho thấy liệu vắc xin hiệu quả hay không. Có thông tin thử nghiệm chuẩn bị mở rộng ra bệnh viện, trong bối cảnh COVID-19 không còn lây lan mạnh trong cộng đồng nước Anh.

Đại học Hoàng gia Luân Đôn cũng chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng vắc xin họ phát triển trên 300 tình nguyện viên độ tuổi 18 - 70 tuổi (mỗi người 2 liều) vào tháng 6. Đội ngũ nghiên cứu hy vọng thử nghiệm sẽ thành công để bước sang giai đoạn hai với 6.000 tình nguyện viên trong tháng 10. Vắc xin của đại học Hoàng gia Luân Đôn dùng công nghệ tái tổ hợp vector vi rút thay vì vi rút bất hoạt.

Còn tại Mỹ, vắc xin của công ty Modena khá hứa hẹn khi đã tạo được kháng thể bảo vệ trên 8 tình nguyện viên. Thử nghiệm quy mô lớn hơn sẽ bắt đầu vào hè.

Giai đoạn thử nghiệm thứ hai dự kiến có 600 tình nguyện viên, giai đoạn ba cần đến hàng nghìn người. Ngay cả khi các đợt thử nghiệm sắp tới thành công thì Modena cũng chưa thể cung cấp vắc xin trước nửa đầu năm 2021.

Vắc xin của công ty Modena khá hứa hẹn - Ảnh: The Boston Globe

Ở Trung Quốc, công ty công nghệ sinh học Sinovac (Bắc Kinh) hôm 13.6 thông báo hoàn thành hai giai đoạn thử nghiệm trên người với kết quả vắc xin của họ tạo ra kháng thể cho 90% số tình nguyện viên, không gây tác dụng phụ nghiêm trọng.

Sinovac báo cáo kết quả lên cơ quan chức năng Trung Quốc nhằm xin phép thử nghiệm ở nước ngoài (Brazil).

Vài ngày sau đến lượt Tập đoàn Kỹ thuật sinh học Trung Quốc (CNBG) tuyên bố vắc xin do đơn vị trực thuộc là Viện Sản phẩm sinh học Vũ Hán phát triển thành công ở hai giai đoạn thử nghiệm trên người. Tập đoàn chuẩn bị chuyển sang giai đoạn thử nghiệm thứ ba ở nước ngoài.

Cẩm Bình (theo The Telegraph, SCMP)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 2: Các lĩnh vực đều tăng tốc, bứt phá
Sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 và quý 1/2024 tiếp tục là một trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản phát triển khá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vắc xin ngừa COVID-19 do Anh và Mỹ phát triển: Kết quả khả quan