“Thật bất công, tôi cảm thấy buồn. Tôi chẳng có lựa chọn nào, tôi sẽ tiêm lô vắc xin COVID-19 đầu tiên được cấp phép”, bác sĩ Djarma chia sẻ.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hiện có gần một chục quốc gia - phần lớn ở châu Phi - đang chờ vắc xin. Xếp cuối danh sách là Chad, Burkina Faso, Burundi, Eritrea, Tanzania.
“Tình trạng chậm trễ và thiếu hụt nguồn cung khiến các quốc gia châu Phi tụt lại phía sau. Lục địa đen chỉ chiếm 1% lượng vắc xin cung cấp toàn cầu”, WHO tuần trước cảnh báo.
Điều phối viên chương trình COVAX Gian Gandhi cũng khuyến cáo nơi không có vắc xin là nơi đem đến nguy cơ xuất hiện biến thể vi rút mới. Ông kêu gọi quốc gia giàu có nhượng lại vắc xin cho quốc gia đang đợi.
Con số ca nhiễm COVID-19 thấp tại các nước chưa có vắc xin không đáng tin cậy lắm. Hệ thống y tế còn nhiều yếu kém của họ thiếu nguồn lực hỗ trợ cho công tác truy vết.
Từ lúc đại dịch bùng phát cho đến nay Chad chỉ ghi nhận hơn 4.800 ca nhiễm cùng 171 ca tử vong, nhưng tình hình còn rất khó nắm bắt. Nguy cơ dịch bệnh xâm nhập qua đường biên giới trên bộ như ca nhiễm đầu tiên là người vượt biên phi pháp vẫn hiển hiện, hoạt động bay quốc tế đã nối lại có thể làm tăng số ca nhiễm.
Bệnh viện Farcha ở N'Djamena là cơ sơ mới. Tổ chức Bác sĩ không biên giới (Doctors Without Borders) hỗ trợ cung cấp oxy cho bệnh nhân COVID-19, bệnh viện có 13 máy thở, đội ngũ nhân viên y tế nhận được đầy đủ khẩu trang KN95 cùng nước rửa tay Trung Quốc sản xuất. Họ chỉ thiếu vắc xin, không ai biết lúc nào mới được tiêm cả.
Bác sĩ Djarma cho biết ở thời gian đầu đại dịch thì việc này chấp nhận được vì toàn thế giới đều không có vắc xin. Nhưng tình hình thay đổi nhanh chóng: phương Tây triển khai chủng ngừa rộng rãi một cách mạnh mẽ, Trung Quốc và Nga nỗ lực đưa vắc xin tự sản xuất tiếp cận hàng loạt quốc gia châu Phi.
“Tôi thực sự buồn khi nghe tin nước khác đã tiêm xong cho toàn bộ nhân viên y tế cùng người lớn tuổi, chuyển sang tiêm cho đối tượng dân số khác. Liệu họ có thể cung cấp vắc xin cho chúng tôi - ít nhất để bảo vệ nhân viên y tế - hay không? Dù giàu hay nghèo thì ai cũng chết vì COVID-19. Mọi người phải có cơ hội chủng ngừa ngang nhau đặc biệt là người nguy cơ mắc bệnh cao”, theo bác sĩ Djarma.
COVAX cung cấp vắc xin của AstraZeneca cho nhiều quốc gia nghèo khó, tuy nhiên vài nước - có cả Chad - lo ngại loại vắc xin này không đem lại khả năng bảo vệ tốt trước biến thể vi rút phát hiện ở Nam Phi. Chad dự kiến nhận một lô vắc xin của Pfizer vào tháng tới nếu họ chuẩn bị được thiết bị bảo quản lạnh cần thiết.
Một số nước mất nhiều thời gian hơn để đáp ứng những yêu cầu liên quan như ký cam kết miễn bồi thường cho nhà sản xuất hay xây dựng kế hoạch phân phối. Chậm trễ nghĩa là phải chờ đợi lâu hơn nữa, và tình hình càng tồi tệ khi Ấn Độ - nước sản xuất vắc xin hàng đầu thế giới - chìm trong khủng hoảng dịch bệnh.
Quốc gia 11 triệu dân Haiti sẽ nhận 756.000 liều vắc xin của AstraZeneca, nhưng chính phủ nước này cho biết họ không có cơ sở hạ tầng cần thiết để bảo quản đồng thời lo ngại về tác dụng phụ sau tiêm.
Vài đảo quốc nhỏ ở Thái Bình Dương cũng chưa có vắc xin, nhưng tình hình tại đây còn nằm trong tầm kiểm soát với số ca nhiễm thấp. Quốc gia 300.000 dân Vanuatu mới ghi nhận 3 ca nhiễm – tất cả đều đang cách ly.
Bệnh viện Farcha ở N'Djamena (Chad) đã ghi nhận 9 trường hợp nhân viên y tế mắc bệnh. Mất gần 14 ngày mới chữa khỏi 1 ca, họ hy vọng vắc xin sớm được phân phối để công tác chống dịch trở nên dễ dàng hơn.