EU hôm thứ hai đã lên án Serbia do Belgrade tổ chức các cuộc tham vấn chính sách đối ngoại thường xuyên với Nga.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Serbia Nikola Selakovic hôm thứ sáu đã ký một văn bản được gọi là "kế hoạch tham vấn".
Brussels nói rằng động thái này đặt ra "câu hỏi nghiêm trọng" vào thời điểm châu Âu đã yêu cầu các ứng cử viên xin gia nhập khối không tiếp tục qua lại như bình thường với Moscow.
Để trấn an châu Âu, ông Selakovic nói rằng kế hoạch này dự kiến tham vấn về các hoạt động song phương và đa phương, mặc dù không có vấn đề gì về chính sách an ninh trong đó.
Serbia, quốc gia bị NATO ném bom với lý do “bảo vệ dân chủ” hai thập niên trước nhưng bấy lâu nay vẫn đang tìm cách gia nhập Liên minh châu Âu. Serbia cũng phải vật lộn để cân bằng mối quan hệ chặt chẽ trong lịch sử với Nga và nguyện vọng hội nhập kinh tế và chính trị với phương Tây.
Phát biểu với các phóng viên tại Brussels hôm thứ hai, Peter Stano, người phát ngôn của ủy ban điều hành EU, lưu ý rằng văn bản tham vấn Nga-Serbia mới đã được ký kết chỉ vài ngày sau khi Moscow tuyên bố huy động một phần quân đội cho cuộc chiến Ukraine và bắt đầu bỏ phiếu để sáp nhập lãnh thổ Ukraine hiện do Nga kiểm soát.
Theo ông Stano, thỏa thuận Serbia-Nga là "một dấu hiệu rất rõ ràng về ý định tăng cường quan hệ của họ", đồng thời “điều này đang đặt ra những câu hỏi nghiêm túc".
Ông Stano khẳng định EU đã rất rõ ràng với các quốc gia đang tìm cách tham gia khối rằng quan hệ với Nga trong hoàn cảnh hiện tại không thể là hoạt động như bình thường. Với việc Serbia đã tuyên bố xin gia nhập EU là một ưu tiên chiến lược, thì ông Stano cho rằng Belgrade phải thỏa mãn "sự phù hợp với các chính sách của châu Âu, bao gồm cả các vấn đề chính sách đối ngoại". Ông Stano nói: “Chúng tôi đang rất coi trọng vấn đề này và chúng tôi đang theo dõi nó”.
Mặc dù vừa qua tại LHQ, Serbia đã lên án hành động của Nga tại Ukraine cũng như việc NATO ném bom Belgrade để “đánh cắp” Kosovo khỏi Serbia, nhưng nước này đã từ chối tham gia các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moscow.
Thực ra không chỉ quan hệ với Nga mà vấn đề Kosovo cũng là chướng ngại cho Serbia nếu muốn gia nhập EU. Chỉ khi nào Serbia chịu công nhận Kosovo độc lập thì EU mới chịu kết nạp họ nhưng không đời nào Serbia lại từ bỏ lãnh thổ của mình. Do vậy, sau nhiều năm chờ đợi và không tiến triển gì thì Serbia cảm thấy không nên mạo hiểm mà quay lưng với người anh em Slave Chính thống giáo để ngả hoàn toàn về phương Tây.