Trước khi cho vay tiền qua ứng dụng trực tuyến, người vay bắt buộc phải khai thông tin cá nhân, cho app truy cập, đồng bộ danh bạ điện thoại. Khi người vay không trả, các đối tượng này đòi nợ trực tiếp những người có trong danh bạ, nhiều người không quen cũng bị khủng bố dưới nhiều cấp độ.
Thông tin này được đại diện Công an TP.HCM cho biết tại buổi họp báo thông tin tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm do UBND TP.HCM tổ chức tối 4.6.
Cho vay tín dụng đen ngày càng tinh vi
Tại buổi họp báo, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TP.HCM Nguyễn Thế Lâm cho biết tình hình hoạt động tín dụng đen những năm qua rất nóng. Công an TP.HCM triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, điều tra xử lý. Nhiều loại hình cho vay, đòi nợ theo kiểu truyền thống như tạt sơn có giảm, nhưng gần đây các đối tượng chuyển sang hướng viết các phần mềm, ứng dụng được cài đặt trên điện thoại thông minh, người vay có thể kết nối, thủ tục vay rất đơn giản.
Người vay chỉ cần cầm điện thoại lên, cài đặt app vào là có hướng dẫn về cách khai thông tin, vay tiền; kiểm tra, xác minh lại thông tin là cho vay. Thông thường cho vay một lần không nhiều, khoảng dưới 2 triệu nhưng lãi suất cao từ 1% - 5%/ngày. Trước khi cho vay, người vay bắt buộc phải khai thông tin cá nhân, cho app truy cập, đồng bộ danh bạ điện thoại. Khi người vay không trả, các đối tượng này đòi nợ trực tiếp những người có trong danh bạ, nhiều người không quen cũng bị khủng bố dưới nhiều cấp độ.
Thời gian qua, Công an TP.HCM điều tra, xác minh và xử lý 5 vụ tín dụng đen qua app, trong đó đã chuyển cho viện kiểm sát truy tố 1 vụ và tiếp tục xác minh 4 vụ khác. Đối với vụ việc đang truy tố, đối tượng cho vay là người Trung Quốc, công an đã bắt 12 người Trung Quốc, người còn lại đang bị truy nã. Qua thống kê, các đối tượng cho khoảng 60.000 người vay với tổng số tiền khoảng 15 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 40 tỉ đồng.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tín dụng đen qua app, ông Nguyễn Thế Lâm cho rằng các đối tượng luôn biến hóa, tìm kẽ hở pháp luật để tạo ra phiên bản mới, cách thức thủ đoạn mới để phạm tội. Còn về nạn nhân của các đối tượng này, trên thực tế có một số ít người vay vì nhu cầu chính đáng, trong khi nhiều người vay để phục vụ mục đích không chính đáng nên khi bị khủng bố mới hốt hoảng.
Vì vậy, bên cạnh nỗ lực của các lực lượng chức năng, Công an TP.HCM khuyến cáo người dân nên cảnh giác với hình thức vay tiền này. Ông Lâm cho rằng về quản lý nhà nước, các ngân hàng cần tiếp tục cải cách thủ tục cho vay, nhất là vay nhỏ để có một kênh cạnh tranh, người dân có thể tiếp cận nguồn vay vốn dễ dàng, tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng.
Người dân không phải trả chi phí chống ngập
Cũng tại buổi họp báo, trả lời về đơn giá dịch vụ chống ngập tại TP.HCM được đề xuất là 3.668 đồng/m2/tháng, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Huỳnh Thanh Khiết khẳng định người dân sẽ không phải trả chi phí này.
Theo ông Khiết, hiện nay việc xã hội hóa chống ngập trên địa bàn TP.HCM thực hiện theo chủ trương của Thường trực Thành ủy giao Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM xem xét cổ phần hóa các công ty công ích quận, huyện thực hiện công tác duy tu, nạo vét hệ thống thoát nước theo hướng xã hội hóa và giao các công ty tư nhân thực hiện.
Năm 2020, Sở Xây dựng triển khai đấu thầu công tác duy tu, nạo vét cống thoát nước. Để thực hiện việc này phải tính định mức đơn giá của việc chống ngập. “Thành phố khẳng định cần sự đồng hành của người dân, nhưng TP.HCM sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm việc này nên người dân không phải chi trả chi phí cho việc chống ngập này”, ông Khiết nói.
Ông Khiết thông tin thêm là thời gian qua, UBND TP.HCM đã chỉ đạo xây dựng đơn giá chống ngập nên Sở Xây dựng đã giao Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM xây dựng đơn giá dịch vụ chống ngập để khi xã hội hóa, có đơn giá chi trả cho các đơn vị tư nhân thực hiện. Do đó, Trung tâm Quản lý Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM đã ký hợp đồng với Phân viện Kinh tế xây dựng miền Nam (thuộc Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng) xây dựng định mức và đơn giá chống ngập.
Sau khi có bộ định mức đơn giá này thì việc thực hiện chống ngập sẽ thực hiện theo quy định của Chính phủ trong việc giao nhiệm vụ đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm các dịch vụ công sử dụng ngân sách từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Phan Diệu