Đầu Xuân Giáp Ngọ, tiền đạo số 1 của Đội tuyển nữ bóng đá Việt Nam đã có cuộc trò chuyện dài, mở lòng với Một Thế Giới để chia sẻ về mục tiêu lớn nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2014 cũng như những góc khuất phía sau đời sống của giới “tóc dài, áo số, quần đùi” Việt.

Vé dự World Cup của tuyển nữ VN gần nhưng rất xa

Một Thế Giới | 03/02/2014, 17:06

Đầu Xuân Giáp Ngọ, tiền đạo số 1 của Đội tuyển nữ bóng đá Việt Nam đã có cuộc trò chuyện dài, mở lòng với Một Thế Giới để chia sẻ về mục tiêu lớn nhất của bóng đá Việt Nam trong năm 2014 cũng như những góc khuất phía sau đời sống của giới “tóc dài, áo số, quần đùi” Việt.

“Chúng ta kém thế hơn Thái Lan, ngang ngửa Myanmar”

Đầu Xuân xin gửi đến Minh Nguyệt cùng gia đình lời chúc sức khỏe, thành đạt. Tết này của chị như thế nào sau một năm vất vả với quả bóng?

Cảm ơn anh. Tết năm nay tôi về quê ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) để ăn Tết cùng mẹ và anh trai. Nhà tôi gần chùa Hương nên Tết ở quê tôi lúc nào cũng đông người viếng chùa, vãn cảnh nên không khí náo nức. Chiều hôm nay (mùng 4), tôi phải lên tập trung cùng đội Hà Nội ở SVĐ Hà Đông để lấy ngày nên bây giờ phải thu xếp đồ đạc, hành lý.

Tại sao đội Hà Nội lại tập trung ở Hà Đông mà không phải là trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội ở Mỹ Đình?

Đội Hà Nội 1 mới dọn chuyển xuống Hà Đông, còn đội Hà Nội 2 thì chuyển ngược lại từ Hà Đông lên Mỹ Đình. Nguyên nhân là do thay đổi ê-kíp Ban huấn luyện khi BHL của Hà Nội 1 được giao huấn luyện Hà Nội 2 và ngược lại nhưng ê-kíp BHL không muốn di chuyển nơi tập trung nên cầu thủ phải theo BHL dù ở Mỹ Đình điều kiện sân bãi, ăn ở tốt hơn nhiều so với dưới Hà Đông.

Sắp tới khoảng ngày 16.2, cả hai đội Hà Nội 1 và Hà Nội 2 đều vào Sài Gòn để thi đấu lượt đi giải VĐQG 2014 nhưng có lẽ tôi không tham dự được giải này do đầu gối phải dở chứng, tái phát chấn thương bị viêm sưng, tràn dịch. Do năm rồi, tôi tập luyện nặng, thi đấu quá tải ở SEA Games 27 nên giờ cần nghỉ ngơi, điều trị

Năm 2014, bóng đá nữ Việt Nam sẽ tranh vé dự VCK World Cup 2015 tổ chức tại Canada mà nói như một lãnh đạo VFF thì đó là cơ hội “ngàn năm có một”. Chị đánh giá cơ hội của ĐT nữ VN thế nào?

Do FIFA tăng suất dự VCK cho châu Á lên 5 vé và do tuyển CHDCND Triều Tiên bị cấm thi đấu do vướng doping nên cơ hội mở ra cho Việt Nam, Thái Lan, Myanmar và cả Jordan để lấy vé thứ 5 ở giải Asian Cup vào tháng 5 này khi 4 vé coi như đã thuộc về Trung Quốc, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc. Lợi thế lớn nhất của ĐT nữ Việt Nam, theo tôi là yếu tố sân nhà khi được đá ở sân Thống Nhất – nơi các CĐV luôn đến kín sân cổ vũ hết mình cho chúng tôi.

Điều đó có nghĩa ĐT nữ Việt Nam không có lợi thế gì về chuyên môn so với hai kỳ phùng địch thủ Thái Lan hay Myanmar ?

Công tâm đánh giá, ĐT nữ Việt Nam không điểm gì để gọi là vượt trội họ, nếu không nói là kém thế hơn Thái Lan, chỉ ngang ngửa Myanmar. Ở SEA Games 27 vừa rồi, ĐT nữ VN đã thua Thái Lan 1-2 ở trận chung kết, không bảo vệ được HCV, còn ở vòng bảng chúng ta phải chật vật mới thắng Myanmar sít sao. Nhìn lại quá khứ, giải ĐNÁ năm 2011 ở sân Thống Nhất, tuyển nữ VN thắng Myanmar bằng loạt sút luân lưu sau 120 phút thi đấu, năm 2009 tại Lào thì chúng ta thắng Thái Lan trong chung kết cũng bằng luân lưu. Điều đó cho thấy trình độ của 3 đội không có cách biệt, tuy nhiên phong độ hiện tại Thái Lan đồng đều, nhỉnh hơn Việt Nam, Myanmar.

Trận chung kết ở SEA Games 27, tuyển nữ VN đã có thời gian kiểm soát bóng, số pha lên bóng lẫn cơ hội dứt điểm hơn Thái Lan và họ ghi 2 bàn thắng khá may mắn kia mà!

Trong bóng đá, người ta vẫn tính bàn thắng mà anh (cười). Nói vậy thôi chứ thi đấu ở trong sân tôi biết, phía Thái Lan đồng đều, trẻ hơn và có sức bật hơn mình. Ví dụ, tuyển Thái Lan có nòng cốt gồm 7-8 cầu thủ lớp trước sinh năm 1986, 1987, còn lại thì lứa sau từ 1992, 1994. Trong khi đó tuyển Việt Nam hiện tại lứa cũ nòng cốt có 14 người chủ yếu 1985, 1986 – tức năm nay cũng 28, 29 tuổi rồi còn lứa sau thì nhỏ nhất cũng sinh 1992. Nếu tính tuổi bình quân thì tuyển VN “già” nhất, trong khi thể lực chưa bao giờ được coi là ưu thế của chúng ta.

Với cách nhìn của chị, chiếc vé World Cup 2015 có vẻ không dễ “ăn” như nhiều người nghĩ

Đúng thế thật. So với cách đây 4-5 năm, tuyển nữ VN giờ không mạnh bằng khi nhiều chị kỳ cựu như Kim Chi, Văn Thị Thanh, Mai Lan, Đào Thị Miện, Ngọc Châm đã treo giày. Ví dụ trước kia, chúng ta tấn công đều ở cả hai biên vì có Kim Hồng bên phải, Văn Thị Thanh bên trái thì bây giờ bên trái tấn công khá yếu vì Nguyễn Thị Xuyến thiên về phòng ngự. Ở vị trí tiền đạo đá lùi, Thanh Hương  đá rất hay ở Hà Nam và khi lên tuyển thể hiện tốt khi tập luyện nên mọi người kỳ vọng thế chị Kim Chi nhưng khi lâm trận bị khớp tâm lý, không thể hiện hết khả năng.

Tiền đạo trẻ Huỳnh Như của TP.HCM thông minh, tự tin và dứt điểm tinh tế rất giống phong cách của Ngọc Châm nhưng lại mỏng người, hạn chế về va chạm. So với trước đây thì sức tấn công, khả năng ghi bàn của tuyển VN giờ không bằng nên chúng ta thất thế trước Thái Lan là vậy.

Chốt lại cơ hội đoạt vé dự VCK World Cup 2015 của ĐT nữ VN khoảng bao nhiêu %?

Tôi nghĩ là 45%. Mình quyết tâm thì Thái Lan, Myanmar cũng quyết tâm không kém. Thái Lan chắc chắn đầu tư tốt hơn vì đất nước họ có điều kiện hơn. Tuy cùng trình độ nhưng Thái Lan tạo điều kiện, giới thiệu đến 3-4 cầu thủ sang Nhật thi đấu, nâng tầm thì chúng ta chỉ đá ở giải VĐQG với quanh quẩn 6 CLB còn tập huấn cũng chỉ có Trung Quốc là hết. Do đó, đá ở sân nhà chính là lợi thế lớn của ĐT nữ VN.

Một yếu tố khác là nhiều người cũng nói là tuyển VN thua ở CK SEA Games nhưng biết đâu đó lại là cái may để chúng ta lấy vé World Cup. Cái này nghe có vẻ tâm linh nhưng sự thật chúng tôi “thích” điều này.

“Không có tiền thưởng thì chỉ có nước khóc”

Bóng đá nữ VN nhiều năm qua thường gắn liền với khó khăn về đời sống, thu nhập. Hỏi thật, lương của chị hiện nay ở Hà Nội bao nhiêu?

Trừ bóng đá nam ra chứ thể thao VN môn nào cũng chật vật, không riêng gì bóng đá nữ. Lương của tôi là cầu thủ loại A ở Hà Nội 1 hiện tại là 3 triệu/tháng. Tiền ăn 150 ngàn/ngày thì ăn hết 110 ngàn nên còn dư ra được 40 ngàn, Chủ Nhật không ăn được phát 150 ngàn. Tính ra tổng cộng chưa đến 5 triệu/tháng, mà ở Hà Nội 1 chỉ có khoảng 13 người được hưởng lương loại A, trong khi các em loại B-C chỉ được 1,7 triệu hay hơn 2 triệu/tháng. Thu nhập đó làm sao giúp đỡ gia đình hay để dành dụm. Nói ra hơi buồn chứ mang tiếng thi đấu cho Thủ đô mà so ra không hơn gì ngày trước khi còn ở Hà Tây vì đồng tiền giờ mất giá quá, cầm 100 ngàn ra giờ chỉ ăn vặt chứ muốn mua cái áo, cái quần làm gì có.

Vậy thu nhập khi lên tuyển và tiền thưởng sau các giải đấu quốc tế?

Lên uytển thì tiền lương ở CLB bị cắt nên khi tập trung chúng tôi nhận được tiền công, các tkhoản trợ cấp khác nhưng tính ra chỉ vào khoảng 8-10 triệu/tháng, mà 1 năm tập trung ở Tuyển khoảng 2 tháng hơn. Mọi nguồn thu nhập của cầu thủ nữ chúng tôi khi lên tuyển đều trông chờ vào khoản tiền thưởng sau SEA Games hay giải ĐNÁ. Vừa rồi tiền thưởng SEA Games, tôi được loại A nhận 125 triệu đồng. Đó là cái sự may mắn cho tôi cũng như các tuyển thủ khác nhưng còn hàng trăm cầu thủ khác không được lên tuyển thì anh hình dung cuộc sống của họ ra sao rồi.

Vừa rồi có chuyện lùm xùm chia thưởng SEA Games liên quan đến Trưởng đoàn ĐT nữ VN - ông  Phan Anh Tú. Chị có theo dõi vụ này không ?

Tôi có đọc báo và thấy báo chí viết có cái hơi quá là nói các cầu thủ trong đội phản ứng dữ dội. Thực ra không cầu thủ chẳng phản ứng gì, chúng tôi đều an phận, người ta làm sao thì mình biết vậy nên chuyện chú Tú được chia thưởng, tôi nghĩ có lẽ do báo chí bất bình vì họ biết đời sống cầu thủ nữ quá khó khăn.

Nhưng trước kia các vị Trưởng đoàn của ĐT nữ VN đều không nhận tiền chia thưởng?

Do hồi năm 2007, HLV Giả Quảng Thác có phát biểu trên báo chí về chuyện chia thưởng của lãnh đội nên sau đó nhiều Trưởng đoàn đều từ chối nhận thưởng sau giải đấu. Năm 2007, ông Cấn Văn Nghĩa là Giám đốc Sở TDTT Hà Tây làm Trưởng đoàn ở SEA Games 24 ở Thái Lan đã nói không nhận tiền chia thưởng. Năm 2009 thì anh Trương Hải Tùng cũng không nhận. Năm 2012, chú Dương Vũ Lâm làm Trưởng đoàn ở giải ĐNÁ mà ĐT nữ VN vô địch được thưởng hơn 2 tỷ thì chú Lâm cũng bảo để hết cho cầu thủ, BHL.

Từng làm học trò của hai HLV người Trung Quốc là ông Giả Quảng Thác và Trần Vân Phát, chị có thể nhận xét tính cách hai HLV này?

Họ có tính cách đối lập nhau. Ông Giả rất nóng tính, thẳng thắn nhưng nhanh nguội và sống rất tình cảm. Ông Phát thuộc người mềm mỏng, dĩ hòa vi quý, cư xử mềm mỏng với cả cầu thủ lẫn lãnh đạo. Ông Giả rất cương trực, cương quyết, không sợ lãnh đạo và bảo vệ quyền lợi cầu thủ. Hồi trước khi còn huấn luyện ở Hà Tây, sau mỗi đợt thi đấu thấy chúng tôi hay mua quà cáp cho lãnh đạo, ông Giả không cho còn mắng chúng tôi tại sao cứ phải mua quà cho lãnh đạo làm gì. Chính vì tính cách quá cương trực nên ông Giả gặp khó khăn trong công việc, dù ai cũng thừa nhận ông ấy là chuyên gia giỏi nhất mà bóng đá nữ VN có được. Hai năm rồi từ khi hết làm cho Hà Nội, ông Giả vẫn chưa kiếm được CLB mới dù ông ấy vẫn ở Hà Nội. Nghe nói sắp tới, ông Giả được Hà Nam mời về, tôi rất mừng khi nghe tin này.

“Cho con đi theo bóng đá nữ là sai lầm của cha mẹ”

Theo chị, bóng đá nữ Việt Nam có triển vọng phát triển hay không khi đời sống cầu thủ còn quá khó khăn như hiện nay.

Tôi hơi bi quan. Tôi nghĩ những bậc cha mẹ nào cho con gái đi đá bóng là sai lầm. Ở thành phố, không có cha mẹ nào “dại dột” cho con đi theo bóng đá nữ cả. Hầu hết các cầu thủ nữ hiện nay ở VN đều xuất thân từ nông thôn, bản thân tôi cũng vậy. Ở quê, nhà đông con nên khi thấy con được cho đi học đá bóng thì cha mẹ mừng nghĩ đơn giản thì cứ cho đi để “người ta” lo cho con mình chứ họ không hình dung được sự khắc nghiệt mà con mình phải trải qua là gì.

Sự khắc nghiệt đó ra sao?

Một cầu thủ phải mất 5-6 năm học đá bóng, nếu không phát triển phải nghỉ ngang hay bị chấn thương là bị thải loại thì coi như “dở khóc, dở mếu” vì chẳng biết làm gì. Ngay cả cầu thủ được lên đội 1 ở CLB nhưng đá mãi mà không được gọi lên ĐTQG thì cũng “chết”, vì thu nhập bèo bọt đến lúc giải nghệ thì thực sự trắng tay đúng như nghĩa từ này: Tiền bạc không, nghề nghiệp không, bằng cấp không còn sắc vóc thì thôi… khỏi nói.

Một cái nữa là cầu thủ nữ VN hiện nay đối mặt với nguy cơ bị chấn thương rất lớn vì điều kiện sân bãi kém, dinh dưỡng không đảm bảo. Bản thân tôi năm 2010 bị đứt dây chằng đầu gối chỉ vì sa chân vào cái hõm sâu khi tập ở Mỹ Đình. Một chấn thương lãng nhách. Cũng may tôi là tuyển thủ QG nên được điều trị tích cực. Đến giờ tôi cũng không hình dung được mình sẽ ra sao nếu không đá ĐTQG. Tôi quá may mắn so với nhiều bạn bè, đồng nghiệp khác.

Điều mong ước của chị trong năm Con Ngựa này là gì?

Như nhiều đồng đội khác, tôi mong năm nay ĐT nữ VN giành vé dự World Cup thì coi như giấc mơ của một đời theo đuổi quả bóng trọn vẹn, để tự hào và được an ủi khi sau này treo giày. Tôi cũng mong bóng đá nữ VN được xã hội quan tâm, đầu tư nhiều hơn để cuộc sống cầu thủ nữ bớt khó khăn. Bóng đá nữ VN không thể đi lên nếu chỉ biết “lợi dụng” vào  sự đam mê của cầu thủ bởi đam mê dẫu lớn cỡ nào cũng có giới hạn.

Cảm ơn chị, chúc chị năm mới nhiều sức khỏe và chúc ĐT nữ Việt Nam giành quyền dự VCK World Cup để bóng đá nữ ngày càng được xã hội quan tâm, đầu tư xứng đáng.

Đăng Khoa

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Trung ương giới thiệu ông Tô Lâm để bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn bầu làm Chủ tịch Quốc hội
10 giờ trước Theo dòng thời sự
Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, được Trung ương giới thiệu để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước. Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, được giới thiệu để bầu Chủ tịch Quốc hội.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vé dự World Cup của tuyển nữ VN gần nhưng rất xa