PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc liên kết giữa doanh nghiệp, nhà phân phối, nông hộ… chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn là hình thức thuận mua vừa bán theo hợp đồng từng lần.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chuỗi liên kết nông nghiệp chưa bền vững

Lam Thanh | 14/10/2020, 18:55

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc liên kết giữa doanh nghiệp, nhà phân phối, nông hộ… chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, chủ yếu vẫn là hình thức thuận mua vừa bán theo hợp đồng từng lần.

Điệp khúc “được mùa mất giá” gắn với nông dân Việt Nam trong nhiều năm qua đang đòi hỏi phải có sự đầu tư tương xứng nguồn vốn và công nghệ vào việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ để phát triển nông nghiệp bền vững. Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế để làm rõ hơn vấn đề này.

dinh-trong-thinh.jpg
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế

Thực trạng liên kết giữa sản xuất nông nghiệp và hệ thống phân phối hiện nay ra sao, thưa ông?

Nông nghiệp được xác định ở vị trí trung tâm, là ngành mũi nhọn quan trọng để phát triển toàn diện và bền vững nền kinh tế. Tuy nhiên, trong ngành nông nghiệp, người sản xuất hiện nay chủ yếu vẫn là hàng triệu các nông hộ mang tính nhỏ lẻ, phân tán, thậm chí nhiều nơi lạm dụng thuốc trừ sâu, kích thích khiến sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam thường yếu thế so với nông sản các nước khác, không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay cả ở thị trường trong nước.

Các hộ sản xuất chưa chú ý tới liên kết nhóm hộ, liên kết với các doanh nghiệp cung cấp các vật tư, nguyên liệu đầu vào và liên kết với các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ mà vẫn sản xuất tự phát “mạnh ai người đó làm” nên chưa tạo được vùng sản xuất tập trung, dòng sản phẩm đủ lớn và ổn định để đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn của thị trường trong nước và nước ngoài.

Điều này dẫn đến tình trạng thường xuyên “được mùa mất giá”, hiệu quả kinh tế không cao, sản xuất nông nghiệp thiếu tính bền vững. Chưa kể, các nông hộ vẫn chủ yếu tự sản xuất nên không thể trực tiếp bán hàng, nhưng thông qua các kênh phân phối thì phải chiết khấu rất cao.

Để được bán thường xuyên sản phẩm của mình thông qua các hệ thống phân phối trong nước thường các nông hộ phải chiết khấu 35% cho kênh phân phối mới thường xuyên được bán hàng, còn nếu 15-20% thì một năm chỉ được bán một lần.

Việc này làm cho giá cả hàng hóa nông nghiệp tăng cao khi đến tay người tiêu dùng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông nghiệp bị sút giảm nghiêm trọng, hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm thấp.

Vậy vì sao việc liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà phân phối… chưa bền vững, thưa ông?

Việc liên kết giữa doanh nghiệp, các thương lái và nhà phân phối với các nông hộ và nhà sản xuất nông nghiệp chưa bền vững do chưa có cơ chế chia sẻ lợi nhuận, cơ chế chia sẻ rủi ro, chủ yếu vẫn là liên kết theo hình thức thương thảo thuận mua vừa bán theo hợp đồng từng lần.

Trong thực tế, cũng đã có những mô hình liên kết giữa một số doanh nghiệp thương mại với các nông hộ qua các hợp đồng trách nhiệm về việc doanh nghiệp cung cấp cây, con giống trong nông nghiệp, hướng dẫn và kiểm tra quy trình chăm sóc, thu mua sản phẩm đạt chất lượng với các nông hộ.

Tuy nhiên, một bộ phận nông dân còn chạy theo lợi ích trước mắt. Nhiều hộ nông mặc dù đã ký hợp đồng, nhận đầu tư ứng trước của doanh nghiệp hoặc nhà phân phối nhưng vẫn sẵn sàng phá vỡ liên kết, vi phạm hợp đồng khi giá cả trên thị trường đột biến tăng cao hơn giá cả trong các hợp đồng đã ký với các nhà phân phối hoặc sẵn sàng bán cho các thương lái khác khi được trả giá bán cao hơn.

Ngược lại, cũng có nhiều thương lái và nhà phân phối đưa ra các phương thức mua bán không sòng phẳng, hạ nhóm chất lượng sản phẩm, chèn ép giá cả với các nông hộ và nhà sản xuất nông sản khi được mùa hoặc khi vào chính vụ thu hoạch.

chuoi-san-xuat.jpg
Nông nghiệp Việt Nam chưa hình thành được chuỗi sản xuất hiệu quả

Tình trạng này không chỉ làm cho các hộ nông dân và nhà sản xuất nông nghiệp điêu đứng, nhiều người bị phá sản mà còn làm cho đất nước mất đi một khối lượng sản phẩm lớn, ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành nông nghiệp và sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia. Đời sống một bộ phận người nông dân còn bấp bênh phụ thuộc vào khâu tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Có thể thấy, liên kết trong sản xuất nông nghiệp có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế và rất cần thiết trong thời điểm hiện nay. Vậy theo ông, cần biện pháp nào để hình thành chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững?

Trong nền kinh tế thị trường và tốc độ hội nhập cao của nền kinh tế Việt Nam, yêu cầu cơ bản để nông sản có sức cạnh tranh là sản phẩm phải sạch, ngon, số lượng lớn, giá rẻ và có chiến lược thị trường tốt. Để thực hiện yêu cầu này, trong nông nghiệp cần thực hiện liên kết thành các chuỗi sản xuất cho từng sản phẩm nông nghiệp và cho từng nhóm sản phẩm đồng bộ từ sản xuất đến tiêu dùng.

Các cơ quan chức năng cần dựa trên các dữ liệu thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng… để quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi lớn trong từng khu vực và trong cả nước. Các quy hoạch này cần có tầm nhìn dài hạn và có tính toán đến việc phát triển các giống vật nuôi, cây trồng mới và việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Đối với các vùng có thế mạnh riêng trong sản xuất nông nghiệp cần có cơ chế tháo gỡ về tích tụ đất đai, nguồn vốn để xây dựng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trong quy hoạch cũng cần tính đến quy hoạch xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, nhà máy giết mổ và chế biến các sản phẩm gia súc, gia cầm trong vùng…

Cần rà soát và hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp. Các chính sách về tiếp cận nguồn vốn, về đầu tư, bảo hiểm vật nuôi, cây trồng… cần được cụ thể hóa, vừa đơn giản về thủ tục giảm thiểu các chi phí giấy tờ nhưng phải đảm bảo chặt chẽ và có hiệu lực pháp lý cao.

Ngoài ra, phải xây dựng những cơ chế hợp lý trong việc giải quyết tranh chấp trong liên kết giữa các chủ thể, đặc biệt là hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, các nhà phân phối và nhà nông; có chế tài phù hợp để hỗ trợ giải quyết tranh chấp hợp đồng thu mua giữa doanh nghiệp phân phối, thương lái và người sản xuất.

Phải thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và phát triển các chuỗi giá trị gắn với thế mạnh từng địa phương. Mỗi doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp cần trở thành các hạt nhân trong từng mắt khâu để hình thành vùng nguyên liệu sản xuất, hỗ trợ giống cây, con giống; hỗ trợ về quy trình chăm sóc; hỗ trợ về phân bón, thức ăn chăn nuôi và các yếu tố đầu vào hoặc thu mua sản phẩm đầu ra cho nông dân.

Hiện nay các doanh nghiệp lớn còn ngần ngại đầu tư cho sản xuất, kinh doanh nông - lâm - ngư nghiệp do vốn đầu tư lớn nhưng lại rủi ro cao và thu hồi chậm. Hầu hết các doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng để ứng trước cho các nông hộ, nhưng khi gặp rủi ro do thiên tai hay các nguyên nhân bất khả kháng khác, nông dân không trả được nợ, doanh nghiệp sẽ không trả được nợ ngân hàng, bị chuyển nợ xấu. Mặt khác, khi xảy ra tranh chấp, chưa có hành lang pháp lý cụ thể, phù hợp để hỗ trợ giải quyết rõ ràng, phân minh trách nhiệm và quyền lợi.

Như vậy, các ngân hàng cũng nên tham gia vào chuỗi liên kết này phải không, thưa ông?

Ngân hàng cần tích cực tham gia vào chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị nông sản. Khi ngân hàng tham gia vào chuỗi giá trị sẽ giúp giảm thiểu rủi ro thị trường, rủi ro người vay, rủi ro thời tiết, dịch bệnh, tiết kiệm chi phí trong hoạt động ngân hàng…

Điều quan trọng hơn đó là các ngân hàng có thể nắm bắt tình hình thực tế, có sự tin cậy và có các quyết sách phù hợp khi cung cấp tài chính tốt nhất cho các chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp. Ngân hàng tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp sẽ đảm bảo vốn để gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và phân phối đến tận tay người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thương mại và các thương nhân trong chuỗi lên kết giá trị nông nghiệp ngoài liên kết dọc còn cần xây dựng các liên kết ngang tạo thành các mạng liên kết chặt chẽ để đáp ứng các nhu cầu của thị trường; từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm nông sản gắn liền với chỉ dẫn địa lý của các chuỗi sản xuất nông sản.

Các cơ quan chức năng cần làm tốt vai trò quản lý của Nhà nước trong việc giám sát ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đơn giản hóa các điều kiện; đảm bảo phân phối thu nhập hợp lý kết quả thu nhập hoặc phân chia rủi ro phù hợp giữa các chủ thể tham gia chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Ngoài ra, cần hoàn thiện cơ chế chính sách, cụ thể hóa các quy định về phát triển các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết; hạ tầng phục vụ liên kết; khuyến nông, đào tạo, tập huấn; cây, con giống, vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi, bao bì, nhãn mác, thương hiệu sản phẩm...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Chuỗi liên kết nông nghiệp chưa bền vững