'Tôi biết trong xã hội còn nhiều người kỳ thị chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng sống tốt, vươn lên và được hạnh phúc trong tình yêu' - Huỳnh Anh, một người đồng tính nữ tâm sự.
"Hồi mang thai tôi, ba mẹ luôn mơ ước có một đứa con trai, lớn lên sẽ là một vận động viên. Hai ông bà đã lấy tên vận động viên điền kinh Huỳnh Anh đặt sẵn cho đứa con vừa mới tạo hình trong bụng. Ai dè, sinh ra tôi lại là một đứa con gái...", Huỳnh Anh chia sẻ.
Ở nhà, ba mẹ trìu mến gọi Huỳnh Anh bằng tên Bi. Cô lớn lên trong tình yêu thương của ba mẹ, ở vùng đất Vĩnh Long hiền hòa. Chỉ có một điều khác thường, ngay từ nhỏ, Bi đã bộc lộ cá tính mạnh mẽ của mình, chỉ thích chơi những trò chơi của con trai.
Huỳnh Anh đứng trước những tấm ảnh do chính mình thiết kế, có chủ đề liên quan đến lục sắc cầu vồng - biểu tượng của cộng đồng LGBT
"Tôi nhận ra mình chỉ có cảm xúc với những người cùng giới khi tôi lên 19 tuổi. Nhưng ở quê, tôi không dám bộc lộ và phải cố gắng che giấu, không dám sống với chính con người thật của mình" - Bi chia sẻ.
Tuy nhiên, sau khi chuyển lên Sài Gòn sống, học tập và làm việc, Bi đã có cơ hội để sống thật với bản thân mình. Cô chủ động tìm kiếm tình yêu cho mình. "Tôi trải qua 4 cuộc tình, với 4 người con gái. Tôi đã yêu chân thành... Nhưng tuổi trẻ bồng bột, từng cuộc tình ra đi và tôi nhận lấy nhiều đau đớn", Bi nói.
Những lúc buồn và chán nản trong cô đơn, Bi hay tìm đến một quán cà phê và ngồi một mình. Nhìn những cặp đôi trai gái tình tứ, Bi luôn ao ước một hạnh phúc. Và những lúc như thế, nghe bài Tình xa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đoạn: "Từng người tình bỏ ta đi như những dòng sông nhỏ...", Bi rung rung đôi vai và khóc.
"Tôi thấy mình quá cô độc giữa cuộc đời. Nhiều lúc tôi nghĩ, tại sao ông trời lại cho mình một số phận trái khoáy thế này?" - Bi than thở.
Một lần vào quán cà phê, khi đi toilet, ngang quầy thu ngân, Bi vô tình nghe bà chủ quán nói nhân viên: "Mày đi ra đuổi hai cái đứa pêđê đó coi. Vô quán mà hai người đàn ông nắm tay nắm chân nhau nhìn dị hợm quá".
Và kết quả là cặp đôi gay phải rời quán ngay lập tức, trong ngượng ngùng. Tuy nhân viên quán chưa nói gì đến mình nhưng Bi cảm thấy đang bị xúc phạm và khinh rẻ. Bi vội vàng tính tiền và rời quán ngay.
"Tôi thấy hai bạn ấy bày tỏ tình cảm rất chừng mực và bình thường. Tại sao họ lại bị đuổi, trong khi họ vẫn phải trả tiền sòng phẳng như bao nhiêu cặp đôi dị tính khác? Họ có tội tình gì đâu?" - Bi nói.
Năm 2002, cuộc đời của Bi đã bước sang một bước ngoặc mới. Lúc ấy, cô đang làm phiên dịch tiếng Hàn tại một công ty nước ngoài. Bi đã tình cờ gặp lại người bạn gái học chung từ thời phổ thông tên V., sau hơn 10 năm xa cách.
"Ngày còn học chung, chúng tôi chỉ biết mặt, chưa bao giờ có dịp nói chuyện. Không ngờ cô ấy cũng làm cùng công ty với tôi. Cuộc sống của tôi hoàn toàn đảo lộn, ngay lúc vừa gặp lại người bạn này" - Bi xúc động.
Cùng chung công ty, cặp đôi này đã hỗ trợ, san sẻ nhau về công việc, cuộc sống. Tình cảm của họ đã nảy nở và lớn dần theo thời gian. Sáng sáng Bi chở V. đi làm, hai người quấn quýt như hình với bóng.
Bi kể về khoảnh khắc lãng mạn của mình: "Tôi hẹn V. ở một quán cà phê. Tôi nhìn thật lâu vào mắt cô ấy, hỏi: Em có dám làm vợ anh không? V. đỏ mặt, rồi thẹn thùng gật đầu. Tôi mừng quá, không còn kềm chế được nữa, đã ôm chầm cô ấy, trao nụ hôn".
"Chính vì hành động không kềm chế đó, mọi người trong quán cà phê trố mắt nhìn hai đứa tôi như hai con quái vật. Chủ quán đã mời chúng tôi ra khỏi quán. Lầm lũi đi về, V. đã khóc, cảm thấy ấm ức, còn tôi cảm thấy căm giận, buồn cho số phận hẩm hiu của mình" - Bi buồn bã.
Ở công ty, cả hai cố gắng che đậy mối quan hệ trên cả tình bạn, tình đồng nghiệp, nhưng khi đã yêu nhau đắm đuối, mọi sự che giấu đều trở nên vô nghĩa. Trong công ty đã bắt đầu râm ran những lời bàn tán.
"Ông chủ" quán cà phê No Stress và những nhân viên gay, lesbian của mình.
Một buổi sáng, Tổng giám đốc gọi Bi và bạn gái lên phòng, thông báo cho thôi việc. Lý do đưa ra: Vị sếp này không muốn thấy những cử chỉ "chướng tai, gai mắt" của hai người ở công ty. Họ đã rất bất ngờ.
"Bạn gái tôi ngồi khóc. Lúc đó, không hiểu sao tôi trở nên rất mạnh mẽ, nói thẳng với ông sếp: Nếu ông đuổi hai đứa tôi vì lý do không làm tốt công việc, chúng tôi sẽ ra đi vui vẻ. Còn ông đuổi chúng tôi, vì chúng tôi yêu nhau, hoàn toàn bất hợp lý. Chúng tôi có làm tổn hại gì mọi người không? Và chúng tôi có làm tốt công việc không? Nghỉ việc ở đây, nếu có đi ăn mày, chúng tôi cũng không xa nhau đâu"- Bi kể về giây phút khó khăn, sóng gió.
Và trước sự mạnh mẽ, cương quyết của Bi, ông Tổng giám đốc đã chùn lòng, bỏ ngay ý định đuổi cặp nhân viên "trái ngang" này. Cũng từ hôm đó, cả hai đã công khai tình yêu với tất cả mọi người ở công ty, không còn phải che giấu như trước nữa. Bi quyết định đưa V. về quê, giới thiệu với ba mẹ. Đây là một quyết định rất khó khăn, nhưng đã đến lúc Bi muốn công khai tất cả mọi thứ.
Trước khi về quê, Bi đã cắt phăng mái tóc dài óng ả, mặc quần áo của phái nam, mang giày "bốt". Ba mẹ Bi rất ngỡ ngàng trước sự thay đổi ngoại hình của đứa con gái, nhưng không cảm thấy sốc lắm, vì đã ngờ ngợ nhận ra ngay từ nhỏ. Đưa người yêu trước mặt ba mẹ, Bi nói: "Đây là người con yêu. Kính mong ba mẹ chấp nhận".
"May mắn là ba mẹ tôi có tư tưởng khá thoáng và rất thương con. Ba mẹ không phản đối gì, hoàn toàn ủng hộ" - Bi cho biết.
Được ba mẹ thông cảm bao nhiêu, hàng xóm lại xì xầm bấy nhiêu. Mỗi lần bước ra đường, Bi luôn nghe những lời bàn tán phía sau lưng: "Con ông Tài, bà Thủy là pêđê. Hồi nhỏ là gái, giờ thành trai rồi. Còn dẫn bạn gái về nhà nữa".
Bi phớt lờ dư luận. Ba mẹ của Bi hết lời động viên, an ủi con. Sáng sáng, mẹ của Bi dẫn V. đi chợ, mua thức ăn, về nấu cho gia đình một bữa cơm. Nhìn mẹ và V. lui cui nấu nướng, thân mật như con dâu với mẹ chồng, Bi rất hạnh phúc.
"Điều trở ngại lớn nhất, là bạn gái tôi chưa dám công khai xu hướng tính dục với gia đình. Tôi sẽ đợi, khi nào cô ấy làm điều đó, chúng tôi sẽ tổ chức lể cưới. Theo tôi nghĩ, kết hôn chỉ là một hình thức, tất cả đều xuất phát từ con tim của mỗi người mà thôi" - Bi san sẻ.
Sau 3 năm yêu nhau, Bi và V. đã dành dụm, mở một quán cà phê dành cho LGBT (Đồng tính, song tính & chuyển giới) nằm khuất trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Trãi, Quận 1, TP.HCM. Tất cả nhân viên trong quán đều là người LGBT.
Nở nụ cười mãn nguyện, không chút ưu phiền, vị chủ quán cà phê No Stress nói: "Tôi mở quán cà phê này, là muốn các bạn thuộc cộng đồng LGBT có chỗ để hẹn hò, bày tỏ yêu đương mà không sợ bị kỳ thị, xua đuổi. Tôi ưu tiên tuyển nhân viên là LGBT vì tôi biết các bạn đi xin việc ở những nơi bình thường rất khó khăn, do bị một số người kỳ thị".
Bài và Ảnh: Lê Ngọc Dương Cầm