Mỹ nhận thấy mối đe dọa từ vũ khí là chìa khóa quan trọng với khả năng tự lực công nghệ của Trung Quốc.
Chính quyền Biden đã có hành động thương mại đầu tiên chống lại Trung Quốc hôm 8.4, thêm 7 nhà phát triển siêu máy tính Trung Quốc vào danh sách đen xuất khẩu vì đã hỗ trợ các nỗ lực quân sự của nước này trong động thái có thể sẽ làm leo thang thêm căng thẳng băng giá giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Bộ Thương mại Mỹ cho biết 7 nhà phát triển bị thêm vào danh sách thực thể "liên quan đến việc chế tạo siêu máy tính được sử dụng bởi các lực lượng quân sự của Trung Quốc, các nỗ lực hiện đại hóa vũ khí của các chương trình hủy diệt hàng loạt và quân sự gây mất ổn định".
7 thực thể bị trừng phạt đang dẫn đầu sự phát triển siêu máy tính Trung Quốc và đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch tự cung cấp chip của nước này.
7 thực thể mới bị đưa vào danh sách đen là Công nghệ thông tin Phytium Thiên Tân, Trung tâm thiết kế vi mạch tích hợp hiệu suất cao Thượng Hải, Vi điện tử Sunway, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Tế Nam, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Thâm Quyến, Trung tâm siêu máy tính quốc gia Vô Tích và Trung tâm siêu máy tính quốc gia Trịnh Châu.
Các siêu máy tính của Trung Quốc đã chiếm nhiều vị trí nhất trong dự án TOP500 do Mỹ - Châu Âu dẫn đầu, xếp hạng tốc độ siêu máy tính hai lần một năm. Hầu hết các siêu máy tính đó được phát triển hoặc vận hành bởi 7 thực thể đang nằm trong danh sách đen thương mại của Mỹ.
Trong bảng xếp hạng tháng 11.2020, 214 siêu máy tính của Trung Quốc đã lọt vào top 500, nhiều nhất so với bất kỳ quốc gia nào và gần gấp đôi con số 113 của Mỹ.
Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo cho biết: “Khả năng siêu máy tính rất quan trọng với sự phát triển của nhiều - có lẽ gần như tất cả - vũ khí hiện đại và hệ thống an ninh quốc gia, chẳng hạn như vũ khí hạt nhân và vũ khí siêu thanh.
“Bộ Thương mại sẽ sử dụng toàn bộ quyền hạn của mình để ngăn chặn Trung Quốc tận dụng các công nghệ của Mỹ để hỗ trợ các nỗ lực hiện đại hóa quân sự đang gây mất ổn định này", bà Gina Raimondo nói thêm.
Sunway TaihuLight, siêu máy tính nhanh thứ tư thế giới trong top 500 gần đây nhất, được trang bị bộ vi xử lý lõi do Sunway Microelectronics phát triển và vận hành bởi Trung tâm siêu máy tính quốc gia Vô Tích.
Công nghệ thông tin Phytium Thiên Tân đã phát triển CPU FeiTeng, loạt các đơn vị tính toán lõi được coi là một trong những sản phẩm có khả năng thay thế cho chip Intel của Mỹ và Arm do Anh sản xuất ở Trung Quốc.
Sau quyết định của chính quyền Biden hôm 8.4, 7 thực thể Trung Quốc phải có giấy phép để tiếp cận các công nghệ Mỹ, bao gồm cơ sở hạ tầng chip do Intel và các nhà sản xuất chip khác của Mỹ thiết kế cũng như phần mềm và phần cứng khác cho các thiết kế siêu máy tính.
Tuy nhiên, không giống như lệnh cấm của Huawei được áp dụng dưới thời ông Donald Trump, họ vẫn có thể dựa vào TSMC (nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới ở Đài Loan) và các nhà sản xuất chip quốc tế khác để sản xuất chip siêu máy tính.
Đây không phải là lần đầu tiên danh sách thực thể của Bộ Thương mại Mỹ được sử dụng để chống lại lĩnh vực siêu máy tính của Trung Quốc. Năm 2019, chính quyền Trump đã đưa Sugon, nhà phát triển hàng đầu của Trung Quốc trong lĩnh vực này, vào danh sách đen.
Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực để bớt phụ thuộc vào chip của Mỹ kể từ lệnh cấm Huawei vào năm 2019. Một trong những mục tiêu của Trung Quốc trong kế hoạch Made in China 2025 là phát triển ngành công nghiệp chip của nước này để đạt được tỷ lệ tự cung tự cấp là 40% đến năm 2020, tăng lên 70% vào năm 2025.