Khi thông tin Microsoft đang cân nhắc mua lại TikTok gây sốt trên mạng xã hội, nhiều người đã theo dõi nhà sản xuất phần mềm này trong nhiều năm đã bày tỏ sự ngạc nhiên. Ngay cả nhà đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates cũng gọi thương vụ tiềm năng này là "chén rượu độc".

Vì sao Bill Gates gọi thương vụ Microsoft mua TikTok là ‘chén rượu độc’?

09/08/2020, 10:20

Khi thông tin Microsoft đang cân nhắc mua lại TikTok gây sốt trên mạng xã hội, nhiều người đã theo dõi nhà sản xuất phần mềm này trong nhiều năm đã bày tỏ sự ngạc nhiên. Ngay cả nhà đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates cũng gọi thương vụ tiềm năng này là "chén rượu độc".

Bill Gates không ủng hộ Microsoft mua TikTok.

Vì sao Microsoft mua TikTok?

TikTok có thể giúp Microsoft tăng hiệu quả bán hàng nhờ có hơn 100 triệu người dùng ở Mỹ và hơn 2 tỉ lượt tải xuống trên toàn thế giới bởi những người biến ứng dụng chia sẻ video ngắn này thành thứ văn hóa đại chúng. Thế nhưng, do thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc, ByteDance nên TikTok làm dấy lên mối lo ngại với Chính phủ Hoa Kỳ rằng có thể trở thành mối đe dọa an ninh quốc gia. Hôm 29.6, Ấn Độ đã cấm TikTok sau một đụng độ ở khu vực biên giới giữa quân đội nước này với Trung Quốc khiến 20 binh sĩ Ấn thiệt mạng.

Hôm 6.8, Tổng thống Donald Trump đã ký sắc lệnh cấm mọi giao dịch của Mỹ với ByteDance và Tencent, công ty mẹ của TikTok và WeChat, sau 45 ngày tới. Theo đó, người Mỹ không được thực hiện giao dịch kinh doanh với TikTok và WeChat thuộc Trung Quốc từ sau ngày 20.9. Điều đó có nghĩa là TikTok sẽ bị đóng cửa nếu không bán lại cho công ty Mỹ. Nếu vậy, nhiều khả năng TikTok sẽ bị gỡ khỏi cửa hàng ứng dụng của Apple và Google.

"Sự lan rộng ở Mỹ của các ứng dụng di động do các công ty Trung Quốc phát triển và sở hữu, tiếp tục đe dọa an ninh quốc gia, chính sách đối ngoại và nền kinh tế của Mỹ. Tại thời điểm này, cần phải hành động để giải quyết mối đe dọa do một ứng dụng di động cụ thể gây ra, TikTok", ông Trump viết trong lệnh hành pháp.

Giám đốc điều hành TikTok, Kevin Mayer nói với nhân viên trong một bản ghi nhớ rằng ông Trump có thể trừng phạt công ty như một cách để chống lại Chính phủ Trung Quốc.

Hôm 5.8, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ đang nỗ lực thiết lập một "hệ thống sạch" nhằm chặn các ứng dụng công nghệ cũng như các doanh nghiệp viễn thông của Trung Quốc tiếp cận các thông tin nhạy cảm của công dân và doanh nghiệp Mỹ.

Ông Mike Pompeo đã đưa ra 5 biện pháp đàn áp công nghệ Trung Quốc để "bảo vệ tài sản của Mỹ" gồm:

- Đảm bảo các nhà mạng không đáng tin cậy Trung Quốc không được kết nối với các mạng viễn thông Mỹ.

- Xóa các ứng dụng không đáng tin cậy khỏi các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ.

- Ngăn chặn các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc không tin cậy cài đặt sẵn hoặc tải xuống các ứng dụng phổ biến nhất ở Mỹ.

- Ngăn chặn công dân Mỹ, thông tin cá nhân nhạy cảm và các công ty sở hữu trí tuệ không bị lưu trữ và truy cập trên các dịch vụ dựa trên đám mây của Trung Quốc.

- Đảm bảo các tuyến cáp dưới biển kết nối Mỹ với internet toàn cầu không bị xâm phạm để thu thập thông tin bởi tình báo của Trung Quốc.

Quốc hội Hoa Mỹ đã thông qua luật cấm TikTok trên tất cả thiết bị của chính phủ.

Trước và sau tất cả diễn biến đó, những tín đồ công nghệ vẫn rất ngạc nhiên khi biết Microsoft, công ty chủ yếu được biết đến với phần mềm và kinh doanh máy tính, quan tâm đến việc mua TikTok - dịch vụ truyền thông xã hội cực kỳ phổ biến với các video ngắn cho thanh thiếu niên.

Một số video nổi tiếng nhất trên TikTok có hình ảnh thanh thiếu niên mô phỏng lại các điệu nhảy phức tạp theo âm nhạc, chẳng hạn như MV Lottery của rapper K Camp và MV The Git Up của ca sĩ nhạc rap đồng quê Blanco Brown. Video TikTok về những người nhảy theo hai MV đó đã thu hút hơn 2,2 tỉ lượt xem.

Thậm chí, Dame Judi Dench, ngôi sao điện ảnh 85 tuổi từng giành giải Oscar, đã học các điệu nhảy TikTok với cháu trai 22 tuổi của mình. "Nó đã cứu sống tôi", Dame Judi Dench nói với Channel 4 News và cho biết nó giúp ích cho gia đình họ trong thời gian giãn cách xã hội mà ngày tháng trôi qua không có nhiều ý nghĩa.

"Tôi phải tập đi tập lại tất cả các động tác đó. Đừng chỉ nghĩ rằng chúng đến một cách tự nhiên", bà nói thêm.

Điều đó khác xa với cách mọi người mô tả phần mềm PC và kiểu làm việc văn phòng nghiêm túc của Microsoft, nên là một phần nguyên nhân gây nhầm lẫn về thương vụ này.

Có nhiều sản phẩm tiêu dùng thất bại, Microsoft làm lại với TikTok nhưng không đơn giản

Trong lịch sử của mình, đại gia công nghệ Mỹ từng có nhiều sản phẩm tiêu dùng thất bại nặng nề như hệ điều hành Windows Phone, hãng smartphone Nokia, điện thoại Kin cho thanh thiếu niên và Zune - đối thủ cạnh tranh với iPod của Apple. Bây giờ Microsoft có vẻ đã sẵn sàng thực hiện vụ đánh cược trị giá hàng tỉ USD khác với TikTok.

Thế nhưng trong buổi phỏng vấn của tạp chí Wired, cựu CEO Microsoft, Bill Gates cho rằng thỏa thuận này kỳ lạ và gọi đó là "một chén rượu độc", cho thấy đây sẽ là một bước đi khó khăn với Microsoft.

"Trở nên lớn mạnh trong lĩnh vực kinh doanh truyền thông xã hội không phải là một trò chơi đơn giản", nhà đồng sáng lập Microsoft không tin rằng việc tiếp quản TikTok là ý tưởng hay với đại gia công nghệ Mỹ.

Bill Gates cho rằng Microsoft sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp quản TikTok

Trong bài đăng trên blog ngày 2.8, CEO Microsoft - Satya Nadella cho biết đã đối thoại với ông Trump qua điện thoại để thực hiện đàm phán mua TikTok. Song đến nay, Microsoft hầu như vẫn giữ im lặng về tình hình.

Các chuyên gia công nghệ đang cố gắng đưa ra câu trả lời cho việc tại sao Microsoft, công ty 45 năm tuổi có hơn 133 tỉ USD tiền mặt và đã thực hiện hơn 80 thương vụ mua lại trong 6 năm qua dưới thời Satya Nadella, lại muốn sở hữu TikTok.

Một số người cho rằng Microsoft có thể đang tìm cách mua TikTok với giá rẻ vì ứng dụng này sắp bị cấm ở Mỹ, sau đó bán nó trong tương lai để thu về rất nhiều tiền mặt. Các nhà phân tích tại Wedbush đưa ra ví dụ với các nhà đầu tư rằng khoản tiền mua TikTok trị giá 40 tỉ USD của Microsoft có thể biến thành khoảng 200 tỉ USD trong vài năm, nếu quản lý đúng cách.

Những người khác tự hỏi liệu có phải Microsoft đang chuẩn bị thực hiện một vụ đặt cược lớn khác vào công nghệ tiêu dùng. Về khoản này, thành công của Microsoft hiện chủ yếu xoay quanh máy chơi game và các dịch vụ chơi game Xbox, dù máy tính xách tay và máy tính bảng Surface cũng được đánh giá cao. Tất cả chúng đều thuộc mảng More Personal Computing của Microsoft (đạt doanh thu gần 45,6 tỉ USD vào năm ngoái), với phần còn lại đến từ kinh doanh phần mềm như Office Suite, phần mềm Windows cung cấp sức mạnh cho PC và công nghệ doanh nghiệp, gồm cả kinh doanh máy chủ Azure.

Mary Jo Foley, một phóng viên kỳ cựu tại trang ZDNet, viết: “Dù Microsoft chỉ tập trung vào phần mềm và dịch vụ dành cho doanh nghiệp, nhưng có một số bộ phận của công ty cố gắng làm cho Microsoft trở nên hấp dẫn hơn đối với khán giả nhỏ tuổi. Đó là nhượng quyền kinh doanh game tại Microsoft".

Bộ phận Xbox Video Games là mảng kinh doanh tiêu dùng thành công hiếm hoi của Microsoft. Có lý do chính đáng để xem TikTok là cách Microsoft mở rộng kinh doanh Xbox của mình. Ví dụ game là một trong những phần phổ biến nhất của YouTube. Twitch của Amazon là một trong những dịch vụ phát trực tuyến game có ảnh hưởng và được sử dụng rộng rãi nhất trong ngành. Trong khi đó, Facebook đang tăng cường đầu tư vào lĩnh vực chơi game, thông qua cả dịch vụ Facebook Gaming và Oculus VR (chuyên sản xuất kính thực tế ảo và thực tế tăng cường, được Facebook mua vào năm 2014 với giá hơn 2 tỉ USD).

Với Microsoft, việc sở hữu một công ty truyền thông xã hội có thể giúp máy chơi game Xbox của họ hấp dẫn hơn nhiều với đối tượng từ 10 đến 19 tuổi, những người đã biến TikTok thành ứng dụng đình đám toàn cầu.

Microsoft có thể bị chính phủ Trung Quốc xem là đứng về phía Mỹ

Cựu CEO Microsoft, Steve Ballmer cho biết rất tiếc khi bỏ lỡ smartphone và những cơn sốt về tìm kiếm. Ông đã chi ít nhất 7 tỉ USD để cố gắng bắt kịp các hãng khác bằng cách mua lại Nokia nhưng rồi chứng kiến ​​việc kinh doanh thất bại. Thất bại đó xảy ra 7 năm sau khi Ballmer không thành công trong việc hỏi mua Yahoo với giá 44,6 tỉ USD.

Một số người theo dõi Microsoft tin rằng công ty đang đi theo một con đường tương tự với mạng xã hội, cố gắng mua theo cách của họ, dẫu việc này chưa rõ có khôn khoan hay không.

Microsoft vài năm qua luôn cam kết tôn trọng quyền riêng tư của mọi người và cùng với Apple cho rằng mô hình quảng cáo nhắm đối tượng mà Facebook, Google dựa vào là không tốt. Mua TikTok nghĩa là phải cạnh tranh với mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook, buộc Microsoft phải chứng minh rằng có thể thay đổi theo hướng tốt hơn.

Dù vậy, việc Microsoft đàm phán mua TikTok sẽ không chỉ diễn ra như một giao dịch bình thường của họ. Tổng thống Trump đã biến nó thành một vấn đề an ninh quốc gia bằng cách buộc ByteDance bán TikTok nếu ứng dụng này muốn tiếp tục hoạt động ở Mỹ.

Theo CNN, ông Trương Nhất Minh, Giám đốc điều hành của ByteDance từng viết trong thư gửi nhân viên: “Ở các quốc gia như Mỹ, trong môi trường hiện tại, một số chính trị gia đã tấn công mạnh mẽ vào Trung Quốc và giờ đến lượt các công ty Trung Quốc, khiến cho việc thảo luận về các tình huống phức tạp trở nên khó khăn”.

Bằng cách mua TikTok, Microsoft có thể bị các công ty Trung Quốc và chính phủ nước này xem là đứng về phía Mỹ trong thời điểm quan hệ giữa hai nước đang căng thẳng.

Roger Kay, một nhà phân tích tại Endpoint Technologies Associates, cho biết: “Nếu Microsoft trở thành tác nhân của một điều gì đó xấu với người Trung Quốc thì điều đó có thể xấu với họ. Nó đặt Microsoft vào một vị trí mà về mặt đạo đức có thể không tốt cho họ và họ có thể phải trả lời cho điều này một lúc nào đó". Song, điều này có thể chỉ xảy ra khi thỏa thuận mua TikTok của Microsoft đã hoàn tất.

Bing và LinkedIn của Microsoft vẫn được hoạt động ở Trung Quốc

Hai thập kỉ qua, Microsoft được cho là công ty Mỹ có mối quan hệ tốt nhất với Trung Quốc và các chính trị gia nước này. Không như Facebook hay Google, công vụ tìm kiếm Bing và mạng xã hội LinkedIn của Microsoft vẫn được hoạt động ở Trung Quốc.

Trong vài tuần gần đây, nhiều tin đồn đã xuất hiện từ việc Microsoft chỉ mua TikTok ở Mỹ đến mua toàn bộ, hay Apple cũng muốn mua ứng dụng này nhưng nhà sản xuất iPhone phủ nhận.

Khi kết thúc, câu chuyện này xứng đáng được kể lại qua một hoặc hai video trên TikTok.

Nhân Hoàng

Bài liên quan
Ông Biden ký luật cấm TikTok, các công ty Mỹ có thể trở thành mục tiêu trả đũa của Trung Quốc
Sau khi Tổng thống Joe Biden ký ban hành luật có thể loại TikTok khỏi thị trường Mỹ, Trung Quốc phải quyết định cách tốt nhất để trả đũa việc công ty đáng giá nhất của mình bị tấn công.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
9 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Bill Gates gọi thương vụ Microsoft mua TikTok là ‘chén rượu độc’?