Nếu có một vấn đề từ lâu đã trở thành chủ đề trọng tâm có tầm ảnh hưởng thuộc hàng lớn nhất trong cuộc chạy đua tranh cử chức tổng thống Mỹ những năm vừa qua, thì đó hẳn không gì khác ngoài vấn đề kinh tế.

Vì sao chúng ta cần quan sát điểm nóng trong tranh cử tổng thống Mỹ 2016?

18/04/2016, 08:16

Nếu có một vấn đề từ lâu đã trở thành chủ đề trọng tâm có tầm ảnh hưởng thuộc hàng lớn nhất trong cuộc chạy đua tranh cử chức tổng thống Mỹ những năm vừa qua, thì đó hẳn không gì khác ngoài vấn đề kinh tế.

Năm 2008, ông Obama đã giành chiến thắng trước John McCain cũng nhờ ở chính sách thúc đẩy hồi phục kinh tế Mỹ mạnh mẽ sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, 8 năm sau mọi thứ dường như cũng đang được lặp lại, khi hầu hết các ứng cử viên đều ra sức đưa ra những chương trình kinh tế của riêng mình như một con át chủ bài.

Khác ở chỗ, nền kinh tế Mỹ hiện nay đã tương đối hồi phục so với cách đây 8 năm, vì thế trung tâm của cuộc tranh cử giờ đây chuyển sang một khía cạnh khác của nền kinh tế Mỹ: tự do thương mại. Hầu hết các ứng cử viên hàng đầu, trong đó 3 người đang dẫn đầu là Hilary Clinton, Bernie Sanders và Donald Trump đều ra sức phản đối vấn đề tự do thương mại. Vậy thì, đâu là lý do cho sự việc kỳ lạ này?

Một xu hướng dễ dàng nhận ra trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống Mỹ năm nay, đó là xu hướng chống lại vấn đề tự do thương mại. Đặc điểm này nổi bật ở hầu hết các ứng cử viên, và đặc biệt nổi bật ở các ứng cử viên hiện đang dẫn đầu, đó là hai ứng cử viên của đảng Dân Chủ là Hilary Clinton và Bernie Sanders và người đang dẫn đầu trong đảng Cộng Hòa Donald Trump.

Điểm chung giữa ba người này trong cuộc vận động tranh cử năm nay, đó là đều hướng đến động thái bài chủ nghĩa thương mại tự do, trong đó Donald Trump nổi tiếng với những tuyên bố sẽ đánh thuế 45% với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và buộc tất cả các tập đoàn lớn như Apple phải chuyển nhà xưởng sản xuất về hoạt động trên đất Mỹ.

Bernie Sanders thì đòi xem xét lại tất cả các hiệp định thương mại mà Mỹ đã, đang và sẽ ký kết với các đối tác thương mại của mình, từ Canada, các nước Trung và Nam Mỹ, cho đến châu Âu và thậm chí là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cựu ngoại trưởng Hilary Clinton cũng không đứng ngoài cuộc, thậm chí còn nổi tiếng hơn với động thái mang tính “trở cờ” trong đó bà này quay sang chỉ trích và phản đối hiệp định TPP, trong khi trước đó vị cựu ngoại trưởng này ca ngợi hết lời và coi đó như “tiêu chuẩn vàng” cho các hiệp định thương mại không chỉ với Mỹ mà với tất cả các nước trên thế giới.

Tác động của xu hướng phản đối vấn đề tự do thương mại, đi kèm với nó là các hiệp định thương mại, trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ năm nay đang có một tầm ảnh hưởng thực sự lớn, và vượt xa khỏi tầm dự đoán của nhiều chuyên gia. Không phải ngẫu nhiên khi ba ứng cử viên chỉ trích mạnh mẽ nhất vấn đề tự do thương mại lại đang là ba người dẫn đầu cuộc đua. Nhưng đâu là nguyên nhân của hiện tượng có một không hai này, nhất là khi vấn đề tự do thương mại trong những năm qua luôn được xem là một khuynh hướng mà nước Mỹ luôn tìm mọi cách thúc đẩy trong chiến lược ngoại giao toàn cầu của mình.

Câu trả lời đến từ những mặt trái mà nước Mỹ đang phải gánh chịu từ xu hướng tự do thương mại trên thế giới trong những năm qua, bên cạnh những mặt tích cực của nó. Mặt tích cực của tự do thương mại với nước Mỹ và nền kinh tế Mỹ là hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Mỹ nhiều hơn, đa dạng hơn và có giá thành rẻ hơn rất nhiều; người được lợi lớn nhất không ai khác ngoài người dân Mỹ.

Nhưng, những mặt trái của nó thì cũng không phải là ít. Trước hết là vấn đề thâm hụt thương mại. Tính trung bình hàng năm thì mức thâm hụt thương mại mà nước Mỹ phải gánh chịu đang vào khoảng 500 tỷ USD, tương đương khoảng 3% GDP. Ngoài ra tự do thương mại còn lấy đi khá nhiều việc làm của người dân Mỹ.

Theo ước tính trong 20 năm từ 1990-2010 Mỹ đã mất khoảng 2,4 triệu việc làm chỉ tính riêng vào tay Trung Quốc do sự dịch chuyển sản xuất, trong đó các tập đoàn và công ty Mỹ chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc để tận dụng lợi thế nhân công và nguyên vật liệu giá rẻ. Tự do thương mại vì thế đang lấy đi nhiều việc làm hơn và đẩy nhiều người dân Mỹ vào tình cảnh thất nghiệp hơn. Cùng với đó là vấn đề sụt giảm thu nhập, tính trung bình thu nhập của người lao động Mỹ đã giảm khoảng 1.800 USD mỗi năm vì các tác động của tự do thương mại.

Câu hỏi đặt ra là, vậy thì ai đang là người thu lợi lớn nhất từ xu hướng tự do thương mại hiện nay của nước Mỹ. Câu trả lời là các tập đoàn, doanh nghiệp và công ty Mỹ. Đây là những đối tượng nhận được nhiều lợi ích nhất từ xu hướng tự do thương mại, chủ yếu thông qua việc dịch chuyển cơ sở sản xuất để tận dụng nguồn nhân công và nguyên vật liệu giá rẻ, cũng như khả năng tiếp cận tại chỗ đối với các thị trường tiêu thụ lớn, mà Trung Quốc là điển hình.

Nói cách khác, tự do thương mại đang khiến cho khoảng cách giàu nghèo tại Mỹ tăng lên, khi người dân khó tìm việc hơn và thu nhập có xu hướng giảm đi, trong khi những nhà lãnh đạo và điều hành các tập đoàn, doanh nghiệp và công ty lại đang ngày càng giàu có hơn.

Vì thế, việc các ứng cử viên trong cuộc chạy đua đến chiếc ghế tổng thống Mỹ hiện nay đều ra sức phản đối các hiệp định thương mại, là họ đang hướng đến việc tìm kiếm sự ủng hộ bằng cách cam kết sẽ giải quyết tận gốc rễ tình trạng khoảng cách giàu nghèo gia tăng hiện nay, đó không gì khác ngoài tự do thương mại. Trong đó mỗi ứng cử viên lại có những cách tiếp cận khác nhau. Donald Trump thì tuyên bố sẽ đánh thuế nặng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, và buộc các công ty Mỹ phải chuyển nhà xưởng sản xuất trên khắp thế giới về hoạt động tại Mỹ.

Trong khi đó các ứng cử viên của Đảng Dân Chủ lại có một cách tiếp cận khác, dù vẫn công kích các hiệp định thương mại, tuy nhiên Bernie Sanders và Hilary Clinton lại hướng nhiều hơn đến việc tăng thuế đánh vào người giàu trong xã hội Mỹ. Vì để giải quyết tình trạng khoảng cách giàu nghèo gia tăng thì một biện pháp mang tính gián tiếp khá hữu hiệu là đánh thuế người giàu và tăng phúc lợi cho người nghèo.

Sanders đề xuất một khoản chi tiêu trị giá 18.000 tỷ USD để trang trải cho một gói phúc lợi xã hội toàn diện, đồng thời tăng mức thu thuế lên 6.500 tỷ USD mà chủ yếu là từ những người giàu, khoản 11.500 tỷ USD còn lại dự kiến cũng sẽ đến từ các khoản tăng thuế khác. Cựu ngoại trường Hilary Clinton cũng có những đề xuất tương tự, dù con số dự kiến có phần nhỏ hơn.

Khả năng vị tổng thống kế tiếp của Mỹ, dù là người của đảng nào chăng nữa, hủy bỏ tất cả những hiệp định thương mại mà nước Mỹ đã, đang và sẽ ký kết được đánh giá là tương đối thấp, vì nó sẽ gây ra một xáo trộn lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, và trực tiếp đẩy kinh tế Mỹ vào khó khăn.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trong cuộc chạy đua đến chiếc ghế tổng thống Mỹ hiện nay đang chỉ ra một thực tế rằng, nước Mỹ đã không còn quá hào hứng với vấn đề tự do thương mại như trước, và có thể sẽ bắt đầu điều chỉnh lại trong tương lai.

Trong bối cảnh đó, tất cả những quốc gia và nền kinh tế có những quan hệ thương mại tự do với kinh tế Mỹ, trong đó có Việt Nam, sẽ phải cẩn trọng trước những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai.

Nhàn Đàm (theo Reuters)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 5: Thách thức và triển vọng
Bước vào năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đứng trước những thách thức lớn buộc phải quan tâm, đó là: thuế tối thiểu toàn cầu, thuế môi trường và nguồn năng lượng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao chúng ta cần quan sát điểm nóng trong tranh cử tổng thống Mỹ 2016?