Trong lúc hội nghị giữa các nhà lãnh đạo tài chính của nhóm các nước G20 diễn ra ở Washington, Mỹ thì cuộc chiến tỷ giá có vẻ như vừa được tái khởi động, nhưng dưới một hình thức khác tinh vi hơn rất nhiều.
Sự chú ý trên khắp thế giới những ngày này đang đổ về 2 địa điểm, nơi diễn ra hai sự kiện quan trọng bậc nhất đối với nền kinh tế thế giới, đó là hội nghị bàn về đóng băng sản lượng dầu của OPEC và các nước ngoài OPEC ở Doha, Qatar; và hội nghị giữa các nhà lãnh đạo tài chính của nhóm các nước G20 diễn ra ở Washington, Mỹ.
Nếu như kết quả của hội nghị ở Doha sẽ quyết định giá dầu và cùng với đó là nền kinh tế của khá nhiều quốc gia xuất khẩu dầu; thì hội nghị ở Washington sẽ bàn về một vấn đề có tầm ảnh hưởng lớn hơn nhiều đối với nền kinh tế thế giới: vấn đề khôi phục tăng trưởng kinh tế toàn cầu, và một cuộc chiến tỷ giá có vẻ như vừa được tái khởi động, nhưng dưới một hình thức khác tinh vi hơn rất nhiều.
Những kỳ vọng về một thỏa thuận ngầm giữa các nước thành viên của G20 trong hội nghị ở Thượng Hải cách đây gần 2 tháng về việc sẽ thiết lập những nguyên tắc chủ đạo trong vấn đề kiểm soát tỷ giá dường như đã tan thành mây khói. Ngay sau khi hội nghị ở Thượng Hải chấm dứt, với vô số những lời tuyên bố cứng rắn của các bộ trưởng tài chính cũng như thống đốc ngân hàng trung ương các nước G20, thì việc cụ thể hóa những tuyên bố này trong thực tế rõ ràng là khác hoàn toàn.
Ngay sau khi hội nghị Thượng Hải kết thúc, ngân hàng trung ương Nhật Bản và châu Âu đã tiếp tục hạ lãi suất xuống mức âm, còn Trung Quốc thì liên tục dao động giữa hai thái cực: hạ và nâng tỷ giá đồng nhân dân tệ tùy từng thời điểm một cách có chủ đích. Tình trạng này đang đe dọa gây ra một sự mất kiểm soát trên thị trường tài chính toàn cầu, khi các quốc gia liên tục tìm cách can thiệp vào tỷ giá đồng nội tệ để giải quyết các vấn đề trong nền kinh tế của mình.
Dĩ nhiên, điều này đang đi ngược lại với những thỏa thuận và nguyên tắc chung mà các nhà lãnh đạo tài chính và ngân hàng trung ương các nước G20 được cho là đã thiết lập ở Thượng Hải, và đang đe dọa tái khởi động một cuộc chiến tỷ giá quy mô toàn cầu.
Ấn Độ đang là một trong những quốc gia lên tiếng cảnh báo những hậu quả sẽ xảy ra từ tình trạng lộn xộn tỷ giá này, khi Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Arun Jaitley tuyên bố trong hội nghị G20 vào thứ Năm: “Rõ ràng các chính phủ không thể tiếp tục dựa vào các ngân hàng trung ương để thúc đẩy tăng trưởng. Chúng tôi cảm thấy hiệu quả của các công cụ tiền tệ đã đến giới hạn của nó và không còn tạo ra được hiệu quả như trước nữa”.
Dễ hiểu tại sao Ấn Độ lại là nước phản đối mạnh mẽ nhất việc các nước G20 khác sử dụng công cụ tiền tệ để hạ tỷ giá và thúc đẩy tăng trưởng, vì Ấn Độ được dự báo là nước sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu thế giới trong năm 2016, khoảng 7,5%, và những động thái hạ tỷ giá của các nước G20 sẽ khiến kinh tế và xuất khẩu của Ấn Độ gặp khó khăn nghiêm trọng.
Tuy nhiên, các quốc gia đang có vẻ như lạm dụng công cụ tiền tệ như Nhật Bản, EU hay Trung Quốc lại có những lý do chính đáng để làm điều đó. Nền kinh tế của các nước này đang chững lại, đặc biệt là Nhật Bản và châu Âu đang bị đe dọa bởi nguy cơ giảm phát trong nền kinh tế. Trong bối cảnh đó, chính sách lãi suất âm (về thực chất là hạ tỷ giá đồng yen và euro) là biện pháp cần thiết để xốc dậy nền kinh tế.
Lý do mà các thống đốc ngân hàng trung ương Nhật Bản và châu Âu là Haruhiko Kuroda và Mario Draghi đưa ra để giải thích cho chính sách lãi suất âm là, nếu kinh tế Nhật và châu Âu không sử dụng chính sách lãi suất âm thì sẽ không thể hồi phục, và như thế thì nền kinh tế cũng sẽ không thể hồi phục theo. Nguy cơ mà nền kinh tế Nhật và EU rơi vào giảm phát có thể ảnh hưởng đến kinh tế thế giới thậm chí còn được dự báo là xấu hơn những tác hại do chính sách lãi suất âm gây ra – vốn là một biện pháp cần thiết để vực dậy hai nền kinh tế thuộc dạng lớn nhất thế giới này.
Sự khó phân định được ranh giới giữa việc sử dụng chính sách hạ tỷ giá để vực dậy nền kinh tế với việc sử dụng chính sách hạ tỷ giá để thủ lợi không công bằng thông qua tăng cường xuất khẩu, vì thế đang là vấn đề gây nan giải hàng đầu trong hội nghị G20 ở Washington. Về lý thuyết, Nhật Bản và châu Âu có quyền hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế, chống nguy cơ giảm phát; tuy nhiên họ sẽ không được chấp thuận nếu dùng chính sách hạ lãi suất để thủ lợi cho riêng mình. Phân định được hai điều này là việc rất khó.
Có lẽ, trong số các nước đang chủ động can thiệp vào tỷ giá trong G20 hiện nay, thì chỉ có trường hợp Trung Quốc là việc chỉ ra động cơ tác động vào tỷ giá đồng nội tệ là để vực dậy nền kinh tế hay thủ lợi thông qua xuất khẩu là dễ dàng nhất. Nếu như tăng trưởng xuất khẩu của Nhật Bản và châu Âu không tăng được bao nhiêu sau khi hai nền kinh tế này đưa lãi suất về mức ấm, thì xuất khẩu của Trung Quốc đã hồi phục phần nào sau khi nước này liên tiếp có những động thái can thiệp vào tỷ giá đồng nhân dân tệ.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục hải quan Trung Quốc, thì xuất khẩu của nước này trong tháng 3 tính theo đồng nhân dân tệ đã tăng tới 18,7% so với cùng kỳ năm 2015, đây được xem là mức tăng trưởng xuất khẩu gần như không tưởng của Trung Quốc sau khi đã sụt giảm xuất khẩu tới 21% của tháng 2.
Dù vẫn chưa thể khẳng định việc can thiệp vào tỷ giá của chính phủ Trung Quốc là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự tăng trưởng đáng ngờ của xuất khẩu nước này trong tháng 3, thì rõ ràng một điều là sự can thiệp tỷ giá của Bắc Kinh đã hỗ trợ rất nhiều cho xuất khẩu nước này. Hàng hóa giá rẻ Trung Quốc đang ngày càng xâm nhập nhiều hơn vào các thị trường lớn trên khắp thế giới, mà điển hình là thép, giá thép của Trung Quốc đã rẻ sẵn và giờ đây còn trở nên rẻ hơn nữa khi chính phủ Trung Quốc tạo ra một loạt hỗ trợ về chính sách.
Ngoài việc can thiệp vào tỷ giá thì Bắc Kinh cũng đưa ra những ưu đãi như can thiệp vào lĩnh vực thuế và hoàn thuế, và điều này cho phép các doanh nghiệp Trung Quốc hạ giá thành sản phẩm nhiều hơn nữa.
Đó là chưa kể, Trung Quốc cũng không phải là nước đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát như Nhật Bản hay châu Âu, vì thế việc can thiệp vào tỷ giá của nước này có vẻ như đang nghiêng về thủ lợi riêng nhiều hơn là để vực dậy nền kinh tế. Trên thực tế, lý do chủ yếu nhất khiến Mỹ cũng như các nước khác trong G20, điển hình là Ấn Độ, chấp nhận cho một số quốc gia hạ tỷ giá như một biện pháp vực dậy tăng trưởng là vì hướng đến lợi ích chung của nền kinh tế toàn cầu, với sự tin tưởng rằng Nhật Bản và châu Âu sẽ không lợi dụng sự tin tưởng của thế giới để thủ lợi cho riêng mình.
Nhưng với Trung Quốc thì có vẻ như lại khác hẳn. Trung Quốc đang đặt lợi ích riêng của mình lên hàng đầu, và kể cả có khiến thế giới lao vào một cuộc chiến tỷ giá mới thì Trung Quốc cũng không quan tâm, nếu như lợi ích riêng của nước này được đảm bảo.
Nhàn Đàm (theo Reuters/CafeF)