Trước đây Việt Nam thường đặt nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô trước, sau đó mới đến các giải pháp khác. Trong năm 2024, Quốc hội đã ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng lên trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô.
Kịch bản nào cho tăng trưởng năm 2024?
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 103 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Nghị quyết của Quốc hội đề ra mục tiêu tăng trưởng năm 2024 là 6 - 6,5%.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nêu 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2024. Trong đó, kịch bản cao là 6,5% và kịch bản thấp là 5,5%.
Ước tính này tương đối sát với dự báo gần nhất của một số định chế tài chính quốc tế (WB: 5,5%; IMF: dự báo 5,8%; ADB: 6%).
Trong báo cáo mới đây, VnDirect kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ trên đà phục hồi trong năm tới và dự báo tăng trưởng GDP đạt 6,3% so với cùng kỳ vào năm 2024.
Tại cuộc họp báo Chính phủ vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho biết: "Trước đây chúng ta thường đặt mục tiêu, nhiệm vụ là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trước, sau đó mới đến các giải pháp khác. Trong năm 2024, Quốc hội đã quyết nghị ưu tiên tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trước nội dung ổn định kinh tế vĩ mô".
Theo ông Phương, điều đó cho thấy quyết tâm của toàn hệ thống cũng như của Chính phủ về việc thúc đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, phục hồi và bù đắp lại những hạn chế, giảm sút trước đây do tác động khách quan của đại dịch COVID-19 cũng như các tác động của kinh tế thế giới trong năm 2023.
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cho rằng có nhiều cơ hội để Việt Nam tăng tốc, phát triển bứt phá trong năm 2024.
Theo ông Phương, các kết quả cuối năm 2023 hiện nay cơ bản rất tích cực. Mặc dù không đạt những mục tiêu cao như kỳ vọng, nhưng trong bối cảnh quốc tế, khu vực như hiện nay thì kết quả như vậy là rất tích cực. Điều này tạo đà tốt cho việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Ngoài ra, ông Phương cũng cho biết qua rà soát các động lực tăng trưởng kinh tế, cả 3 mặt về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng đều có cơ hội tăng trưởng tốt trong năm 2024.
Về xuất khẩu, hiện đang có đà phục hồi tháng sau tốt hơn tháng trước, dần dần lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu. Đối với tiêu dùng, hiện nay tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đã trên 9%, tiệm cận mức 2 con số.
Trong lĩnh vực đầu tư, cả 3 mặt là đầu tư nhà nước, đầu tư FDI, đầu tư tư nhân, cơ hội đầu tư trong năm 2024 là khá tốt. Đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài, do các kết quả của ngoại giao kinh tế năm 2023 đem lại.
“Đầu tư tư nhân mặc dù năm 2023 gặp rất nhiều khó khăn, tác động của các bất cập thị trường trong nước như thị trường vốn, trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, nhưng qua đánh giá sơ bộ cho thấy năm 2024, khả năng phục hồi và hoạt động trở lại của các thị trường này khá tốt”, ông Phương nêu.
Dù vậy, ông Phương cho rằng việc khả năng thực hiện mục tiêu 6 - 6,5% cũng là một nhiệm vụ khó, bởi năm 2024 vẫn còn tiếp tục các khó khăn mà đến nay chưa thể dự báo được.
Tận dụng cơ hội, nỗ lực để "vượt thác"
TS Nguyễn Hữu Thọ (CIEM) cho rằng tăng trưởng kinh tế 2023 tuy cao (dự báo 5,19%), nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra là 6,5%. Điều này ảnh hưởng đến lộ trình phát triển đến năm 2025 và 2030.
Ngoài ra, ngoài những yếu tố khách quan bên ngoài như địa chính trị thế giới phức tạp, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm và lạm phát toàn cầu gây áp lực cho điều hành chính sách tiền tệ…, thì kinh tế Việt Nam vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi những yếu tố bên trong như công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế còn bất cập.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng 2024, nhóm nghiên cứu của CIEM đề xuất tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tập trung nhiều hơn các động lực tăng trưởng kinh tế; thúc đẩy tiếp tục cải thiện thể chế và môi trường kinh doanh; tăng cường hỗ trợ các chủ thể sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy phát triển thị trường hàng hóa dịch vụ.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng năm tới cần chú trọng đầu tư công. Việc giải ngân các nguồn vốn đúng tiến độ quyết định hiệu quả động lực đầu tư công cho tăng trưởng GDP trong năm 2024.
Đặc biệt, theo ông Việt, cần thực hiện tiếp các chính sách miễn, hoãn, giãn, giảm thuế cho người dân và doanh nghiệp như hiện nay.
“Cần “khoan thư” sức dân, không nên gây xáo trộn môi trường kinh doanh vốn đã không có nhiều thuận lợi”, ông Việt nói và đề nghị các chính sách tài chính cũng cần hướng đến tạo lập một môi trường minh bạch, ổn định và công bằng.
Ngoài ra, ông Việt cho rằng sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ, gắn với các can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước nhằm đảm bảo lành mạnh hóa thị trường tài chính, tiền tệ… giúp hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô cũng là yếu tố cần quan tâm khi hoạch định các chính sách tài chính cho năm 2024.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng cho hay Bộ KH-ĐT có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng Nghị quyết số 01 của Chính phủ để phục vụ cho công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng trong năm 2024. Dự thảo nghị quyết đã hoàn thành và để các thành viên Chính phủ cho ý kiến.
“Đây là nghị quyết trọng tâm, xương sống trong các chỉ đạo điều hành của Chính phủ cho cả năm 2024. Trong đó Bộ KH-ĐT nhấn mạnh các giải pháp tập trung phục vụ mục tiêu ưu tiên là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và phấn đấu đạt được mục tiêu 6 - 6,5%”, ông Phương nêu.