Việc các nhân viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn bị mắc COVID-19 khiến nhiều người đặt câu hỏi.

Vì sao nhân viên bệnh viện tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn mắc COVID-19?

L.H | 13/06/2021, 07:18

Việc các nhân viên của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin nhưng vẫn bị mắc COVID-19 khiến nhiều người đặt câu hỏi.

tiem-vac-xin.jpg
Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 - Ảnh: Bộ Y tế

Khuya 12.6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM có tổng cộng 22 nhân viên dương tính với SARS-CoV-2. Đây là đơn vị tuyến đầu chống dịch ở phía Nam, được Bộ Y tế ưu tiên tiêm vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZeneca (Anh) cho khoảng 900 nhân viên. Đến nay, tất cả nhân viên đều đã hoàn thành xong mũi 2 vắc xin. Được biết, đợt tiêm lần 1 diễn ra vào ngày 8.3 và đợt 2 hoàn thành từ giữa đến cuối tháng 4.

Chia sẻ về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 rồi vẫn mắc bệnh, TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết sau khi tiêm đủ 2 mũi, tác dụng của vắc xin chưa thể phát huy ngay mà cần có thời gian để cơ thể sản sinh lượng kháng thể đủ chống lại vi rút (thời gian tùy theo mỗi loại vắc xin).

Những người được tiêm vắc xin đủ mũi, đủ thời gian vẫn có thể bị mắc COVID-19 bình thường. Lợi ích lớn nhất của việc tiêm vắc xin là giúp người bệnh (nếu mắc) tránh được diễn tiến trở nặng và hạn chế được khả năng lây nhiễm cho những người xung quanh.

“Vắc xin cũng như bất kỳ loại thuốc nào, đều có hiệu quả bảo vệ dao động từ 75% đến 90% hoặc 95%. Ví dụ 100 người tiêm thì chỉ có khoảng từ 75 đến 95 người phòng ngừa được nguy cơ nhiễm bệnh. Một số người mặc dù tiêm ngừa rồi vẫn nhiễm bệnh là do không tạo ra kháng thể đủ chống lại vi rút sau khi tiêm. Ngay cả những người đã từng mắc COVID-19 rồi cũng có thể bị mắc lại, do vậy không có gì là tuyệt đối cả. Chính vì vậy, việc phòng chống bệnh sau khi tiêm vắc xin phụ thuộc vào việc tạo ra lượng kháng thể đủ để chống lại bệnh của mỗi người”, ông Hùng phân tích.

Theo bác sĩ Hùng, trong một cộng đồng nếu tỉ lệ tiêm vắc xin hàng loạt lên 70-80% thì người dân sẽ được bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, ở đây là vi rút gây dịch COVID-19.

“Do đó, người dân không nên chủ quan, để bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh, bên cạnh tiêm vắc xin phải kết hợp với các biện pháp khác. Kể cả những người không có kháng thể hoặc tiêm ngừa rồi không có đủ kháng thể phòng ngừa bệnh thì 5K sẽ giúp phòng chống nhiễm bệnh”, bác sĩ Hùng nói.

vac-xin.jpg
Người tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn có nguy cơ mắc COVID-19 nếu rơi vào nhóm không sinh miễn dịch

Với vắc xin AstraZeneca Việt Nam đang chích ngừa, báo cáo mới nhất của hãng cho thấy, hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi đầu tiên 22 ngày đạt trung bình 76% và tiếp tục duy trì. Hiệu quả cao nhất tăng lên 81% sau khi tiêm mũi 2 cách mũi đầu tiên 12 tuần.

Dù vậy, vắc xin này giúp ngăn ngừa 100% các trường hợp tiến triển nặng, nếu mắc bệnh sẽ bị nhẹ, nếu nhập viện không có nguy cơ tử vong. Các phân tích cũng cho thấy, vắc xin có tiềm năng giảm 2/3 nguy cơ lây truyền vi rút không triệu chứng. AstraZeneca khuyên khoảng cách giữa 2 mũi tiêm từ 4-12 tuần, còn WHO khuyến cáo nên từ 8-12 tuần.

Bài liên quan
Tesla sa thải hơn 14.000 nhân viên toàn cầu sau khi doanh số ô tô điện hàng quý lần đầu giảm sau gần 4 năm
Tesla sẽ sa thải hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu khi phải vật lộn với doanh số bán hàng giảm và cuộc chiến giá cả ô tô điện, theo một bản ghi nhớ nội bộ mà hãng tin Reuters nhìn thấy hôm 15.4.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong bảo vệ, thúc đẩy quyền con người
8 giờ trước Sự kiện
Chiều 15.4 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức họp báo quốc tế công bố Báo cáo Quốc gia của Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao nhân viên bệnh viện tiêm đủ 2 mũi vắc xin vẫn mắc COVID-19?