Trung Quốc đã gây áp lực lên các công ty đa quốc gia bằng cách thông qua luật sẽ trừng phạt những công ty tuân thủ các lệnh trừng phạt của nước ngoài với nước này khi mối quan hệ với Mỹ xấu đi.
"Luật chống trừng phạt nước ngoài" được thông qua hôm 10.6 trao quyền cho các nhà chức trách Trung Quốc yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc thu giữ tài sản từ các công ty được coi là hỗ trợ việc thực thi các hình phạt đó. Luật sẽ được áp dụng ở trung tâm tài chính của Hồng Kông - động thái mà Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc cảnh báo sẽ làm xói mòn thêm quyền tự chủ của thành phố này.
Ông Greg Gilligan, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc, cho biết luật mới làm suy yếu "địa vị riêng biệt" mà Hồng Kông và Macao được hưởng trong giao thương quốc tế.
Luật an ninh quốc gia áp đặt lên Hồng Kông năm ngoái đã làm xói mòn lòng tin vào hệ thống thông luật của thành phố này, vốn từ lâu đã củng cố sức hấp dẫn của nó như một trung tâm tài chính.
Nhiều doanh nghiệp đang cảnh giác với vai trò quyết đoán hơn của Trung Quốc trong các vấn đề ở Hồng Kông và cảm thấy buộc phải tuân thủ luật pháp của Trung Quốc cùng các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ.
Giờ đây, các tổ chức hoặc cá nhân liên quan đến việc thực hiện các biện pháp phân biệt đối xử với công dân hoặc thực thể Trung Quốc có thể bị chính quyền ông Tập Cận Bình đưa vào danh sách chống trừng phạt, theo luật. Điều này có thể mở rộng đến các quản lý cấp cao và cộng sự, bao gồm cả các thành viên trong gia đình.
Những người trong danh sách đen có thể bị từ chối nhập cảnh vào Trung Quốc hoặc bị trục xuất khỏi đất nước. Tài sản của họ ở Trung Quốc có thể bị tịch thu hoặc đóng băng và họ có thể bị cấm kinh doanh ở nước đông dân nhất thế giới.
"Luật mới này đưa ra các vấn đề tuân thủ tiềm ẩn không thể hòa giải với các công ty nước ngoài liên quan đến xung đột pháp luật giữa các khu vực tài phán nước ngoài và Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng Mỹ và Trung Quốc không buộc các công ty của chúng tôi chỉ chọn bên này hay bên kia", ông Greg Gilligan nói.
Mini vandePol, người đứng đầu nhóm điều tra và tuân thủ khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của công ty luật Baker McKenzie ở Hồng Kông, cũng có rút ra điều tương tự về luật này.
Bà nói: “Luật hiện cung cấp cơ sở để yêu cầu bồi thường thiệt hại với các công ty đa quốc gia và Trung Quốc được coi là trợ giúp và tiếp tay nếu họ tuân thủ các lệnh trừng phạt của nước ngoài nhằm phân biệt đối xử chống lại Trung Quốc và lợi ích quốc gia của nước này”.
Việc thông qua luật là động thái mới nhất từ Trung Quốc khi nước này tìm cách trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây áp đặt vì các cáo buộc vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và sự xói mòn quyền tự trị của Hồng Kông. Đây là công cụ pháp lý rộng rãi nhất từ trước đến nay Trung Quốc dùng để chống lại lệnh trừng phạt từ Mỹ và phương Tây.
Trước đó, hồi tháng 1, Bộ Thương mại cho phép các tòa án Trung Quốc trừng phạt các tập đoàn toàn cầu vì tuân thủ các hành động của nước ngoài.
Đạo luật được đưa ra chỉ một tuần sau khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden ban hành lệnh cấm đầu tư với 59 công ty Trung Quốc, bao gồm cả tập đoàn viễn thông Huawei Technologies và China Mobile vì đã hỗ trợ quân đội Trung Quốc.
Năm ngoái, khoảng 45 quan chức Trung Quốc đã bị Mỹ trừng phạt, trong đó có 15 thành viên của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc. Liên minh châu Âu, Canada và Vương quốc Anh cũng đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với các quan chức Trung Quốc vì những gì họ coi là đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Trung Quốc đã chống lại Mỹ bằng các biện pháp trừng phạt của riêng mình, nhưng những chúng có rất ít tác động với vai trò của Mỹ và đồng đô la trong nền kinh tế thế giới.
Với việc thông qua luật, Trung Quốc đã gửi đi "thông điệp chính trị rõ ràng", Nicholas Turner, luật sư của Steptoe & Johnson ở Hồng Kông, nói.
"Luật mới là một bước đi rõ ràng theo hướng xây dựng bộ công cụ trừng phạt và chống lại các lệnh trừng phạt của Trung Quốc", ông cho biết thêm.