Thời gian để Mỹ tránh cảnh vỡ nợ bằng cách nâng mức trần nợ công không còn nhiều.
Mỹ chạm mức trần nợ công 31,4 nghìn tỉ USD vào ngày 19.1 và dự kiến vỡ nợ vào đầu tháng 6, có thể sớm nhất là ngày 1.6. Tổng thống Joe Biden hiện phải làm việc với các nghị sĩ dẫn đầu quốc hội nhằm ngăn kịch bản tồi tệ xảy ra.
Vì sao nợ công Mỹ lên tới 31,4 nghìn tỉ USD?
Hầu như hằng năm chính phủ Mỹ đều chi tiêu nhiều hơn số tiền họ có được từ thuế và nhiều khoản khu khác, dẫn đến tình trạng thâm hụt. Trần nợ công do quốc hội đặt ra, giới hạn số tiền mà nước này có thể vay để thanh toán phần chi tiêu còn lại.
Nợ công kỷ lục hiện tại là hệ quả của tích lũy thâm hụt thời gian dài. Nửa thế kỷ qua Mỹ chỉ có 5 lần thu nhiều hơn chi, lần gần nhất rơi vào năm 2001. Nước này đã mắc nợ ngay từ khi lập quốc và chỉ 1 lần hoàn toàn sạch nợ năm 1835.
Dẫn số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ, đài ABC News chỉ ra nợ công tăng đáng kể từ đầu những năm 1980 dưới thời nhiều chính phủ của cả đảng Dân chủ lẫn đảng Cộng hòa.
Mức tăng lớn nhất xảy ra dưới thời hai ông Ronald Reagan và George W.Bush. Cả hai triển khai chính sách cắt giảm thuế nên gây thâm hụt nghiêm trọng.
Sự kiện góp phần làm tăng mạnh nợ công là cuộc chiến tại Irag và Afghanistan, khủng hoảng tài chính 2008, đại dịch COVID-19. Đặc biệt khủng hoảng tài chính cùng đại dịch buộc Quốc hội Mỹ phải thông qua loạt biện pháp kích thích kinh tế tiêu tốn hàng nghìn tỉ USD.
Ai nắm giữ nợ công Mỹ?
24,6 nghìn tỉ trên tổng số 31,4 nghìn tỉ USD do công chúng nắm giữ qua hình thức trái phiếu do Bộ Tài chính Mỹ phát hành. Phần 6,8 nghìn tỉ USD còn lại được nắm giữ bởi nhiều đơn vị chính phủ Mỹ.
Phần nợ mà công chúng nắm giữ nằm trong tay cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia hoặc tổ chức nước ngoài, chính quyền bang hoặc địa phương. Giáo sư Kent Smetters (Đại học Pennsylvania, từng làm việc cho Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ) cho biết 10 năm qua số nợ công công chúng nắm giữ tăng gấp đôi.
Nợ công liệu có tăng thêm?
Một mô hình tính toán của Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania xác định nếu muốn cân bằng ngân sách, chính phủ Mỹ cần giảm chi tiêu lâu dài và ngay lập tức, hoặc tăng thuế.
Theo mô hình Wharton, mọi chi tiêu, trong đó có bảo hiểm xã hội và bảo hiểm sức khỏe, cần giảm đến 30%. Nếu không chính phủ Mỹ cần tăng thuế lên khoảng 40%.
Tuy nhiên nhiều nhà kinh tế xem nợ công là điều tốt. Giáo sư David Thomson (Đại học Sacred Heart) đánh giá nợ công ngày càng tăng phản ánh thực tế nhiều người xem trái phiếu Mỹ là một trong những tài sản an toàn nhất.