Theo giới chức Mỹ, Washington đang đánh giá khả năng thiệt hại đối với hệ thống phòng không Patriot trong cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào Kyiv hôm 16.5.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia John Kirby nói ông không thể xác nhận các báo cáo rằng hệ thống Patriot đã bị hư hại, nhưng cho biết vũ khí do Mỹ cung cấp vẫn có thể bị hư hại trong giao tranh hoặc bị hao mòn.
“Nếu có thiệt hại đối với hệ thống Patriot, chúng cần được sửa chữa bên ngoài Ukraine. Chúng tôi chắc chắn sẽ hỗ trợ việc đó”, ông Kirby nói với các phóng viên hôm 16.5.
Wall Street Journal (WSJ) dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết Washington đang đánh giá khả năng thiệt hại đối với hệ thống phòng không Patriot. Vị quan chức này nói rằng hệ thống Patriot vẫn có thể hoạt động, nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Trong khi đó, CNN dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên thừa nhận cuộc tập kích của Nga khiến một hệ thống Patriot bị hư hại, nhưng không bị phá hủy hoàn toàn. Quan chức này cũng tiết lộ Mỹ đang đánh giá mức độ thiệt hại xem liệu có cần đưa các bộ phận Patriot ra khỏi Ukraine để sửa chữa hay không.
Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố một tên lửa đã phá hủy tổ hợp phòng không Patriot của quân đội Ukraine trong vụ tập kích diễn ra vào đêm 15, rạng sáng ngày 16.5 (giờ địa phương). "Một vụ tập kích chính xác từ tên lửa siêu vượt âm Kinzhal đã phá hủy một tổ hợp phòng không Patriot tại Kyiv", cơ quan này cho biết trong một thông cáo.
Được biết, Ukraine đã được bàn giao 2 tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa hiện đại Patriot có khả năng tiêu diệt các mối đe dọa trên không như tiêm kích, máy bay không người lái (UAV), thậm chí cả tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo.
Trong 2 hệ thống Patriot, một được Mỹ cung cấp, một do Đức và Hà Lan phối hợp chuyển giao. Hiện, chưa rõ tổ hợp bị hư hại do bên nào viện trợ.
Khác với những hệ thống phòng không cơ động do các đồng minh phương Tây đã cung cấp cho Ukraine, Patriot được bố trí cố định và mất nhiều thời gian di chuyển. Các nhà phân tích cho rằng điều này tạo điều kiện để quân Nga xác định được mục tiêu và có thời gian bắn.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 16.5 khẳng định lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ toàn bộ 18 tên lửa được Nga sử dụng để tập kích thủ đô Kyiv. Trong đó, có 9 tên lửa hành trình Kalibr cùng 3 tên lửa đạn đạo chiến thuật được phóng đi từ các tổ hợp S-400 và Iskander-M và 6 tên lửa hành trình siêu vượt âm Kinzhal.
“Lại một thành công ngoài sức tưởng tượng của lực lượng không quân Ukraine! Người Nga không có cơ hội thắng Ukraine”, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov viết trên Twitter đồng thời cảm ơn các quốc gia đối tác đã hỗ trợ bảo vệ bầu trời Ukraine.
Các quan chức Nga cho biết lực lượng Ukraine không có cách nào hạ gục Kinzhal - loại tên lửa có thể bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh. Bình luận về tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ukraine, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết ông hoàn toàn nghi ngờ việc Kyiv bắn hạ được 6 tên lửa Kinzhal của Nga.
“Tên lửa Kinzhal có những tính năng cực kỳ độc đáo và do vậy, khả năng lực lượng phòng không Ukraine bắn hạ được loại vũ khí này là rất thấp", ông ta nói.
Tiếng nổ và còi báo cháy vang vọng khắp trung tâm thủ đô Kyiv vào sáng sớm hôm 16.5, làm rung chuyển các căn hộ và đánh thức nhiều cư dân. Các video được đăng tải trực tuyến cho thấy một loạt tên lửa được phóng lên bầu trời cũng như ghi nhận một số vụ nổ trên không.
Vitali Klitschko, thị trưởng Kyiv, đã viết trên Telegram rằng các mảnh vỡ tên lửa rơi xuống đã gây ra thiệt hại ở một số khu vực của thành phố, bao gồm cả ở sở thú.
“Các mảnh vỡ của tên lửa rơi xuống khu vực của sở thú tại Kyiv. Không có con vật hay công nhân nào bị thương. Tại một quận khác, một số ô tô bốc cháy và ít nhất 3 người bị thương”, ông Klitschko cho biết.
Sau 2 tháng tương đối yên bình, Moscow đã tiến hành một loạt cuộc không kích nhắm vào thủ đô của Ukraine trong những tuần gần đây. Giới chức Ukraine cho biết vụ tập kích mới nhất này là lần không kích thứ 8 nhằm vào Kyiv từ đầu tháng 5 và cũng là đợt tấn công với lượng tên lửa nhiều nhất trong thời gian ngắn nhất.