Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình phải lo lắng nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga diễn ra vài tháng tới khi thấy số phận của Đài Loan và Crimea được liên kết.

Vì sao ông Tập phải hoang mang khi Biden đề xuất hội nghị thượng đỉnh với Putin?

Nhân Hoàng | 22/04/2021, 11:02

Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình phải lo lắng nếu hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Nga diễn ra vài tháng tới khi thấy số phận của Đài Loan và Crimea được liên kết.

vi-sao-ong-tap-can-binh-phai-lo-lang-khi-biden-de-xuat-hoi-nghi-thuong-dinh-voi-putin.jpg
Ông Joe Biden khiến Tập Cận Bình hoang mang bằng cách đề xuất một hội nghị thượng đỉnh song phương với Vladimir Putin

Mỹ, Trung Quốc thể hiện chính sách ngoại giao đầy đủ trong tháng 4 với một loạt chuyến đi quốc tế, các cuộc họp và điện đàm.

Không nghi ngờ gì nữa, Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình đã dành sự quan tâm lớn nhất cho hội nghị thượng đỉnh ngày 16.4 tại Nhà Trắng giữa Tổng thống Mỹ - Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản - Yoshihide Suga.

Song cuộc điện đàm giữa ông Biden và Putin 3 ngày trước hội nghị này có thể khiến ông Tập Cận Bình hoang mang hơn. Trong cuộc gọi thứ hai kể từ cuối tháng 1.2021, ông Biden đã đề xuất cuộc gặp trực tiếp với Putin ở nước thứ ba trong những tháng tới.

Ông Tập Cận Bình đã không nhận được lời mời nào về cuộc gặp trực tiếp Tổng thống Biden như vậy. Ông Biden và Tập Cận Bình, hai người đã biết nhau hơn 1 thập kỷ, đã thực hiện cuộc điện đàm kéo dài vào ngày 10.2 trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Song với việc các nhà ngoại giao cả hai nước khẩu chiến dữ dội ở bang Alaska, Mỹ vào tháng trước, hai nước không có nhiệt tình để sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh.

Đề xuất của ông Biden với Putin đặc biệt gây hoang mang cho Trung Quốc vì Mỹ đặt ra khung thời gian cho cuộc gặp: Trong những tháng tới.

Suy đoán cho thấy hai nhà lãnh đạo có thể sẽ gặp nhau vào tháng 6.2021, điều này sẽ gây khó chịu đặc biệt với ông Tập Cận Bình. Ngày 1.7, đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ kỷ niệm 100 năm thành lập, một thời điểm quan trọng với ông Tập, người cũng giữ chức Tổng bí thư của đảng.

vi-sao-ong-tap-can-binh-phai-lo-lang-khi-biden-de-xuat-hoi-nghi-thuong-dinh-voi-putin1.jpg
Đề xuất hội nghị thượng đỉnh của ông Joe Biden với Vladimir Putin có thể là một nỗ lực nhằm giải quyết các vấn đề chính sách đối ngoại còn tồn tại của Mỹ để Nhà Trắng có thể đối phó tốt hơn với Trung Quốc

Vì sao ông Biden muốn gặp Putin? Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang phân tích động thái này. Có phải Tổng thống Mỹ đang cố gắng giải quyết các vấn đề trên toàn thế giới - chẳng hạn như việc Mỹ vừa tuyên bố rút khỏi Afghanistan - để ông có thể dồn thời gian và sức lực để đối đầu với Trung Quốc? Mối nghi ngờ ở Trung Quốc đang gia tăng.

Theo quan điểm của Trung Quốc, mối quan hệ của nước này với Nga là tốt. Hai nước đã và đang tăng cường quan hệ đối tác trên nhiều mặt để chống lại Mỹ.

Thế nhưng, Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh. Không có gì đảm bảo rằng Nga sẽ luôn đứng về phía Trung Quốc.

Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đã nghĩ đến những diễn biến này vào 21.4 khi đưa ra quyết định vào phút chót là tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Tổng thống Biden chủ trì, diễn ra trong hai ngày 22 – 23.4. Từ Trung Quốc, ông Tập Cận Bình sẽ "có một bài phát biểu quan trọng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh thông báo.

Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã miễn cưỡng tham dự hội nghị thượng đỉnh, lo ngại rằng ông có thể làm lợi cho Biden và đối mặt với những yêu cầu cứng rắn về khí hậu, sau những lời chỉ trích của Mỹ liên quan đến việc Trung Quốc gây hấn với Đài Loan và các vấn đề nhân quyền ở Tân Cương, Hồng Kông.

Tổng thống Biden đã cử John Kerry, đặc phái viên về khí hậu, đến thành phố Thượng Hải vào ngày 14.4. Từng là Ngoại trưởng dưới thời Barack Obama, John Kerry đã tổ chức cuộc trò chuyện video với Phó thủ tướng Trung Quốc Hàn Chính, thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị - cơ quan ra quyết định hàng đầu của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Bên cạnh đó, ông Biden đã thực hiện một động thái ngoại giao quan trọng khác trên eo biển Đài Loan.

Một ngày sau khi John Kerry đến Trung Quốc, phái đoàn không chính thức của Mỹ đã đến Đài Bắc để hội đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan - Thái Anh Văn. Phái đoàn gồm cựu Thượng nghị sĩ Chris Dodd, người thân cận với Biden, và hai cựu Thứ trưởng Richard Armitage và James Steinberg.

Đó là hành động cân bằng tinh tế với ông Biden. Trong khi ra hiệu sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc về vấn đề biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ đã thể hiện sự ủng hộ của mình với Đài Loan trên mặt trận an ninh.

Đây cũng là bước đi có tính toán khi tiếp đó là cuộc hội đàm ngày 16.4 của Tổng thống Biden và Thủ tướng Suga, trong đó hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan trở thành tâm điểm.

vi-sao-ong-tap-can-binh-phai-lo-lang-khi-biden-de-xuat-hoi-nghi-thuong-dinh-voi-putin13.jpg
Richard Armitage (bên trái) đã giúp Tổng thốn Biden tiếp cận không chính thức với bà Thái Anh Văn bằng chuyến thăm tới Đài Loan ngày 15.4

Về phần mình, ông Tập Cận Bình đã phát động một cuộc phản công ngoại giao. Nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh video không được báo trước về biến đổi khí hậu vào ngày 16.4 với Tổng thống Pháp - Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức - Angela Merkel. Ông Tập Cận Bình sẽ không ngồi lại và để ông Biden chủ động về vấn đề khí hậu.

Mối quan hệ của Trung Quốc với Liên minh châu Âu (EU) đã trở nên rạn nứt những tháng gần đây, sau khi khối này áp đặt các biện pháp trừng phạt Trung Quốc về các vấn đề nhân quyền ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Biến đổi khí hậu là chủ đề mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Pháp và Đức có thể thảo luận thoải mái. Họ đã trao đổi quan điểm về hiệp định đầu tư giữa Trung Quốc và EU mà hai bên đã ký trước lễ nhậm chức của ông Biden nhưng kể từ đó đã bị đình trệ.

vi-sao-ong-tap-can-binh-phai-lo-lang-khi-biden-de-xuat-hoi-nghi-thuong-dinh-voi-putin133.jpg
Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiến hành cuộc phản công ngoại giao, thảo luận về biến đổi khí hậu với Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Angela Merkel trong một cuộc họp trực tuyến ngày 16.4

Trong khi đó, ở mặt trận Mỹ - Nga, một động thái bất ngờ khác gây khó hiểu cho các nhà hoạch định chính sách ở Trung Quốc.

Hôm 15.4, chỉ 2 ngày sau cuộc điện đàm giữa ông Biden và Putin, Mỹ đã chơi khó với Nga, áp đặt các biện pháp trừng phạt mới với các công ty và cá nhân Nga, trục xuất 10 nhà ngoại giao Nga.

Các biện pháp trừng phạt viện dẫn "các hoạt động đối ngoại có hại" của Chính phủ Nga, bao gồm cả việc sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine năm 2014.

Trung Quốc có quan tâm mạnh mẽ trong tương lai Crimea vì vấn đề chồng chéo về mặt chính trị với Đài Loan dù hai nơi cách xa nhau. Nếu căng thẳng lên đến đỉnh điểm, Trung Quốc có thể cố gắng chiếm Đài Loan bằng vũ lực, giống như Nga đã làm ở Crimea.

Cuộc chiến toàn cầu giữa ông Tập, Biden, Putin về Đài Loan, Ukraine là chìa khóa để hiểu được sự bùng nổ về các hoạt động ngoại giao phức tạp gần đây của ba cường quốc.

Dù Mỹ và Nga không có khả năng xích lại gần nhau một cách nhanh chóng, Trung Quốc vẫn đang dè chừng.

"Ông Biden đã tuyên bố Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất với Mỹ. Không có logic nào để quan hệ Mỹ - Nga trở nên tồi tệ hơn quan hệ Mỹ - Trung", một nhà phân tích nhận xét.

Như để chứng minh điều đó, hôm 19.4, ông Putin tuyên bố sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu - gạt bỏ các lệnh trừng phạt mới của Mỹ với Nga. Nếu ông Putin hy vọng có cuộc gặp thượng đỉnh trực tiếp với Biden trong những tháng tới thì việc nhà lãnh đạo Nga tham dự sự kiện khí hậu như một màn dạo đầu cho cuộc gặp song phương là rất hợp lý.

Sự phân tích kỹ lưỡng của Trung Quốc về chính sách ngoại giao các cường quốc đã được nhìn thấy trong phản ứng đáng kinh ngạc với tuyên bố chung ông Biden - Suga, trong đó đề cập đến Đài Loan. Đây là lần đầu Mỹ - Nhật tuyên bố về Đài Loan từ năm 1969.

Dù đề cập đến Đài Loan là không thể chấp nhận được từ quan điểm của Trung Quốc, nhưng tuyên bố chung Nhật - Mỹ phù hợp với kỳ vọng. Đó là lý do tại sao phản ứng chính thức đầu tiên của Trung Quốc là thông qua Đại sứ quán nước này ở Washington.

Tiếp theo là Đại sứ quán Trung Quốc tại Tokyo và cuối cùng là tuyên bố của Bộ Ngoại giao ở Bắc Kinh.

Trung Quốc chỉ trích tuyên bố của Nhật - Mỹ bày tỏ quan ngại về Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương và các vấn đề khác, đồng thời cảnh báo rằng nước này "sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình".

Trong cuộc chiến căng thẳng, tuyên bố chung giữa Mỹ và Trung Quốc về biến đổi khí hậu đã được ban hành vào 18.4, diễn ra sau khi hội nghị thượng đỉnh Nhật-Mỹ và các sự kiện liên quan ở Washington kết thúc, cũng sau khi John Kerry rời Thượng Hải.

vi-sao-ong-tap-can-binh-phai-lo-lang-khi-biden-de-xuat-hoi-nghi-thuong-dinh-voi-putin1333.jpg
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn Boao châu Á vào ngày 20.4 rằng "cởi mở và hội nhập toàn cầu là xu hướng lịch sử không thể ngăn cản", khi ông tố cáo sự tách rời chuỗi cung ứng trong lĩnh vực công nghệ cao

Nhìn lại các sự kiện trong tháng 4 - cuộc điện đàm giữa ông Biden và Putin, John Kerry đến Trung Quốc, chuyến đi không chính thức của phái đoàn Mỹ tới Đài Loan, ông Suga đến Washington và hội nghị thượng đỉnh về khí hậu do Mỹ dẫn đầu - những điều này dường như đã được kết hợp chặt chẽ vào chiến lược rộng lớn hơn của Nhà Trắng với Trung Quốc.

Trung Quốc muốn thực hiện các biện pháp đối phó hiệu quả. Một mục tiêu mềm với Trung Quốc là Nhật Bản.

Trung Quốc có thể bắt đầu bằng việc điều các tăng cường tàu xâm nhập vào vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản quản lý, mà Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư.

Trung Quốc cũng có thể thể hiện lập trường cứng rắn hơn với quyết định được công bố gần đây của Nhật Bản về việc xả nước đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ra biển. Song công kích Nhật Bản mạnh mẽ có thể không phải là chính sách tốt nhất. Nền kinh tế Trung Quốc sẽ bị giáng một đòn nghiêm trọng trong trung và dài hạn nếu quá trình tách rời chất bán dẫn phụ thuộc lẫn nhau và các chuỗi cung ứng công nghiệp khác diễn ra nhanh chóng.

Bắc Kinh đăng cai Thế vận hội (Olympic) mùa đông vào tháng 2.2022. Trung Quốc sẽ có bước đi như thế nào trong khi cẩn thận không đổ thêm dầu vào lời kêu gọi các nước phương Tây tẩy chay giải đấu thể thao 4 năm một lần?

Hôm 7.4, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết sẽ thảo luận với các đồng minh việc có tẩy chay Thế vận hội mùa đông 2022 ở Trung Quốc hay không, sau khi nhiều nhà hoạt động và chính trị gia đòi tẩy chay sự kiện này do vấn đề Tân Cương.

Lần cuối cùng Mỹ tẩy chay Thế vận hội là vào năm 1980 khi Tổng thống Jimmy Carter không cho cử vận động viện đến Moscow (Nga) giữa lúc Chiến tranh lạnh căng thẳng. Nga đáp trả sau đó bằng việc tẩy chay Thế vận hội mùa hè ở Los Angeles (Mỹ) 4 năm sau đó.

Hôm 20.4, ông Tập Cận Bình đã tham dự lễ khai mạc hội nghị thường niên của Diễn đàn Boao châu Á ở tỉnh Hải Nam, miền nam Trung Quốc thông qua liên kết video. Trong một bài phát biểu, ông nhấn mạnh sự phản đối việc tách rời trong lĩnh vực công nghệ cao và "một cuộc chiến tranh lạnh mới".

Ông Tập nói: “Trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế, mở cửa và hội nhập là xu hướng lịch sử không thể ngăn cản. Những nỗ lực để dựng lên những bức tường hoặc tách rời đi ngược lại quy luật kinh tế cùng các nguyên tắc thị trường. Chúng sẽ làm tổn hại đến lợi ích của người khác mà không mang lại lợi ích cho chính mình".

Khi nào Mỹ và Trung Quốc sẽ tổ chức cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa ông Biden và Tập Cận Bình? Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có thể cần theo dõi và chờ hội nghị thượng đỉnh Biden-Putin để lên kế hoạch cho động thái tiếp theo.

Bài liên quan
Nga gọi Mỹ là 'đối thủ', ông Biden đề xuất hội nghị thượng đỉnh với Putin để giải quyết tranh chấp
Tổng thống Joe Biden hôm 13.4 đã kêu gọi ông Vladimir Putin giảm bớt căng thẳng do quân đội Nga tăng cường ở biên giới Ukraine và đề xuất một hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo để giải quyết một loạt tranh chấp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn khiêm tốn, tăng thấp hơn mục tiêu đặt ra
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Giá trị kinh tế số của Việt Nam vẫn còn ở mức khiêm tốn trong khu vực. Trung bình thời kỳ 2020-2023, giá trị gia tăng của kinh tế số chỉ chiếm khoảng 12,5% so với GDP, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao ông Tập phải hoang mang khi Biden đề xuất hội nghị thượng đỉnh với Putin?