Tổng thống Philippines - Rodrigo Duterte đặt mua 20 triệu liều vắc xin Sputnik V của Nga trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với ông Putin.

Căng thẳng Philippines-Trung Quốc chưa dứt, ông Duterte quay sang thần tượng đặt 20 triệu liều vắc xin COVID-19

Nhân Hoàng | 16/04/2021, 15:53

Tổng thống Philippines - Rodrigo Duterte đặt mua 20 triệu liều vắc xin Sputnik V của Nga trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với ông Putin.

canh-thang-philippines-trung-quoc-chua-dut-duterte-quay-sang-than-tuong-dat-20-trieu-lieu-vac-xin-covid-19.jpg
Tổng thống Rodrigo Duterte xem ông Putin là thần tượng

Ông Rodrigo Duterte đã kết nối lại với "người hùng yêu thích" của mình là Tổng thống Vladimir Putin vì vắc xin COVID vào thời điểm tranh chấp trên Biển Đông khiến mối quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc thêm căng thẳng.

Hai nhà lãnh đạo Philippines và Nga đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến hôm 13.4, trong đó ông Duterte đặt hàng 20 triệu liều vắc xin COVID-19 của Nga là Sputnik V. Động thái này làm đa dạng hóa các nguồn vắc xin chống COVID-19 của ông Rodrigo Duterte ngoài Mỹ và Trung Quốc khi căng thẳng giữa Philippines và Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông đang âm ỉ.

"Tổng thống Duterte và Tổng thống Putin nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục tăng cường hợp tác để đánh bại đại dịch COVID-19", thông báo từ văn phòng của ông Duterte sau cuộc gặp "cởi mở và hiệu quả" giữa hai nhà lãnh đạo.

Cuộc gặp là lần tương tác đầu tiên được biết đến giữa hai người kể từ chuyến thăm Nga của ông Duterte vào tháng 10.2019.

Chester Cabalza, người sáng lập Tổ chức Hợp tác An ninh và Phát triển Quốc tế ở Thủ đô Manila (Philippines), nói: “Tất cả chỉ tập trung vào ngoại giao vắc xin bởi Philippines muốn có thêm nguồn cung cấp. Có thể đây cũng là một phần trong chiến thuật đa dạng hóa của Duterte trong bối cảnh quan điểm chính trị hiện tại mà ông có với Trung Quốc".

Philippines đang phải vật lộn với một trong những đợt bùng phát COVID-19 tồi tệ nhất ở châu Á. Ông Duterte đã nhờ Trung Quốc hỗ trợ, bao gồm cả việc mua 25 triệu liều vắc xin Sinovac Biotech.

Trung Quốc đã cung cấp 2,5 triệu trong số 3 triệu liều vắc xin mà Philippines hiện nắm giữ, bao gồm 1 triệu mũi tiêm Sinovac mà Bắc Kinh viện trợ. Song sau khi viện trợ đến vào tháng trước, quân đội Philippines phát hiện 220 tàu cá Trung Quốc ở bãi đá Ba Đầu trên Biển Đông.

Trung Quốc đã từ chối yêu cầu của Philippines về việc rút các tàu này, gây ra một cuộc đối đầu công khai hiếm hoi giữa các quan chức hai nước. Đầu tuần này, bộ phận đối ngoại của Philippines đã triệu tập đại sứ Trung Quốc vì vấn đề này, trong khi quân đội đã triển khai thêm tàu ​​hải quân để tuần tra ở vùng biển tranh chấp.

canh-thang-philippines-trung-quoc-chua-dut-duterte-quay-sang-than-tuong-dat-20-trieu-lieu-vac-xin-covid-192.jpg
Công nhân xếp các hộp vắc xin CoronaVac của Sinovac Biotech (Trung Quốc) lên xe tải tại Căn cứ Không quân Villamor ở vùng đô thị Metro Manila, Philippines vào tháng 2.2021

"Với sự giúp đỡ của Nga về vắc xin, tôi nghĩ rằng không có sự có đi có lại", Chester Cabalza nói và giải thích rằng Nga dường như không muốn bất cứ thứ gì để đổi lấy vắc xin COVID-19.

Ông Chester Cabalza nói thêm: "Lý do tại sao Nga tương tác với Philippines là vì dầu mỏ và kinh doanh, không liên quan gì đến Biển Đông hay vi phạm nhân quyền của chính phủ".

Philippines cũng đang tìm kiếm tới 40 triệu liều vắc xin từ công ty Pfizer (Mỹ) sau khi đặt hàng 20 triệu liều với Moderna (Mỹ).

Kể từ khi lên nắm quyền vào năm 2016, ông Duterte đã thân thiện với Trung Quốc và Nga theo chính sách đối ngoại "độc lập" của mình.

Chính sách này được nhiều người coi là một động thái rời bỏ Mỹ, đồng minh ký Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Philippines, vốn đã chỉ trích chiến dịch chống ma túy tàn bạo của ông Duterte khiến hàng ngàn người thiệt mạng.

Khi được một phóng viên hỏi vào 2016 về ứng cử viên Tổng thống Mỹ mà ông ủng hộ trong cuộc bầu cử năm đó, Duterte nói rằng "không thể có câu trả lời" nhưng cho biết thêm "người hùng yêu thích của tôi là Putin".

Nga đã tài trợ súng trường, xe tải cho lực lượng an ninh Philippines và đang thăm dò các dự án năng lượng, bao gồm cả việc hồi sinh nhà máy điện hạt nhân không hoạt động ở Manila, vốn đã tiêu tốn 2,3 tỉ USD để xây dựng nhưng chưa bao giờ được sử dụng.

Cuối năm 2019, cựu Đại sứ Nga tại Manila - Igor Khovaev cho biết ông Putin đã đồng ý thăm Philippines theo lời mời từ Duterte. Tuần này, ông Duterte đã gia hạn lời mời Tổng thống Nga đến "ngay khi hoàn cảnh cho phép, điều mà ông Putin hoan nghênh", theo thông báo từ văn phòng Tổng thống Philippines.

Năm ngoái, giữa những nghi ngờ từ các nước phương Tây về hiệu quả của vắc xin Sputnik V, ông Duterte trở thành một trong những người ủng hộ sớm nhất, sẵn sàng tiêm thử. Trong cuộc họp tuần này, ông Duterte "cảm ơn Tổng thống Putin về cam kết của Nga trong việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả việc chống lại đại dịch COVID-19".

Trong hội nghị thượng đỉnh trực tuyến, cả hai nhà lãnh đạo cũng lưu ý quan hệ quốc phòng và kinh tế được cải thiện giữa Philippines với Nga, kỷ niệm 45 năm quan hệ song phương vào năm nay. Tổng giao thương giữa hai nước đã tăng lên 1,1 tỉ USD vào năm 2019, gần gấp ba lần so với mức 421,6 triệu USD vào năm 2015 trước khi ông Duterte lên nắm quyền, theo Cơ quan Thống kê Philippines.

Chester Cabalza cho biết hội nghị thượng đỉnh mới nhất của ông Duterte với Putin cũng có thể báo hiệu sự thay đổi trong chính sách đối ngoại "độc lập" của Tổng thống Philippines, vốn "thân Trung Quốc hơn và rời xa Mỹ".

"Khi tiến hành quá trình và thấy rằng hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông không thay đổi, chính quyền Philippines hiện đã suy nghĩ kỹ rằng có lẽ không thể dựa vào Bắc Kinh và đó là lý do tại sao họ kêu gọi đồng minh", Chester Cabalza nhận định.

Hiện Philippines ghi nhận 914.971 ca mắc COVID-19 với 15.738 người chết và 705.757 trường hợp hồi phục. Số ca mắc mới trong ngày gần nhất là 10.726.

Bài liên quan
Tổng thống Putin gặp các phản ứng phụ khi tiêm vắc xin COVID-19, từ chối tiết lộ loại nào
Hãng thông tấn Interfax đưa tin, Tổng thống Vladimir Putin hôm 28.3 cho biết ông đã gặp phải các phản ứng phụ nhỏ từ vắc xin coronavirus sau khi tiêm mũi đầu tiên vào hôm 17.3.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Căng thẳng Philippines-Trung Quốc chưa dứt, ông Duterte quay sang thần tượng đặt 20 triệu liều vắc xin COVID-19