Dù hiếm khi dùng giọng điệu cứng rắn hay thể hiện vai trò đối ngoại quá nổi bật, Singapore đã lên tiếng mạnh mẽ trước tình trạng "đổ máu" tại Myanmar.

Vì sao Singapore ‘to tiếng’ với Myanmar?

Cẩm Bình | 01/04/2021, 10:55

Dù hiếm khi dùng giọng điệu cứng rắn hay thể hiện vai trò đối ngoại quá nổi bật, Singapore đã lên tiếng mạnh mẽ trước tình trạng "đổ máu" tại Myanmar.

Singapore có truyền thống đối ngoại “im lặng” và là hình mẫu của nguyên tắc đối ngoại không can thiệp chuyện nội bộ nước khác do ASEAN đặt ra. Lúc Myanmar xảy ra chính biến đầu tháng 2, đảo quốc sư tử dường như vẫn giữ vững truyền thống này mặc dù quan hệ giữa họ và chính quyền của bà Aung San Suu Kyi khá thân thiết.

Phản ứng ban đầu của họ giống như lúc quân đội Thái Lan đảo chính năm 2014: “Singapore bày tỏ quan ngại sâu sắc. Chúng tôi hy vọng tình hình sớm trở lại bình thường”.

Thế rồi giọng điệu thay đổi sau khi quân đội Myanmar triển khai chiến dịch đàn áp biểu tình khiến hơn 500 dân thường thiệt mạng. Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố không thể chấp nhận việc sử dụng bạo lực giết người đồng thời gọi đây là thảm họa. Ngoại trưởng Vivian Balakrishnan nặng lời hơn: “Lực lượng vũ trang một nước dùng vũ khí chống lại chính người dân là nỗi hổ thẹn quốc gia”.

lynxmpeh23072_l.jpg
Chiến dịch đàn áp biểu tình của quân đội Myanmar đã đi quá xa - Ảnh: Getty Images

Từ ngữ nặng nề trên từng xuất hiện năm 2007 lúc Myanmar cũng đang diễn ra một đợt đàn áp biểu tình. Giới phân tích cho biết trước thảm họa nhân đạovới người Rohingya kéo dài suốt 5 năm qua, Singapore cũng không chỉ trích cứng rắn như vậy.

Giữa bối cảnh tình hình hiện tại, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan lần lượt công du Brunei (đương kim Chủ tịch ASEAN), Malaysia, Indonesia để bàn chuyện Myanmar. Ông vừa đến Trung Quốc (lần đầu tiên kể từ năm 2019) gặp người đồng cấp Vương Nghị và đề cập đến Myanmar.

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore - Vivian Balakrishnan và người đồng cấp Trung Quốc - Vương Nghị đã "kêu gọi giảm leo thang tình hình, ngừng bạo lực và bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên".

Ngoại trưởng Vương Nghị lưu ý rằng Myanmar là một thành viên quan trọng của gia đình ASEAN. Ông vui khi thấy và ủng hộ nỗ lực của khối trong việc duy trì nguyên tắc "không can thiệp", đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự ổn định của tình hình ở Myanmar thông qua "cách tiếp cận ASEAN”.

Giám đốc Viện nghiên cứu SEAS-Yusof Ishak (Singapore) Choi Shing Kwok nói: “Trong khủng hoảng hiện tại, ASEAN thực sự phải hành động. Phải hành động nhanh”.

Giáo sư Chong Ja Ian thuộc Đại học quốc gia Singapore nhận định đảo quốc sư tử nhận thức được nếu họ không ra tay ngay bây giờ thì ASEAN sẽ mất vai trò - điều không tốt cho lợi ích của chính họ.

singapore.jpg
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan gọi tình hình tại Myanmar là "thảm kịch" - Ảnh: EPA

Là quốc gia diện tích nhỏ và dân số ít, trở thành một phần của ASEAN giúp Singapore tạo đối trọng với các cường quốc thế giới qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho chính sách ngoại giao cân bằng: Làm đối tác an ninh của Mỹ mà không mất lòng Trung Quốc. ASEAN cũng góp phần nâng cao tiếng nói của Singapore trên trường quốc tế.

Tuần trước Ngoại trưởng Balakrishnan nhắc nhở: “Bày tỏ quan điểm, lập trường và có thể cung cấp một số hỗ trợ mang tính xây dựng cho Myanmar rất cần thiết để duy trì uy tín, vai trò trung tâm và sự liên quan của ASEAN”. Ông nhấn mạnh khủng hoảng cần thời gian giải quyết nhưng ASEAN cần xác định rõ vai trò.

Một số quốc gia Đông Nam Á tin rằng khi Mỹ cùng phương Tây lên án mạnh mẽ đồng thời nhanh chóng áp đặt trừng phạt với quân đội Myanmar thì lực lượng này sẽ xích lại gần Trung Quốc hơn. Thế cân bằng quyền lực ở khu vực sẽ bị phá vỡ.

“Trong tình huống một bên chiếm ưu thế hơn bên kia, mức độ tự quyết mà Singapore được hưởng sẽ giảm đi”, Giáo sư Chong phân tích.

Bên cạnh nỗi lo về ổn định khu vực và uy tín của ASEAN, Singapore còn hành động vì lợi ích kinh tế. Đảo quốc sư tử là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của Myanmar: Tổng số tiền đầu tư được phê duyệt tính đến năm 2020 là 24,1 tỉ USD - vượt qua cả Trung Quốc. Lĩnh vực đầu tư trải dài từ bất động sản đến tiệm cà phê.

Vài doanh nghiệp Singapore thời gian qua bị người biểu tình Myanmar tẩy chay do chính quyền Thủ tướng Lý Hiển Long nói rõ không áp đặt trừng phạt. Họ nhận định làm vậy thì dân thường chịu thiệt hại nhiều hơn quân đội.

Thay vào đó, Singapore đang cố gắp hợp tác cùng một số thành viên ASEAN cùng chí hướng khác. Singapore không thể hành động một mình nhưng có thể thúc đẩy ASEAN đưa ra hành động mạnh mẽ hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
23 phút trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Singapore ‘to tiếng’ với Myanmar?