Công nhân Amazon ở Đức đang tham gia một cuộc đình công kéo dài 4 ngày sau lời kêu gọi từ công đoàn Verdi. Công ty thường xuyên bị chỉ trích vì vấn đề tiền lương và điều kiện làm việc.
Công nhân Amazon ở Đức đã đình công tại các địa điểm trên toàn quốc nhằm hưởng ứng lời kêu gọi từ công đoàn Verdi. Cuộc đình công kéo dài 4 ngày được lên kế hoạch vào cuối ngày Chủ nhật 28.3, trong đó các công nhân yêu cầu gã khổng lồ thương mại điện tử phải tăng lương.
Các cuộc đình công đã được lên kế hoạch cho các địa điểm của Amazon ở Werne và Rhineburg, cả hai đều nằm ở bang North Rhine-Westphalia, miền tây nước Đức. Các địa điểm của Amazon ở các thành phố Leipzig và Koblenz sẽ bị ảnh hưởng, cùng với hai địa điểm ở thị trấn Bad Hersfeld ở Hesse.
Tại sao công đoàn muốn trả lương cao hơn cho công nhân Amazon?
Đại diện Orhan Akman của Verdi cho biết: "Amazon đang kiếm được bộn tiền từ cuộc khủng hoảng COVID-19. Vì lý do này, việc lẩn tránh tăng lương phải ngừng lại ngay lúc này". Lợi nhuận của Amazon đã tăng vọt trong đại dịch COVID-19, khi người tiêu dùng chuyển sang mua sắm trực tuyến tại nhà thay vì đến các nhà bán lẻ truyền thống.
Akman đã cáo buộc Amazon không tuân thủ các nguyên tắc cách ly xã hội nhằm giữ an toàn cho nhân viên khỏi bị lây nhiễm. Công ty đã bác bỏ cáo buộc, và cho biết họ đã thực hiện các biện pháp bổ sung để bảo vệ người lao động.
Amazon tuyên bố vào tối ngày 28.3: “Những biện pháp này bao gồm tăng khoảng thời gian làm sạch và khử trùng, đo nhiệt độ khi bước vào các tòa nhà, bắt buộc đeo khẩu trang, quy tắc giãn cách 2 mét và thời gian làm trong ca và nghỉ so le nhau”.
Các địa điểm của Amazon ở Đức là mục tiêu của các cuộc đình công do công đoàn lãnh đạo kể từ năm 2013. Công nhân Amazon ở Ý cũng đã tổ chức đình công vào tuần trước, trong đó các đại diện lao động Ý kêu gọi công ty này chia sẻ lợi nhuận với phía công nhân.
Các hoạt động của Amazon ở Đức là gì?
Cuộc đình công diễn ra sau khi công ty thông báo ngày 26.3 rằng họ sẽ thuê 5.000 nhân viên mới ở Đức trong năm nay. Điều này sẽ tăng lực lượng lao động của Amazon tại nền kinh tế lớn nhất châu Âu từ 23.000 lên 28.000 nhân viên.
Đức là thị trường lớn thứ hai của Amazon sau Mỹ, nơi công ty đặt trụ sở chính. Gã khổng lồ thương mại điện tử được thành lập vào năm 1994 bởi doanh nhân Jeff Bezos có trụ sở tại Seattle, người hiện đã trở thành người giàu nhất thế giới, theo tạp chí kinh doanh Forbes của Mỹ.
Ngoài các cuộc đình công ở Đức và Ý, Amazon cũng đang đối phó với phản ứng dữ dội có thể xảy ra từ người lao động ở Mỹ.
Các công nhân của Amazon tại nhà kho Bessemer, Alabama sẽ kết thúc cuộc bỏ phiếu vào ngày 30.3 về việc có nên lập công đoàn hay không. Kết quả sẽ xác định liệu công nhân Bessemer có thành lập liên đoàn lao động Mỹ đầu tiên trong lịch sử dài 27 năm của Amazon hay không.