Hầu như không được thế giới bên ngoài biết đến nhưng quân đội Myanmar cũng đang đàn áp những người dân tộc thiểu số ở vùng nông thôn, theo Denis D. Gray. Ông là cựu phóng viên hãng thông tấn AP (Mỹ), viết về các dân tộc thiểu số của Myanmar từ những năm 1970.

‘Thế giới cần biết các dân tộc thiểu số cũng đang bị quân đội Myanmar đàn áp, cướp đất’

Nhân Hoàng | 31/03/2021, 21:22

Hầu như không được thế giới bên ngoài biết đến nhưng quân đội Myanmar cũng đang đàn áp những người dân tộc thiểu số ở vùng nông thôn, theo Denis D. Gray. Ông là cựu phóng viên hãng thông tấn AP (Mỹ), viết về các dân tộc thiểu số của Myanmar từ những năm 1970.

the-gioi-can-biet-cac-dan-toc-thieu-so-cung-dang-bi-quan-doi-myanmar-dan-ap-cuop-dat2.jpg
Những người dân làng chạy trốn khỏi bang Karen hôm 28.3 sau cuộc không kích của quân đội Myanmar. Trước đó, nhóm phiến quân Liên minh Quốc gia Karen tấn công tiền đồn quân đội ở biên giới, giết chết 10 lính

Sự chú ý của thế giới đang tập trung vào những hành động bạo lực của quân đội đang diễn ra ở trung tâm Myanmar: Các thị trấn, thành phố và làng mạc. Đây là nơi những người biểu tình ủng hộ dân chủ phản đối cuộc đảo chính ngày 1.2 đang bị lực lượng quân sự bắn hạ.

Ở nơi khác, các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 40% dân số Myanmar cũng đang bị đàn áp. Động thái mới của quân đội Myanmar nhắm vào các khu vực nông thôn với dân tộc thiểu số đã mở ra một mặt trận nguy hiểm trong nỗ lực xoa dịu người dân, vốn đã từ chối một cách rõ ràng sự thâu tóm quyền lực của Thượng tướng Min Aung Hlaing.

Kể từ đầu năm nay, hơn 10.000 thành viên dân tộc thiểu số Karen đã bị đuổi khỏi làng của họ, chủ yếu ở bang Karen, do quân đội Myanmar đốt phá nhà cửa và hoa màu, tra tấn, giết chết một số cư dân.

Ở những nơi khác, với khuôn mẫu đã cũ kỹ, các lực lượng quân đội Myanmar đã tiến hành các cuộc càn quét để tịch thu đất đai, thiết lập các căn cứ quân sự và khai thác tài nguyên trong các khu vực người dân tộc thiểu số, chủ yếu nằm ở vùng đồi núi phía bắc và phía đông lẫn trên bờ biển phía tây.

Tất cả vụ việc này (được phát trên truyền hình khi xảy ra trên các đường phố nhưng ít được tường thuật bằng hình ảnh từ những ngọn đồi xa xôi) phát sinh từ bi kịch mà cả hai phía phải giải quyết trước khi Myanmar có thể thoát khỏi hơn 6 thập kỷ bạo lực, áp bức và giành được công bằng, quy tắc dân chủ.

Vụ đầu tiên liên quan đến cuộc chiến giữa quân đội với các lực lượng ủng hộ dân chủ chủ yếu ở thành thị. Quân đội là lực lượng đã giữ Myanmar trong thế kìm kẹp gần như liên tục kể từ năm 1962.

Vụ thứ hai gây ra một loạt các cuộc nổi dậy của dân tộc thiểu số chống lại sự thống trị về thể chế với đa số người Miến Điện. Kể từ khi Myanmar giành độc lập khỏi Vương quốc Anh vào năm 1948, những nhóm dân tộc thiểu số này, từng có số lượng người chết lớn hơn nhiều và chịu đựng nhiều đau khổ hơn các nhà hoạt động dân chủ ở Myanmar, đã tìm kiếm quyền tự trị hoặc độc lập.

Trong số những người Karen, Shan, Karenni, Kachin và các dân tộc thiểu số khác, nỗi sợ hãi quân đội đã trở thành yếu tố cơ bản của cuộc sống nhiều thập kỷ. Những người lính đã thiêu sống các gia đình, hãm hiếp phụ nữ tập thể, giết trẻ em và bắt đàn ông làm công việc bốc vác như nô lệ. Theo Viện xuyên quốc gia có trụ sở tại Hà Lan, trong 5 năm qua ở Myanmar, có tới 10.000 người thiệt mạng với hàng trăm ngàn người buộc phải rời bỏ nhà cửa.

Điều này đã được ghi chép cẩn thận bởi các chính phủ nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ và Liên Hợp Quốc, nhưng có rất ít tác động. Do khó tiếp cận nên việc chụp được những kiểu ảnh làm rung động lương tâm thế giới trở nên khó khăn, tình hình rất phức tạp và khó hiểu với người ngoài cuộc.

Không như sự kiện thu hút sự chú ý như các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đang diễn ra hơn 2 tháng qua, cuộc chiến chống lại các nhóm thiểu số diễn ra chậm chạp và khốc liệt - một ngôi làng bị đốt cháy ở đây, hàng chục thanh niên bị giết ở đó, các cuộc đàn áp lặp lại không ngừng mà thế giới bên ngoài hầu như không thể thấy được.

Quân nổi dậy chưa bao giờ đạt được thành công trong các cuộc đàm phán với chính phủ hoặc chiến thắng quyết định trên các chiến trường.

the-gioi-can-biet-cac-dan-toc-thieu-so-cung-dang-bi-quan-doi-myanmar-dan-ap-cuop-dat.jpg
Các binh sĩ của quân đội bang Shan tham gia cuộc diễn tập tại căn cứ của họ gần làng Loi Tai Leng vào tháng 2.2010

Thuộc tổ chức Free Burma Rangers cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân tộc thiểu số Myanmar 25 năm qua, David Eubank chia sẻ: "Có một cảm giác đoàn kết giữa các dân tộc và phần lớn người Miến Điện ở vùng đồng bằng. Nhưng họ bị hạn chế về khả năng vì không thể bảo vệ người dân của mình trên núi".

Một số người biểu tình dân chủ trẻ tuổi giờ đây nhận ra rằng các dân tộc thiểu số đã phải chịu đựng nhiều như thế nào khi quân đội sử dụng bạo lực tương đương như với họ. Song, những tình cảm như vậy có thể không được phổ biến rộng rãi. Bản thân các dân tộc đã không thể tạo nên một liên minh thực sự, vẫn bị ảnh hưởng bởi lịch sử, mục tiêu đa dạng và sự nghi ngờ lẫn nhau.

Ngoài ra còn có sự phân biệt chủng tộc, bài ngoại sâu sắc ở người Burman, thể hiện rõ nhất khi nhiều người cổ vũ quân đội thực hiện chiến dịch giết người chống lại người thiểu số Rohingya theo đạo Hồi tại bang Rakhine, miền tây Myanmar vào năm 2017. Theo Liên Hợp Quốc, hơn 860.000 người Rohingya đã bị đuổi khỏi đất nước trong "ví dụ sách giáo khoa về thanh lọc sắc tộc", gia nhập cùng 300.000 người chạy trốn trước đó sang nước láng giềng Bangladesh.

Các nỗ lực hòa giải dân tộc hầu như không có kết quả trong gần 5 năm khi Myanmar được điều hành bởi bà Aung San Suu Kyi, nhà lãnh đạo dân chủ bị lật đổ trong cuộc đảo chính hồi 1.2.2021.

Chính phủ đã được thỏa thuận ngừng bắn với một số nhóm nổi dậy, nhưng hóa ra lại khá bấp bênh. Sau cuộc đảo chính ở Myanmar, 10 trong số các nhóm này đã từ chối công nhận chính quyền quân sự. Các cuộc đàm phán hòa bình đã tan thành mây khói.

Những thay đổi địa chấn và bất ngờ xảy ra trong địa chính trị, chẳng hạn sự tan rã của Liên Xô và sự thành công của nền dân chủ ở Indonesia. Ở Myanmar, quân đội có thể chia rẽ, với một phe có thế lực tham gia phong trào ủng hộ dân chủ. Trung Quốc, nước ủng hộ mạnh mẽ nhất với quân đội Myanmar, có thể phải đưa ra quyết định rằng lợi ích lâu dài của họ nằm ở việc cắt đứt hay giữ quan hệ với các tướng lĩnh. Có lẽ vào khoảng thời gian này, cộng đồng quốc tế sẽ áp đặt biện pháp trừng phạt lâu dài với chế độ quân sự. Song nếu lịch sử của Myanmar kể từ năm 1962 là chỉ dẫn đáng tin cậy, thế giới sẽ lại thất bại trong việc ngăn cản quốc gia Đông Nam Á này rơi vào những năm đen tối hơn dưới sự cai trị của quân đội. Nếu chính quyền quân sự chiếm ưu thế, số lượng cuộc nổi dậy của các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số chắc chắn sẽ tăng. Dấu chấm hết cho bị kịch của Myanmar dường như không còn xuất hiện trong tầm mắt.

Nhóm phiến quân Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một trong những nhóm dân tộc có vũ trang lớn nhất Myanmar hoạt động dọc biên giới phía đông với Thái Lan, hôm 30.3 cho biết đang chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn vào chính phủ quân sự.

"Không có lý do chính đáng nào để giết, làm hại và khủng bố những người vô tội, bao gồm phụ nữ, người lớn tuổi và trẻ em, trong đêm khuya", KNU tuyên bố.

KNU kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nước láng giềng Thái Lan, giúp đỡ người Karen chạy trốn khỏi "cuộc tấn công dữ dội" và kêu gọi các quốc gia cắt đứt quan hệ với chính quyền quân sự để ngăn chặn bạo lực với dân thường.

Trong khi đó, Quân đội độc lập Kachin (KIA), một nhóm nổi dậy ở phía bắc, đã tấn công đồn cảnh sát ở bang Kachin lúc 3 giờ sáng hôm 31.3.

Trước đó, ba nhóm vũ trang dân tộc của liên minh phía bắc, Quân đội Arakan, Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang và Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar, ra tuyên bố chung "lên án mạnh mẽ hành động của quân đội Myanmar với dân thường không vũ trang". Ba nhóm yêu cầu quân đội Myanmar ngừng giết chóc dân thường không có vũ khí và tìm ra một giải pháp chính trị. Họ cũng tuyên bố sẽ bảo vệ người dân nếu quân đội tiếp tục tàn bạo với dân thường.

Ủy ban Đại diện cho Nghị viện Liên minh (CRPH) ra thông cáo hoan nghênh thông báo của ba nhóm nổi dậy. "CRPH đã kêu gọi họ làm việc cùng nhau vì sự thành công của cuộc cách mạng và thành lập liên minh dân chủ liên bang", CRPH cho biết.

CRPH chủ yếu bao gồm các nhà lập pháp trước đây của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) được bầu vào tháng 11.2020, đang kêu gọi mọi người quyên góp tiền thông qua huy động vốn cộng đồng để hỗ trợ cuộc kháng chiến. Đến nay CRPH đã huy động được 9,2 triệu USD, theo một trang web gây quỹ cộng đồng.

Bài liên quan
Dân hưởng ứng chiến dịch ném rác khi 510 người chết, 3 nhóm nổi dậy cảnh báo quân đội Myanmar
Những người biểu tình Myanmar đã tổ chức lễ thắp nến qua đêm sau khi lực lượng an ninh đã giết chết hơn 500 người kể từ cuộc đảo chính ngày 1.2. Hôm 30.3, các nhà hoạt động phát động chiến dịch vứt rác ra đường.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Thế giới cần biết các dân tộc thiểu số cũng đang bị quân đội Myanmar đàn áp, cướp đất’