Đặc phái viên Liên Hợp Quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an hành động để tránh tình trạng 'tắm máu' ở Myanmar.

Mỹ thúc giục Trung Quốc can thiệp tình hình Myanmar, quân đội công bố ngừng bắn 1 tháng

Nhân Hoàng | 01/04/2021, 07:36

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an hành động để tránh tình trạng 'tắm máu' ở Myanmar.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar - Christine Schraner Burgener nói trong phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 31.3 rằng “cuộc tắm máu sắp xảy ra” vì quân đội tăng cường đàn áp những người biểu tình chống đảo chính.

Bà Christine Schraner Burgener nói trong phiên họp kín của hội đồng gồm 15 thành viên rằng quân đội nắm chính quyền ở Myanmar vào ngày 1.2 không đủ khả năng quản lý đất nước và cảnh báo tình hình trên thực tế sẽ chỉ tồi tệ hơn.

“Hãy xem xét tất cả các công cụ hiện có để thực hiện hành động tập thể và làm những gì đúng, những gì người dân Myanmar xứng đáng và ngăn chặn thảm họa đa chiều ở trung tâm châu Á.

Hội đồng phải xem xét hành động quan trọng tiềm tàng để đảo ngược tiến trình của các sự kiện vì một cuộc tắm máu sắp xảy ra”, bà Schraner Burgener cho hay.

my-keu-goi-trong-quoc-can-thiep-vao-myanmar.jpg
Những người đàn ông bỏ chạy trong cuộc biểu tình chống lại cuộc đảo chính quân sự, ở thành phố Yangon, Myanmar - ảnh: Reuters

Anh đã yêu cầu tổ chức cuộc họp tại Liên Hợp Quốc để đối phó với tình trạng bạo lực ngày càng trầm trọng ở Myanmar.

Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, ít nhất 521 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính, 141 người trong số đó vào 27.3 - ngày đẫm máu nhất của tình hình bất ổn.

Giao tranh cũng bùng phát giữa quân đội và các dân tộc thiểu số nổi dậy ở các vùng biên giới. Những người tị nạn chạy trốn khỏi tình trạng hỗn loạn đang tìm sự an toàn ở nước láng giềng như Thái Lan, Ấn Độ.

Những hành động bạo lực này của quân đội là hoàn toàn không thể chấp nhận được và cần một thông điệp mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế”, Barbara Woodward, Đại sứ Anh tại Liên Hợp Quốc, cho biết trong một cuộc họp báo sau phiên họp Hội đồng bảo an.

Bà Barbara Woodward nói thêm, Hội đồng Bảo an “nên đóng vai trò của mình trong một phản ứng quốc tế”.

Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đến nay đã đưa ra hai tuyên bố bày tỏ quan ngại và lên án bạo lực chống lại những người biểu tình, nhưng bỏ ngôn ngữ chỉ trích cuộc tiếp quản chính quyền của quân đội Myanmar là đảo chính do sự phản đối từ Trung Quốc, Nga và Ấn Độ, mà chỉ đe dọa sẽ có thể thực hiện thêm hành động.

Bhristine Schraner Burgener cho biết bà hy vọng sẽ thăm khu vực vào tuần tới để tiếp tục tham vấn với các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và các nhà lãnh đạo khác.

"Tôi tin chắc rằng không một quốc gia ASEAN hoặc những nước khác có chung biên giới với Myanmar lại muốn có một quốc gia thất bại với tư cách là nước láng giềng của họ. Tôi tin tưởng vào các thành viên khu vực này sẽ đóng những vai trò quan trọng và độc nhất của họ trong việc thuyết phục quân đội rằng những gì họ đang hướng tới sẽ không hiệu quả và giúp điều hướng một cách có trật tự, hòa bình khỏi tình huống này", bà chia sẻ.

my-keu-goi-trong-quoc-can-thiep-vao-myanmar2.jpg
Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Myanmar - Christine Schraner Burgener

Trước đó, Mỹ tiếp tục thúc giục Trung Quốc "sử dụng ảnh hưởng của mình để quy trách nhiệm cho những kẻ chịu trách nhiệm về cuộc đảo chính quân sự này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - Ned Price nói trong một cuộc họp báo.

Ông Ned Price cho hay: “Những gì quân đội đã làm ở Myanmar không vì lợi ích của Mỹ. Đó không phải là lợi ích của các đối tác và đồng minh chúng tôi. Và cũng không phải vì lợi ích của Trung Quốc".

Ông Ned Price nói cuộc khủng hoảng Myanmar đã được hai bên Mỹ và Trung Quốc thảo luận trong cuộc họp ở bang Alaska cũng như giữa nước này với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc.

"Tôi nghĩ khi nói đến Trung Quốc, chính phủ nước này chắc chắn có thể làm được nhiều hơn. Họ có thể nói nhiều hơn, vì Trung Quốc thực sự có nhiều ảnh hưởng", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói thêm.

Bộ trưởng Ngoại giao Singapore - Vivian Balakrishnan và người đồng cấp Trung Quốc - Vương Nghị đã "kêu gọi giảm leo thang tình hình, ngừng bạo lực và bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên".

Ngoại trưởng Vương Nghị lưu ý rằng Myanmar là một thành viên quan trọng của gia đình ASEAN. Ông vui khi thấy và ủng hộ nỗ lực của khối trong việc duy trì nguyên tắc "không can thiệp", đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự ổn định của tình hình ở Myanmar thông qua "cách tiếp cận ASEAN”.

Trung Quốc là tâm điểm của một loạt ngoại giao trong tuần này khi bộ trưởng ngoại giao Singapore, Malaysia, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc sẽ lần lượt thực hiện các chuyến thăm nước này trong bối cảnh xảy ra cuộc khủng hoảng ở Myanmar.

Chính quyền quân sự Myanmar công bố ngừng bắn

Hôm 31.3, quân đội Myanmar đơn phương công bố lệnh ngừng bắn trong 1 tháng với các lực lượng dân tộc thiểu số, nhưng loại trừ với các hành động cản trở hoạt động an ninh và hành chính của chính quyền.

Trong tuyên bố trên đài quốc gia MRTV ngày 31.3, quân đội Myanmar kêu gọi các nhóm vũ trang dân tộc thiểu số "giữ hòa bình" và họ sẽ ngừng "các hành động đơn phương từ ngày 1 đến 30.4". Tuy nhiên, quân đội khẳng định sẽ tiếp tục đáp trả "các hành động phá hoại an ninh và chính quyền", được hiểu là nói đến phong trào biểu tình đang diễn ra hằng ngày ở Myanmar.

Thông báo được đưa ra sau vụ đụng độ với các nhóm vũ trang của các dân tộc thiểu số Myanmar tại khu vực gần biên giới.

Hiện chưa có phản ứng nào được đưa ra từ các nhóm vũ trang sau khi chính quyền quân sự công bố ngừng bắn.

Hôm 30.3, nhóm phiến quân Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một trong những nhóm dân tộc có vũ trang lớn nhất Myanmar hoạt động dọc biên giới phía đông với Thái Lan, cho biết đang chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn vào chính phủ quân sự.

"Không có lý do chính đáng nào để giết, làm hại và khủng bố những người vô tội, bao gồm phụ nữ, người lớn tuổi và trẻ em, trong đêm khuya", KNU tuyên bố.

KNU kêu gọi cộng đồng quốc tế, đặc biệt là nước láng giềng Thái Lan, giúp đỡ người Karen chạy trốn khỏi "cuộc tấn công dữ dội" và kêu gọi các quốc gia cắt đứt quan hệ với chính quyền quân sự để ngăn chặn bạo lực với dân thường.

Trong khi đó, Quân đội độc lập Kachin (KIA), một nhóm nổi dậy ở phía bắc, đã tấn công đồn cảnh sát ở bang Kachin lúc 3 giờ sáng hôm 31.3.

Trước đó, ba nhóm vũ trang dân tộc của liên minh phía bắc, Quân đội Arakan, Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta'ang và Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar, ra tuyên bố chung "lên án mạnh mẽ hành động của quân đội Myanmar với dân thường không vũ trang". Ba nhóm yêu cầu quân đội Myanmar ngừng giết chóc dân thường không có vũ khí và tìm ra một giải pháp chính trị. Họ cũng tuyên bố sẽ bảo vệ người dân nếu quân đội tiếp tục tàn bạo với dân thường.

Ủy ban Đại diện cho Nghị viện Liên minh (CRPH) ra thông cáo hoan nghênh thông báo của ba nhóm nổi dậy. "CRPH đã kêu gọi họ làm việc cùng nhau vì sự thành công của cuộc cách mạng và thành lập liên minh dân chủ liên bang", CRPH cho biết.

CRPH chủ yếu bao gồm các nhà lập pháp trước đây của đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) được bầu vào tháng 11.2020, đang kêu gọi mọi người quyên góp tiền thông qua huy động vốn cộng đồng để hỗ trợ cuộc kháng chiến. Đến nay CRPH đã huy động được 9,2 triệu USD, theo một trang web gây quỹ cộng đồng.

Hôm 27.3, KNU cho biết đã tấn công một đồn quân sự gần biên giới Thái Lan, giết chết 10 người, bao gồm cả một trung tá, và mất một trong những chiến binh của mình.

Sau đó, các máy bay phản lực quân sự cũng tiến hành các cuộc không kích vào một ngôi làng trên lãnh thổ do KNU kiểm soát khiến ít nhất 3 người đã thiệt mạng. Khoảng 3.000 dân làng đả bỏ chạy sang Thái Lan.

Bài liên quan
Nga cố bảo vệ quân đội Myanmar khi Mỹ gia tăng biện pháp trừng phạt
Ngoại trưởng Mỹ - Antony Blinken thúc giục các công ty toàn cầu nên xem xét cắt đứt quan hệ với các hoạt động kinh doanh rộng lớn của quân đội Myanmar.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
1 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mỹ thúc giục Trung Quốc can thiệp tình hình Myanmar, quân đội công bố ngừng bắn 1 tháng