Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng sở dĩ TP.HCM chưa có được nhà ở xã hội giá trẻ từ 100-150 triệu đồng/căn như Bình Dương là do chưa có chính sách xuyên suốt và mạnh dạn.

Vì sao TP.HCM, Hà Nội chưa có nhà ở xã hội giá rẻ?

Một Thế Giới | 07/04/2015, 10:52

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng sở dĩ TP.HCM chưa có được nhà ở xã hội giá trẻ từ 100-150 triệu đồng/căn như Bình Dương là do chưa có chính sách xuyên suốt và mạnh dạn.

Phần lớn công nhân, người có thu nhập thấp tại TP.HCM và Hà Nội đều chủ yếu sống tại các phòng trọ chật hẹp ở các khu công nghiệp, khu chế xuất… với các điều kiện sinh hoạt, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ chưa được đảm bảo. Các phòng trọ đa số đều rất chật hẹp, diện tích chỉ từ 10-20 m2/ phòng.
Mới đây, tỉnh Bình Dương vừa khánh thành gần 5.000 căn hộ nhà ở xã hội và tiếp tục khởi công 10.000 căn hộ mới. Các căn hộ rộng 30m2 được bán với giá chỉ 90-150 triệu đồng, người lao động chỉ phải trả trước 20%.
Thành công của mô hình nhà ở xã hội giá rẻ tại Bình Dương được nhiều người kỳ vọng sẽ ngày càng có nhiều dự án tương tự nhằm giải quyết chỗ ở cho nhiều người thu nhập thấp, nhất là tại 2 thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM.
Theo quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam, đến năm 2020 tổng số công nhân, lao động tại các khu công nghiệp đạt khoảng 7,2 triệu người. Số công nhân, lao động tại các khu công nghiệp cả nước có nhu cầu về chỗ ở đến năm 2020 là khoảng 4,2 triệu người, tương đương khoảng 33,6 triệu m2 nhà ở.
Tại TP.HCM, theo Ủy ban Nhân dân thành phố, hiện có hơn 256.000 lao động làm việc tại các khu công nghiệp, trong đó 70% là lao động nhập cư có nhu cầu về nhà ở. Ngoài ra, còn gần 1 triệu người lao động ngoài khu công nghiệp có nhu cầu về nhà ở. Tuy nhiên, các dự án đầu tư nhà ở xã hội vẫn còn ít.
Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, đến nay cả nước đã có 63 dự án nhà ở xã hội cho công nhân hoàn thành đầu tư xây dựng với quy mô xây dựng khoảng 17.430 căn hộ. Có 39 dự án đang được tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 27.000 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.850 tỉ đồng. Con số này vẫn còn rất ít so với thực tế.
Nguyên nhân chủ yếu chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội của công nhân, người có thu nhập thấp là do nhiều khu công nghiệp được hình thành nhưng quỹ đất để xây dựng nhà ở cho công nhân lại rất khan hiếm. Việc đầu tư này đòi hỏi chi phí lớn với thời gian dài nhưng thời gian vốn lại rất lâu nên hầu như các doanh nghiệp không mấy mặn mà.
Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký mua nhà ở xã hội còn phức tạp. Các công trình phụ trợ, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong các dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp còn hạn chế. Bởi vậy, nhiều dự án nhà ở cho công nhân đã hoàn thành còn nhiều chỗ trống nhưng không có người thuê.
Một số cơ chế ưu đãi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cũng chưa được quan tâm đúng mức. Ngoài ra, từng địa phương lại có mức độ ưu đãi cho doanh nghiệp khác nhau nên chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp.
Trao đổi với DVO, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng sở dĩ TP.HCM chưa có được những nhà ở xã hội với giá từ 100-150 triệu là do chưa có chính sách xuyên suốt và mạnh dạn. Ở Bình Dương, UBND tỉnh cho duyệt những ngôi nhà 30 m2, còn ở TP.HCM thì chỉ có những ngôi nhà 50-60 m2 mới được cấp phép xây dựng.
Ở TP.HCM, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội nhưng phải mua đất, điện nước, đường sá... Trong khi đó, ở Bình Dương thì các doanh nghiệp được miễn phí những vấn đề này.
Trên thực tế, tại TP HCM, năm 2015, ngành xây dựng sẽ triển khai khoảng 20 dự án nhà ở xã hội nhưng khả năng sẽ chỉ có 7 dự án được hoàn thành, đạt khoảng 35% so với chỉ tiêu. 13 dự án còn lại sẽ hoàn thành sau năm 2015 vì vốn ngân sách và vốn đối ứng của chủ đầu tư không đủ để triển khai hoàn thiện.
Đối với Hà Nội, đơn giá xây dựng ở đây cao hơn so với các địa phương khác. Tiền vật tư, tiền nhân công đều tính theo đơn giá nhà nước, mà đơn giá nhà nước rất cao, đẩy giá thành xây dựng lên cao.
Phan Diệu tổng hợp

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
5 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao TP.HCM, Hà Nội chưa có nhà ở xã hội giá rẻ?