Hãng Reuters dẫn lời giới phân tích lưu ý rằng ưu điểm của tên lửa siêu thanh không phải tốc độ mà là tính linh hoạt.
Quốc tế

Vì sao Triều Tiên đẩy mạnh phát triển tên lửa siêu thanh?

Cẩm Bình 16/01/2024 14:56

Hãng Reuters dẫn lời giới phân tích lưu ý rằng ưu điểm của tên lửa siêu thanh không phải tốc độ mà là tính linh hoạt.

Ngày 15.1, hãng thông tấn KCNA đưa tin CHDCND Triều Tiên vừa phóng thử một tên lửa siêu thanh nhiên liệu rắn tầm trung mới. Loại vũ khí này đang được chạy đua phát triển bởi Mỹ, Nga, Trung Quốc cùng nhiều quốc gia khác trong vài năm gần đây.

Tên lửa siêu thanh là vũ khí đẩy đầu đạn di chuyển nhanh gấp 5 lần vận tốc âm thanh - tương đương khoảng khoảng 6.200 km/giờ - và rất linh hoạt khi bay tầm thấp.

Dù nổi tiếng với vận tốc ấn tượng, nhưng giới phân tích lưu ý rằng ưu điểm của tên lửa siêu thanh không phải tốc độ mà là tính linh hoạt.

trieu.jpg
Hình ảnh vụ thử tên lửa siêu thanh mới đây nhất của Triều Tiên - Ảnh: KCNA

Triều Tiên thử tên lửa siêu thanh lần đầu vào năm 2021, lúc đó tên lửa phóng đi mang theo một đầu đạn lướt. Đến vụ thử năm 2022, quân đội Hàn Quốc xác định thứ mà nước láng giềng phóng đi thực chất là tên lửa đạn đạo mang đầu đạn cơ động có thể tháo rời (MaRV). Theo KCNA, vụ phóng ngày 15.1 mới đây nhằm mục đích kiểm tra độ tin cậy của động cơ nhiên liệu rắn đa tầng mới phát triển và đầu đạn cơ động siêu thanh.

Nền tảng chính của tên lửa siêu thanh là phương tiện lướt siêu thanh với động năng cực lớn giúp nó bay trong khí quyển với tốc độ cao, vượt qua hệ thống phòng thủ truyền thống và khiến kẻ địch không có thời gian phản ứng.

Cuộc đua phát triển tên lửa siêu thanh

Năm 2021, Trung Quốc phóng một tên lửa mang phương tiện lướt siêu thanh vào không gian. Tên lửa bay vòng quanh địa cầu trước khi đâm xuống mục tiêu (bị trượt khoảng 32km).

Cũng trong năm này, Nga đã thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh Zircon – vũ khí mà Tổng thống Vladimir Putin hết lòng ca ngợi. Moscow cũng lần đầu tiên tiến hành phóng tên lửa siêu thanh từ tàu ngầm lẫn khu trục hạm.

Tháng 9 năm đó, Mỹ tuyên bố thử nghiệm một loại tên lửa siêu thanh tự di chuyển như tên lửa hành trình.

Mục tiêu của Triều Tiên

Tại đại hội đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 1.2021, nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhấn mạnh sở hữu tên lửa siêu thanh là một trong 5 nhiệm vụ chính theo kế hoạch 5 năm của quốc gia này nhằm tăng cường sức mạnh quân sự – bên cạnh 2 nhiệm vụ quan trọng khác là phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) nhiên liệu rắn và tàu ngầm hạt nhân.

Tuy nhiên, lần thử đầu tiên vào tháng 9 năm đó dường như đã thất bại. Đến tháng 1.2022, giới chức Hàn Quốc báo cáo Triều Tiên phóng thử một tên lửa siêu thanh tầm thấp đạt vận tốc 12.348 km/giờ - gấp 10 lần vận tốc âm thanh.

Ở lần phóng ngày 15.1, Triều Tiên sử dụng đến nhiên liệu rắn – cho phép phóng nhanh hơn và cần ít hỗ trợ hậu cần hơn.

Trong chuyến thăm Nga vào tháng 9 năm ngoái, nhà lãnh đạo Kim được Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu đưa đi xem tên lửa siêu thanh Kinzhal cùng 3 máy bay ném bom Tu-160, Tu-95, Tu-22M3.

Nguy hiểm cho châu Á

Phát triển tên lửa siêu thanh là một phần trong cuộc chạy đua vũ trang đang diễn ra rầm rộ. Các quốc gia châu Á nỗ lực chế tạo tên lửa tầm xa.

Tên lửa siêu thanh đặc biệt đáng ngại vì chúng dễ dàng vượt qua hệ thống phòng thủ truyền thống lẫn hệ thống cảnh báo sớm. Giáo sư Chang Young-keun (Đại học Hàng không vũ trụ Hàn Quốc) cảnh báo: “Triều Tiên dường như đang cố gắng phát triển tên lửa siêu thanh và tên lửa đạn đạo tầm trung dựa trên tên lửa đẩy dùng nhiên liệu rắn. Tên lửa siêu thanh tầm trung đến tầm xa đặc biệt hữu ích khi tấn công đảo Guam của Mỹ”.

Bài liên quan
Loa phát thanh Triều Tiên ảnh hưởng sức khỏe người dân vùng biên giới
Trang The Korea Herald cho biết cư dân vùng biên giới liên Triều phải chịu tiếng ồn từ loa phát thanh của CHDCND Triều Tiên suốt nhiều tháng, khiến sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nặng nề.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Vì sao Triều Tiên đẩy mạnh phát triển tên lửa siêu thanh?