Ngày 13.1 đánh dấu 100 ngày xung đột Israel - Hamas diễn ra. Đây là cuộc chiến dài và đẫm máu nhất giữa Israel với người Palestine từ năm 1948, hiện chưa có dấu hiệu kết thúc.
Quốc tế

Xung đột Israel - Hamas tròn 100 ngày

Cẩm Bình 14/01/2024 14:33

Ngày 13.1 đánh dấu 100 ngày xung đột Israel - Hamas diễn ra. Đây là cuộc chiến dài và đẫm máu nhất giữa Israel với người Palestine từ năm 1948, hiện chưa có dấu hiệu kết thúc.

Nhóm Hamas vào ngày 7.10.2023 bất ngờ tập kích miền Nam Israel giết hơn 1.200 người và bắt đi 250 con tin. Chính quyền Thủ tướng Benjamin Netanyahu lập tức đáp trả bằng chiến dịch quân sự quy mô lớn vào Dải Gaza, đặt mục tiêu xóa sổ Hamas đồng thời giải cứu toàn bộ con tin.

Chiến sự quân sự gây ra sự tàn phá chưa từng có ở Gaza, nhưng Hamas chưa bị xóa sổ và con tin chưa được giải cứu. Quân đội Israel tuyên bố cuộc chiến sẽ kéo dài suốt năm 2024.

xung.jpg

Israel thay đổi

Cuộc tập kích ngày 7.10 khiến người dân Israel mất niềm tin vào giới lãnh đạo. Công chúng vẫn ủng hộ chiến dịch quân sự nhưng bị tổn thương sâu sắc. Cả nước không thể quên khoảnh khắc hàng nghìn người bị giết hại, người già cùng trẻ em bị Hamas bắt đi. Hình ảnh con tin dán khắp đường phố còn mọi người không ngừng kêu gọi chính quyền tìm cách đưa họ về.

Các kênh tin tức của Israel không ngừng đưa tin chiến sự, câu chuyện liên quan đến cuộc tập kích 7.10 hoặc về con tin và gia đình họ, đám tang binh sĩ thiệt mạng. Số người chết không ngừng tăng cùng tình hình nhân đạo ngày một nghiêm trọng tại Dải Gaza chẳng được bàn luận đến, tương lai Gaza hậu chiến cũng vậy.

Chỉ có một thứ không thay đổi: Thủ tướng Netanyahu không từ bỏ quyền lực dù một số quan chức an ninh đã xin lỗi đồng thời tuyên bố từ chức sau khi chiến dịch quân sự chấm dứt vì để xảy ra cuộc tập kích 7.10.

Bất chấp tỷ lệ ủng hộ giảm mạnh lẫn chỉ trích mạnh mẽ, nhà lãnh đạo Israel vẫn chưa xin lỗi hay tuyên bố từ chức. Ông nói rằng lúc cuộc chiến kết thúc sẽ tiến hành điều tra làm rõ trách nhiệm.

Nhà sử học Tom Segev cho biết cuộc tập kích ngày 7.10 cùng sự bất lực trong giải cứu con tin làm tâm lý không tin tưởng chính quyền lan rộng. Cuộc chiến có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ người dân Israel sau này.

Dải Gaza thay đổi

Trước lúc xung đột nổ ra, cuộc sống tại Dải Gaza đã chẳng dễ dàng vì Israel cùng Ai Cập phong tỏa vùng lãnh thổ này từ khi Hamas nắm quyền kiểm soát vào năm 2007. Bây giờ chiến tranh khiến nơi đây trở nên hoang tàn.

Quân đội Israel oanh tạc Gaza với cường độ chưa từng thấy. Cơ quan y tế địa phương thống kê số người chết đã vượt quá 23.000 - tương đương 1% dân số nơi đây. Hàng chục nghìn người khác may mắn sống sót thì phải sống trong trại tị nạn. Hai học giả Jamon Van Den Hoek (Đại học bang Oregon) và Corey Scher (Đại học thành phố New York) dựa trên ảnh chụp vệ tinh ước tính khoảng một nửa số công trình tại Gaza đã bị phá hủy hoặc hư hại.

Liên Hợp Quốc xác định khoảng 1/4 dân số Gaza đang chịu cảnh đói, 15 trên tổng số 36 bệnh viện chỉ hoạt động một phần, trẻ em nghỉ học nhiều tháng qua không có cơ hội đến trường nữa.

Xung đột lan rộng

Từ Dải Gaza, cuộc chiến lan rộng khắp Trung Đông khiến khu vực đứng trước nguy cơ chứng kiến xung đột lớn hơn giữa liên minh do Mỹ dẫn đầu với các nhóm vũ trang được Iran hậu thuẫn.

Từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, nhóm Hezbollah hùng mạnh ở Lebanon lập tức đẩy mạnh hoạt động tấn công biên giới phía bắc Israel, nhóm Houthi ở Yemen liên tục tập kích tàu hàng qua Biển Đỏ, vài nhóm khác ở Syria và Iraq cũng không ngần ngại tấn công lực lượng Mỹ đồn trú.

Giao tranh qua lại giữa Israel với Hezbollah chưa leo thang thành một cuộc chiến toàn diện, tuy nhiên tình hình đã ở sát bờ vực chiến tranh: lần lượt chỉ huy cấp cao Hezbollah Wissam Tawil và phó chỉ huy Saleh Mohammed Suleiman Al-Arouri của Hamas thiệt mạng trong không kích bằng máy bay không người lại Israel thực hiện.

Tại Yemen, vì Houthi không chịu ngừng tập kích tàu hàng nên Mỹ vừa đáp trả bằng hai đợt tấn công liên tiếp. Nhóm đe dọa trả đũa bằng cách tập kích cơ sở quân sự và tàu chiến Mỹ ở khu vực.

Vấn đề Palestine lại thu hút sự chú ý

Trong thời gian nắm quyền, Thủ tướng Netanyahu luôn cố gắng đánh lạc hướng sự chú ý khỏi vấn đề Palestine. Ông bác bỏ nhiều sáng kiến hòa bình, đánh giá Chính quyền Palestine (PA) tại Bờ Tây yếu kém, thực thi hàng loạt chính sách chia rẽ hai thế lực Palestine ở Bờ Tây và Dải Gaza, nỗ lực bình thường hóa quan hệ với thế giới Ả Rập hòng cô lập người Palestine đồng thời gây áp lực buộc họ phải từ bỏ ước mơ giành độc lập.

Nhưng xung đột Israel - Hamas cùng bạo lực bùng nổ ở Bờ Tây khiến cộng đồng quốc tế lại chú ý đến vấn đề Palestine, Mỹ phải đẩy mạnh hoạt động ngoại giao nhằm ổn định tình hình và Israel bị Nam Phi kiện ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) với cáo buộc vi phạm nghĩa vụ được quy định trong Công ước 1948 về ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng. Đáng chú ý là Ả Rập Saudi quyết đòi thành lập một nhà nước Palestine độc lập thì mới bình thường hóa quan hệ với Israel.

Tương lai Gaza hậu chiến mờ mịt

Cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn, chẳng có thông tin rõ ràng về thời gian kết thúc hay điều gì sẽ xảy ra sau đó.

Israel tuyên bố Hamas sẽ không đóng vai trò gì trong tương lai Gaza hậu chiến. Hamas gọi đây là ảo tưởng.

Mỹ muốn PA quản lý cả Bờ Tây lẫn Dải Gaza, tạo điều kiện tiến tới thành lập nhà nước Palestine độc lập. Israel bác bỏ khả năng này đồng thời tỏ rõ ý muốn duy trì hiện diện quân sự lâu dài ở Gaza. Washington nhất quyết không cho đồng minh tái chiếm vùng lãnh thổ này.

Công cuộc tái thiết sau chiến tranh chắc chắn tiêu tốn rất nhiều thời gian lẫn kinh phí. Chưa rõ bên nào chấp nhận cung cấp tài chính, và làm thế nào vận chuyển lượng lớn vật liệu xây dựng cần dùng qua số cửa khẩu hạn chế luôn bị quản lý nghiêm ngặt, người dân ở đâu khi nhà cửa đang được xây lại.

Bài liên quan
Bộ trưởng Israel hạ lệnh chuẩn bị sáp nhập một phần Bờ Tây
Đài CNN dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Israel Bezalel Smotrich ngày 11.11 cho biết ông vừa hạ lệnh cho cơ quan mình quản lý chuẩn bị cơ sở hạ tầng cần thiết để sáp nhập các khu định cư ở Bờ Tây vào Israel.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Tập trung thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị
7 giờ trước Sự kiện
Sáng 19.11, tại trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo trung ương về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25.10.2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" (gọi tắt là Ban Chỉ đạo) đã tổ chức phiên họp thứ nhất.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xung đột Israel - Hamas tròn 100 ngày