Ngày 15.10, những người quan sát bầu trời tại Nhật Bản đã ghi được hình ảnh một tia chớp trong bầu khí quyển của bắc bán cầu, có thể do một tiểu hành tinh đâm vào sao Mộc.
Người dùng Twitter tên yotsuyubi21 đã ghi lại sự việc bằng kính thiên văn Celestron C6. Nhóm nghiên cứu do nhà thiên văn Ko Arimatsu của Đại học Kyoto đứng đầu đã xác nhận những hình ảnh này.
Theo một tweet được đăng bởi nhóm dự án, hình ảnh được ghi nhận bao gồm 2 loại ánh sáng khác nhau là ánh sáng nhìn thấy và tia hồng ngoại, tạo cho sao Mộc một ánh sáng màu hồng kỳ lạ.
Sao Mộc thường xuyên trải qua những tác động như vậy do lực hấp dẫn mạnh liên kết với khối lượng của nó. Những vật thể nhỏ hơn như các tiểu hành tinh rải rác trong hệ Mặt trời, có thể dễ dàng bị kéo vào bầu khí quyển hỗn loạn của hành tinh.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng các vật thể có chiều dài ít nhất là 45 mét đâm vào sao Mộc trung bình vài tháng một lần. Do các hạn chế về quan sát nên ngay cả chương trình giám sát kỹ lưỡng nhất cũng có thể chỉ bắt được một lần va chạm mỗi năm.
Theo Sky & Telescope, tia chớp đã xuất hiện ở vùng nhiệt đới phía bắc của hành tinh. Các nhà quan sát vẫn chưa chắc liệu vụ va chạm có để lại những mảnh vụn mà các nhà khoa học có thể theo dõi hay không.